Bàn gỡ tín dụng: VCB lên kỷ lục, cổ phiếu của tỷ phú Phạm Nhật Vượng chịu áp lực bán mạnh
Sáng 8/2, sự chú ý của giới đầu tư đổ dồn vào Hội nghị trực tuyến về tín dụng bất động sản, do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng chủ trì, đại diện Bộ Xây dựng, các hiệp hội cùng 20 doanh nghiệp bất động sản lớn nhất tham dự.
Thị trường chứng khoán phản ứng thận trọng và chờ đợi thêm kết quả từ cuộc họp tín dụng bất động sản. Chỉ số VN-Index tăng nhẹ 6-8 điểm gần cuối buổi sáng 8/2 sau khi giảm mạnh hơn 24 điểm trong phiên liền trước.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng khá ấn tượng. Tới 11h sáng 8/2, cổ phiếu Vietcombank tăng 4.200 đồng lên mức cao lịch sử mọi thời đại: 96.200 đồng/cp (giá điều chỉnh). Hiện Vietcombank có vốn hóa lớn nhất thị trường, đạt tổng cộng hơn 454 nghìn tỷ đồng, bằng tổng vốn hóa của 2 ngân hàng lớn khác là: BIDV và Vietinbank.
Cổ phiếu BIDV (BID) tăng 800 đồng lên 44.600 đồng/cp. Techcombank (TCB) của tỷ phú Hồ Hùng Anh tăng 250 đồng lên 27.650 đồng/cp. TPBank (TPB) của ông Đỗ Minh Phú, VIBank (VIB) của ông Đặng Khắc Vỹ, VPBank (VPB) của ông Ngô Chí Dũng… đều tăng giá nhẹ.
Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu bất động sản phân hóa khá mạnh.
Nhóm cổ phiếu của tỷ phú Phạm Nhật Vượng chịu áp lực bán mạnh. Cổ phiếu Vingroup (VIC) giảm 1.200 đồng xuống 53.800 đồng/cp; Cổ phiếu Vinhomes (VHM) giảm 1.150 đồng xuống 45.650 đồng/cp. Vincom Retail (VRE) đứng giá ở mức 28.550 đồng/cp.
Novaland (NVL) cũng biến động mạnh, lúc tăng lúc giảm. Phát Đạt (PDR), Nhà Khang Điền (KDH), Hà Đô (DHG), DIC Corp. (DIG)… phần lớn thời gian giảm giá.
Thị trường bất động sản có nguồn vốn từ rất nhiều kênh: vốn tự có, vốn ứng trước của người mua nhà, vốn phát hành cổ phiếu, trái phiếu, vốn đầu tư trực tiếp từ nhà đầu tư nước ngoài và vốn tín dụng ngân hàng.
Tại cuộc họp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, bản thân các doanh nghiệp (DN) cần có các giải pháp đẩy mạnh, quản trị lại DN để có năng lực tài chính và khả năng trả nợ ngân hàng.
Doanh nghiệp phải nâng cao năng lực tài chính, đa dạng hoá nguồn huy động vốn, giảm phụ thuộc tín dụng ngân hàng. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến nhà ở cho công nhân, nhà ở giá rẻ, NOXH, mong rằng bản thân các DN tích cực tham gia phân khúc này. Bản thân Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ ưu tiên tín dụng cho phân khúc này.
Chờ tín hiệu tích cực cho nhóm bất động sản
Thị trường lo ngại các doanh nghiệp bất động sản không sớm hồi phục và việc tiếp cận tín dụng cũng như đẩy mạnh bán hàng giữa lúc thị trường bất động sản trầm lắng… sẽ không dễ dàng.
Dù vậy, cuộc họp cũng cho thấy, các cơ quan chức năng đang nỗ lực tìm cách tháo gỡ và thúc đẩy bất động sản - một lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế.
Cuối năm 2022, NHNN cũng đã có những thay đổi về chính sách nhằm thúc đẩy thêm dòng tiền vào nền kinh tế thông qua việc điều chỉnh cách tính tỷ lệ Dư nợ tín dụng/Vốn huy động (LDR) tại các ngân hàng thương mại có hiệu lực tới hết năm 2023. Một số ngân hàng thương mại có nguồn gốc quốc doanh như Vietcombank (VCB), BIDV (BID), Vietinbank (CTG) sẽ được hưởng lợi từ thay đổi nói trên khi tỷ lệ LDR mới giảm đáng kể.
Bộ Tài chính cũng sẽ trình dự thảo sửa đổi Nghị định 65 về trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành riêng lẻ trong tuần này.
Giới đầu tư chờ đợi nhóm cổ phiếu bất động sản tốt lên nhờ cú hích sửa Nghị định 65. Gánh nặng nợ trái phiếu sẽ giảm bớt. Nhiều cổ phiếu giảm 70-90% so với đỉnh như DIG, PDR, NVL, CEO… có thể sẽ hồi phục trở lại.
Theo ông Huỳnh Minh Tuấn - CEO Công ty Cổ phần FIDT, việc giãn thời gian thực hiện xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong vòng 1 năm theo dự thảo Nghị định 65 sửa đổi là rất tích cực cho thị trường.
Theo đó, thị trường có thời gian đủ dài để thích nghi với quy định mới. Việc giãn thời gian phân phối trái phiếu sang 1/1/2024 nhằm giúp doanh nghiệp và các công ty chứng khoán tăng khả năng thành công của các đợt phát hành trái phiếu. Việc cho phép các trái phiếu phát hành trước đây còn dư nợ thì được gia hạn với thời gian tối đa là 2 năm cũng giúp doanh nghiệp có nhiều lựa chọn hơn để cơ cấu lại TPDN…
Mạnh Hà