Để thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm này, trước tiên, Đảng phải tự đổi mới trên nhiều phương diện. Đảng ta đặt vấn đề đổi mới tư duy là nội dung cần phải đổi mới đầu tiên. Nhìn một cách tổng quát, tư duy cần phải đổi mới chính là tư duy về chủ nghĩa xã hội (CNXH) và về con đường đi lên CNXH ở nước ta. Và tư duy về vấn đề này gồm nhiều lĩnh vực: những vấn đề chung, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại... Đối với lĩnh vực nào cũng cần đổi mới tư duy, nhưng trước hết phải tập trung vào 1ĩnh vực kinh tế, vì đây là lĩnh vực “tập trung các quan hệ chính trị”, đặc biệt trước yêu cầu tái cơ cấu mô hình tăng trưởng nhằm đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Phải tháo gỡ những vấn đề kinh tế trước, từ đó tháo gỡ những vấn đề được đặt ra trong các lĩnh vực khác. Phải tìm ra mô hình tăng trưởng kinh tế mới, để từ đó tìm ra mô hình mới về CNXH và con đường mới quá độ lên CNXH của nước ta. Thực tế đổi mới đã chứng minh chủ trương đó là hoàn toàn đúng đắn. Đây là sự tỉnh táo về tư duy lãnh đạo của Đảng, đặc biệt trong việc chủ động phòng, chống biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
Để đổi mới tư duy, cần tạo những điều kiện thuận lợi cho quá trình đổi mới tư duy: bầu không khí dân chủ trong xã hội, nhất là trong sinh hoạt Đảng, trong nghiên cứu khoa học; tinh thần tôn trọng sự thật, tôn trọng chân lý; hệ thống thông tin chính xác; phê bình và tự phê bình được tiến hành một cách thường xuyên và nghiêm túc... Điều quan trọng là phải coi trọng công tác lý luận nhằm cung cấp nội dung khoa học cho việc đổi mới tư duy. Nghiên cứu lý luận đương nhiên phải gắn với tổng kết thực tiễn theo tinh thần ''nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật''; từ đó rút ra được những kết luận đúng để bổ sung cho đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và phát triển lý luận của Đảng.
Đồng thời, phải thực hiện đổi mới về tổ chức nhằm làm cho bộ máy của Đảng và Nhà nước từ trên xuống dưới phù hợp với một đảng cầm quyền trong điều kiện mới, tránh được các bất cập như chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, biên chế ngày càng phình to, tách nhập thiếu tính toán kỹ, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả. Và đổi mới đội ngũ cán bộ, nhằm xây dựng một đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, trước hết là cán bộ chủ chốt các cấp.
Vấn đề ''đổi mới phương thức lãnh đạo'' của Đảng được đặt ra từ Đại hội lần thứ VI của Đảng; đến Đại hội lần thứ VII (năm 1991) đã được điều chỉnh thành ''đổi mới phương thức lãnh đạo và phong cách công tác''; Và tại Đại hội XII được xác định là “đổi mới phương thức lãnh đạo, phương thức cầm quyền”. Tất nhiên, trong nội dung đổi mới phương thức lãnh đạo, phương thức cầm quyền không thể thiếu việc đổi mới cả tổ chức của Đảng cũng như phong cách công tác của mỗi cán bộ, đảng viên.
Trong công tác đổi mới phương thức lãnh đạo, phương thức cầm quyền đòi hỏi Đảng phải xác định cách thức, hình thức lãnh đạo phù hợp với hệ thống chính trị nói riêng, dân chủ xã hội chủ nghĩa nói chung cũng như cách thức, hình thức cầm quyền đối với Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đang chuyển mạnh từ mô hình Nhà nước quản lý sang mô hình Nhà nước phục vụ và kiến tạo phát triển, theo tinh thần Hiến pháp năm 2013. Và trong đó không thể không đổi mới phong cách công tác của cán bộ, đảng viên theo nguyên tắc dân chủ - pháp quyền, khoa học, tập thể, tôn trọng sự thật, nói đi đôi với làm, nhằm hoàn thành một cách chất lượng, hiệu quả nhiệm vụ được giao.
Đối với một đảng duy nhất cầm quyền, đổi mới phương thức lãnh đạo và phương thức cầm quyền của chính mình là cuộc tự đổi mới, tự xây dựng, tự chỉnh đốn lớn, hệ trọng, nên việc thực hiện công tác đổi mới ấy hoàn toàn không đơn giản. Phải thông qua hoạt động thực tiễn mới có thể khẳng định được những gì phù hợp hay không phù hợp, để xây dựng được phương thức lãnh đạo và phương thức cầm quyền phù hợp điều kiện hiện nay ở Việt Nam.
Càng đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, nhằm phát triển đất nước nhanh, bền vững lại càng thấy rõ việc xây dựng Đảng vững mạnh chỉ có thể có được bằng việc đổi mới Đảng trên tất cả các mặt tư duy, tổ chức, cán bộ, phương thức lãnh đạo và phương thức cầm quyền. Thực tiễn đổi mới cũng cho phép rút ra một kết luận: Đảng, trước tiên, phải tự đổi mới để lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước; Đảng càng đổi mới thì công cuộc đổi mới đất nước càng phát triển mạnh mẽ; ngược lại, công cuộc đổi mới đất nước càng phát triển, càng đi vào chiều sâu thì càng đòi hỏi Đảng phải đổi mới mạnh mẽ, toàn diện hơn.