Vì sao sẽ cho thôi nhiệm vụ ĐBQH đối với ông Ngô Đức Mạnh?
Trong phiên họp lần thứ 22 tới đây, Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định việc cho thôi làm nhiệm vụ ĐBQH đối với ông Ngô Đức Mạnh |
Theo chương trình dự kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, phiên họp lần thứ 22 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ diễn ra trong 2 đợt, đợt 1 vào ngày 12 – 13/3 và đợt 2 vào ngày 20 – 22/3.
Cụ thể, trong đợt 1, ngày 12/3, Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đo đạc và bản đồ; một số nội dung của dự thảo Nghị định quy định về đối tượng, phạm vi, mức, phương thức hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi).
Sau đó một ngày, Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định việc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội đối với ông Ngô Đức Mạnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận. Lý do là do ông Mạnh đã được bổ nhiệm làm Đại sứ Việt Nam tại Nga.
Ông Ngô Đức Mạnh (sinh ngày 1 tháng 10 năm 1960), quê quán tại xã Hương Thủy, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh. Ông là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XIV thuộc đoàn đại biểu Bình Thuận. Trước đó, ông Ngô Đức Mạnh là đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII thuộc đoàn đại biểu tỉnh Bình Phước.
Quốc hội khóa XIV nhiệm kỳ 2016-2021 có 496 đại biểu, được bầu vào ngày 22 tháng 5 năm 2016. Hai người tuy được bầu nhưng sau đó bị truất quyền đại biểu là ông Trịnh Xuân Thanh bị hủy tư cách đại biểu quốc hội vào ngày 15 tháng 7 năm 2016; bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường bị hủy tư cách đại biểu Quốc hội vào chiều ngày 17/7/2016.
Tính tới ngày 8 tháng 12 năm 2017 lại có thêm 5 ghế trống, đại biểu Ngô Văn Minh (đảng viên) và đại biểu Thích Chơn Thiện (không đảng viên) từ trần cuối năm 2016, còn ông Võ Kim Cự (đảng viên, ủy viên trung ương Đảng) xin thôi vì lý do "sức khỏe".
Ông Đinh La Thăng và ông Nguyễn Quốc Khánh bị Ủy ban Thường vụ Quốc hội miễn nhiệm tư các đại biểu Quốc hội, đã bị truy tố và bắt tạm giam. Khi ấy, Quốc hội Việt Nam khóa XIV chỉ còn có 489 đại biểu (trong đó có 19 người ngoài đảng và 470 đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam).
Như vậy, nếu TVQH đồng ý cho ông Ngô Đức Mạnh thôi nhiệm vụ ĐBQH thì tính đến thời điểm này, QH khóa XIV chỉ còn 488 đại biểu.