UBND quận Thanh Xuân nói gì về vụ "biển hiệu chỉ có 2 màu xanh - đỏ"?
Trước ý kiến nhiều chiều của dư luận về việc đồng bộ hóa biển quảng cáo trên tuyến đường kiểu mẫu Lê Trọng Tấn, chiều 12/5, UBND quận Thanh Xuân đã chính thức "lên tiếng" về vấn đề này.
Theo UBND quận Thanh Xuân, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội về việc triển khai công tác chỉnh trang cải tạo bề mặt tuyến phố Lê Trọng Tấn, đơn vị này đã phối hợp với Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội xây dựng hồ sơ thiết kế chỉnh trang mặt tiền các công trình thuộc tuyến đường, đảm bảo chất lượng và tiến độ để hoàn thành công trình thí điểm tuyến phố kiểu mẫu của Thủ đô, một con đường đẹp ở cảnh quan, đẹp trong cách làm mô hình mới, phương thức quản lý mới, đẹp trong sự đồng thuận của nhân dân.
Cụ thể, đối với việc chỉnh trang tuyến đường Lê Trọng Tấn, ngoài các hạng mục thành phố đầu tư như hạ tầng, hạ ngầm bao gồm điện, nước, vỉa hè, lòng đường; trên cơ sở thiết kế chỉnh trang mặt tiền công trình của đơn vị tư vấn thiết kế của Sở Quy hoạch – Kiến trúc, ngày 1/3/2016, UBND quận Thanh Xuân và phường Khương Mai phối hợp với Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội tổ chức cuộc họp, phát phiếu thăm dò, hỏi ý kiến nhân dân về phương thức và cách làm.
Biển hiệu chỉ có 2 màu xanh - đỏ trên đường Lê Trọng Tấn (Hà Nội) đang gây ra sự tranh cãi. |
Theo đó, tổng số hộ dân có liên quan là 151 hộ dân và 8 cơ quan, tổ chức. Số hộ gia đình và tổ chức đã thống nhất chủ trương của thành phố là 153, còn lại 6 hộ hiện không cư trú tại Hà Nội nhưng sau cuộc họp đều có gửi phiếu thống nhất ý kiến. Quận có đầy đủ hồ sơ biên bản cuộc họp và phiếu lấy ý kiến của nhân dân.
Tiếp đó, ngày 28/4/2016, quận đã cho lắp 5 biển hiệu mẫu từ số nhà 88 đến số nhà 94 đường Lê Trọng Tấn để các hộ dân góp ý kiến. Qua tiếp nhận, cơ bản các biển hiệu đáp ứng nhu cầu của các hộ gia đình. Trên cơ sở đó, quận Thanh Xuân đã tiến hành chỉnh trang đồng bộ hệ thống biển hiệu toàn tuyến.
Theo UBND quận Thanh Xuân, cùng với việc lấy ý kiến người dân, chính quyền quận và phường đã vận động các hộ dân sống 2 bên tuyến phố cùng tham gia chỉnh trang đô thị bằng những việc làm cụ thể như tháo dỡ mái che, mái vẩy và biển hiệu quảng cáo được lắp đặt tự phát, không đồng bộ về kích thước, kiểu dáng; lắp đặt lại các thiết bị để điều hòa, bồn nước, đường ống nước không nằm bên ngoài ban công; quét sơn lại mặt tiền theo màu thống nhất.
Trong quá trình thực hiện, quận đã kịp thời giải đáp các thắc mắc, kiến nghị, trực tiếp trao đổi, thuyết phục từng hộ dân có nhà mặt phố để cùng thấu hiểu và đồng thuận, đồng lòng thực hiện chỉnh trang đô thị.
Theo đơn vị này, màu sơn do UBND quận Thanh Xuân thống nhất với Sở Quy hoạch và Kiến trúc về gam màu cơ bản; các biển hiệu hai bên đường, các biểu hiệu cửa hàng được thiết kế đồng mức về chiều cao, đồng cấp, đồng chất liệu và thực hiện theo phương thức xã hội hóa (nhân dân không phải bỏ tiền).
Đề cập đến hệ thống biển hiệu, UBND quận Thanh Xuân cho rằng, cần phân biệt sự khác nhau giữa hệ thống biển hiệu cửa hàng và logo, thương hiệu quảng cáo.
Theo đó, đối với hệ thống biển hiệu được chỉnh trang thuộc tuyến đường Lê Trọng Tấn là hệ thống biển hiệu. Hệ thống này được lắp đặt, thiết kế đồng bộ. Chiều cao biển là 1,1m; chiều rộng tối đa bằng chiều rộng công trình; vị trí mép dưới biển hiệu là 3,3-3,2m. Màu sắc được thiết kế 2 gam màu cơ bản là nền xanh hoặc đỏ và chữ màu trắng.
Để tạo sự chuyển biến đồng bộ về trật tự mỹ quan đô thị, tạo ra một diện mạo đô thị văn minh, hiện đại theo đúng tinh thần chỉ đạo của thành phố, quan điểm của quận Thanh Xuân là cần có sự đồng bộ, hài hòa về màu sắc của hệ thống biển hiệu dọc tuyến đường Lê Trọng Tấn với màu sơn của nhà dân (màu vàng nhạt và ghi xám), hệ thống cây xanh hai bên đường, hệ thống đèn led chiếu sáng; phù hợp với đặc điểm thời tiết khí hậu, thuận tiện cho việc kinh doanh của các hộ dân; đặc biệt là gắn liền với đặc trưng của Thủ đô Hà Nội – trái tim của Tổ quốc, thành phố hòa bình nên đã thiết kế và hoàn thành lắp đặt hệ thống biển hiệu tạo nên vẻ đẹp thống nhất trên toàn tuyến đường.
Đề cập đến các logo quảng cáo và thương hiệu độc quyền của các doanh nghiệp, UBND quận Thanh Xuân cho biết, đối với các tổ chức doanh nghiệp đã có logo quảng cáo và thương hiệu độc quyền được các cơ quan có thẩm quyền cấp theo đúng quy định của Luật và đang lắp đặt tại trụ sở đơn vị hoặc biển quảng cáo được cấp phép quảng cáo, cơ quan có thẩm quyền cấp theo đúng quy định của Luật, quận tôn trọng nhưng đề nghị thực hiện việc chỉnh trang đảm bảo kích thước để tạo sự thống nhất, đồng bộ.
Theo đơn vị này, cùng với việc chỉnh trang biển hiệu, quận đã tiến hành lắp đặt trạm tuần tra nhân dân, hệ thống camera an ninh, nối trực tiếp đến Công an phường nhằm giám sát, đảm bảo an ninh trật tự.
“Từ thực tế việc triển khai chỉnh trang tuyến đường Lê Trọng Tấn, thành phố và quận Thanh Xuân sẽ tiến hành tổng kết rút kinh nghiệm tiếp thu ý kiến của nhân dân, báo chí… để tiếp tục nhân rộng trên một số tuyến đường khác, tạo diện mạo đô thị khang trang trên địa bàn quận và Thủ đô”, UBND quận Thanh Xuân khẳng định.