Vì sao Đà Nẵng tiến hành phân bổ dân cư?
Áp lực gia tăng dân số đang đè nặng lên hạ tầng kỹ thuật đô thị và dịch vụ xã hội tại khu vực trung tâm TP Đà Nẵng - Ảnh: HC |
Thực trạng có quá nhiều bất cập
Đến cuối năm 2011, Đà Nẵng có 951.684 dân. Với 971 người/km2 (không tính huyện đảo Hoàng Sa), Đà Nẵng xếp thứ 9/63 tỉnh, thành về mật độ dân số trong khi diện tích chỉ xếp thứ 59/63. Bên cạnh đó là sự chênh lệch khá lớn về mật độ dân số giữa các quận, huyện. Hơn 4/5 dân số tập trung trên một diện tích bằng 1/4 diện tích toàn TP. Hai quận Thanh Khê và Hải Châu chiếm 39,7% dân số nhưng diện tích chỉ chiếm 2,6% của toàn TP.
Theo Sở Nội vụ Đà Nẵng, tình trạng phân bổ dân cư không đồng đều giữa các địa phương trên địa bàn, sự chênh lệch về mật độ dân số giữa nơi cao nhất và nơi thấp nhất ngày càng tăng. Nếu ở thời điểm ngày 1/4/1979, chênh lệch mật độ dân số ở nơi cao nhất (quận Thanh Khê) với nơi thấp nhất (huyện Hoà Vang) là 97,5 lần thì đến 1/4/1989 tăng lên 110,17 lần; đến 1/4/1999 tăng lên 118,47 lần; đến 1/4/2009 là 116,13 lần...
Tốc độ tăng dân số bình quân hàng năm của Đà Nẵng cũng luôn cao hơn so với bình quân cả nước. Xu hướng chênh lệch giữa tốc độ tăng dân số bình quân hàng năm của Đà Nẵng và toàn quốc ngày càng tăng qua các thời kỳ. Giai đoạn 1979 - 1989: toàn quốc 2,1%, Đà Nẵng 2,36%; giai đoạn 1989 - 1999: toàn quốc 1,7%, Đà Nẵng 2,31%; giai đoạn 1999 - 2009: toàn quốc 1,2%, Đà Nẵng 2,62%.
Đáng chú ý, trong giai đoạn 2005 - 2009, tỉ suất nhập cư vào Đà Nẵng luôn cao hơn tỉ suất xuất cư, và mức chênh lệch này ngày càng có xu hướng tăng qua các năm. Theo thống kê, Đà Nẵng đứng thứ 4 trong số các địa phương có dân số di cư thuần cao nhất giai đoạn 2004 - 2009 với tỉ lệ người di cư chiếm 10,1%. Tính đến ngày 1/10/2012, TP có 219.889 hộ với 985,675 nhân khẩu đăng ký thường trú, tạm tú. Trong đó có 12.943 hộ với 123.085 nhân khẩu từ các tỉnh, TP khác, chiếm 12,5% nhân khẩu toàn TP.
Hiện diện tích đất ở bình quân đầu người ở Đà Nẵng vẫn cao hơn so với định mức do TƯ quy định là 16 - 18m2/người. Nhưng có 5 phường có diện tích đất ở thấp hơn quy định tối thiểu 16m2 (chiếm 8,9%), 12 phường có diện tích đất ở thấp hơn quy định tối đa 18m2 (21,4%). Toàn bộ các phường này tập trung tại 2 quận Hải Châu và Thanh Khê, nơi diện tích đất ở thấp nhưng dân số lại đông, dẫn đến nhiều vấn đề bức xúc về đất ở, nhà ở.
Phải phân bổ dân cư để đáp ứng yêu cầu của TƯ
"Mật độ dân số TP khá cao cùng với số lượng người nhập cư lớn dẫn đến quá tải về cơ sở hạ tầng kỹ thuật như giao thông, điện, cấp thoát nước và vệ sinh môi trường; quá tải về cơ sở hạ tầng xã hội về giáo dục, y tế, nhà ở... gây áp lực lớn cho công tác quản lý dân cư và đô thị. Tình hình trật tự an toàn xã hội diễn biến phức tạp, số lượng tội phạm là người ngoại tỉnh chiếm tỉ lệ cao. Việc giải quyết việc làm và khả năng đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân bị hạn chế!" - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến cho hay.
Trong khi đó, Nghị quyết 33/-NQ-TƯ của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng trong thời kỳ CNH - HĐH yêu cầu "xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm KT-XH lớn của miền Trung". Quyết định 1866/QĐ-TTg (ngày 8/10/2010) của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH TP Đà Nẵng đến năm 2020 cũng xác định: "Xây dựng TP Đà Nẵng trở thành đô thị động lực, có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển vùng".
"Để góp phần thực hiện thành công các Nghị quyết và Quyết định nêu trên nhất thiết phải có sự phát triển dân số đảm bảo về số lượng, chất lượng, cơ cấu và phân bổ hợp lý. Đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm động lực để phát triển KT-XH, nâng cao năng lực cạnh tranh của TP và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, đảm bảo TP phát triển hài hoà, bền vững và đáng sống" - ông Văn Hữu Chiến nhấn mạnh.
Ông cũng lưu ý, tại Quyết định 1866/QĐ-TTg đã nêu, Thủ tướng Chính phủ định hướng "dân số Đà Nẵng đến năm 2015 khoảng 1 triệu người, đến năm 2020 khoảng 1,38 triệu người. Trong đó, dân số thành thị chiếm khoảng 92% vào năm 2020". Nếu không có biện pháp phân bổ và quản lý dân cư phù hợp, đầu tư nâng cấp, mở rộng hạ tầng xã hội, tăng cường công tác bảo vệ an ninh trật tự thì trong tương lai gần, Đà Nẵng sẽ không tránh khỏi hàng loạt khó khăn, bất cập trong việc thực hiện quyết định này.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến nêu rõ: "Từ thực tế trên, yêu cầu đặt ra cho TP là cần có định hướng quy hoạch phát triển KT-XH cùng các biện pháp quản lý, điều hoà và phân bổ dân cư phù hợp với định hướng đã được Thủ tướng phê duyệt nhằm đảm bảo số lượng công dân (theo dự báo) và mật độ dân số không vượt quá ngưỡng chịu đựng của hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ xã hội. Tăng số lượng công dân có chất lượng và trình độ cao (cả người địa phương và người nhập cư) nhưng đồng thời dân cư không tập trung quá đông đúc ở khu vực trung tâm TP và không thu hút quá lớn lượng dân cư từ các tỉnh, thành lân cận".