UBTVQH đề nghị lưu ý vụ "ném đá ở Nghi Phương" khi làm luật
Chủ nhiệm UBQPAN Nguyễn Kim Khoa quan niệm, có thể xác định trụ sở tiếp công dân là một địa điểm chứ không phải là một tổ chức, nên đối với con dấu cần phải cân nhắc. Trụ sở tiếp công dân không phải nơi giải quyết mà theo ông Khoa phải là nơi trả lời cho dân biết những vấn đề dân phản ánh.
UBTVQH đề nghị khi tụ tập đông người thì trách nhiệm người đứng đầu phải giải quyết. |
Đồng tình với ban soạn thảo khi đưa việc tiếp xúc cử tri cũng là hình thức tiếp công dân, Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nêu: Trụ sở tiếp công dân ngoài hệ thống có mối quan hệ nào với nhau, có kết nối lại với nhau không? Bởi luật hiện đang triển khai theo hướng trụ sở nào thì trụ sở đó tiếp. Mặt khác, dự thảo quy định khi công dân có yêu cầu thì ĐBQH phải tạo điều kiện thuận lợi, theo bà Mai với quy định này phải dùng từ mạnh mẽ hơn nữa là “phải tiếp công dân” khi có yêu cầu.
Đề cập đến con dấu, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước đề nghị chỉ cần ghi là trụ sở tiếp công dân trung ương, không nên coi là cơ quan có nhiều pháp nhân sẽ thêm phức tạp. Ngay cả với quy định “phải gặp”, nếu đưa ra cũng cần lưu ý: “Nếu ĐBQH phải gặp khi có yêu cầu thì cũng căng. Vì công dân đã đến 2 – 3 lần mà lại không có chuyện gì mới thì cũng không cần thiết, mất thời gian. Tôi đã bị dính chuyện này rồi. Lúc đó có khi còn phải chứng kiến họ ngồi đập bàn, đập ghế với mình” – ông Ksor Phước nói.
Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc thì cho rằng trách nhiệm người đứng đầu được quy định nhẹ quá. “Nếu người đứng đầu tránh né, lại cử người khác tiếp công dân thì thế nào. Nếu như vậy thì tình hình vẫn chỉ như thế mãi thôi. Cố tình né tránh tiếp dân thì sẽ xử lý đến đâu, trong dự thảo Luật không quy định rõ” - ông Phúc nói.
“Khi tụ tập đông người thì trách nhiệm người đứng đầu phải giải quyết. Nên giải quyết theo hướng một cửa, nhận đơn và trả kết quả. Nếu đơn tiếp nhận lại trở về sở nọ tỉnh kia, bộ nọ ngành kia sẽ không giải quyết được gì cả” – ông Phúc đề nghị.
Băn khoăn về tính khả thi, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nêu vấn đề: Khi làm trụ sở thì có dân tới để tiếp không vì trụ sở tiếp công dân chỉ là nơi nhận đơn thư, hẹn ngày và trả lời thôi. Ngay cả trụ sở Trung ương cũng không được giải quyết. Ngoài ra cũng theo ông Sơn, Luật tiếp công dân cũng không quy định về bảo vệ trụ sở tiếp công dân. Bởi nếu không quy định cấm thì dễ xảy ra tình trạng mạt sát, gây sức ép giống như trường hợp ở Nghi Phương, Nghệ An vừa qua.
Chủ tịch Quốc hội thì đưa ra tình huống, khi quyết định có hiệu lực rồi mà người ta cứ kéo đến trụ sở thì phải xử lý thế nào cho dứt điểm? Chủ tịch dẫn dụ như sáng nay đi qua trụ sở VKSND Tối cao, thấy người dân treo khẩu hiệu, ăn nói phản cảm: “Tôi gọi điện cho anh Bình (Viện trưởng VKSND Tối cao), thì anh ấy bảo việc này đã được giải quyết nhưng người ta cứ đến”. Ngoài ra Chủ tịch Quốc hội cũng nêu, nếu người dân kháng cự, hoặc ném đá như ở Nghi Phương, Nghệ An thì phải xử lý thế nào cũng cần được đề cập.
Trước những ý kiến băn khoăn của đại biểu, Chủ nhiệm UBPL Phan Trung Lý cho biết, theo điều 8, khoản 9 Luật tiếp công dân có quy định “quyền từ chối” của người tiếp. Bên cạnh đó khi tụ tập trước trụ sở thì trách nhiệm không chỉ của người tiếp dân trong trụ sở, vì bản thân cán bộ trụ sở không thể giải quyết hết được. Ông Lý cũng đồng tình với việc không cần có con dấu của trụ sở tiếp công dân.
Với ý kiến đề xuất thay đổi tên trụ sở tiếp công dân của đại biểu tại kỳ họp trước, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho biết, Ban Bí thư đã đề nghị vẫn giữ nguyên tên gọi là trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước như hiện nay, không nên thay đổi tên gọi này.
Đối với trường hợp tập trung gây rối ngoài trụ sở, đặc biệt gây sức ép, theo ông Thanh đã có quy định về việc này rồi. Vấn đề một cửa, một dấu, ông Thanh cho rằng, ở cấp tỉnh thì làm được, còn Trung ương thì khó. Ông cũng đề nghị ban tiếp dân Trung ương nên giao cho Thủ tướng Chính phủ thống nhất, quy định.