UB Tư pháp không đồng ý việc bắt buộc ghi âm, ghi hình lấy lời khai bị can
Trong đó, UB Tư Pháp không tán thành với việc dự thảo quy định “Bắt buộc phải ghi âm hoặc ghi hình hoạt động hỏi cung bị can” vì thực tiễn cho thấy trong trường phạm tội quả tang, các vụ án chứng cứ đơn giản, rõ ràng và bị can đã nhận tội thì quy định hiện hành về hoạt động hỏi cung không có vướng mắc gì; còn việc bức cung, nhục hình, nếu có thường xảy ra trước khi khởi tố bị can (khi lấy lời khai người bị bắt, bị tạm giữ) hoặc trong trường hợp phạm tội không quả tang hoặc trong những vụ án phức tạp mà bị can không nhận tội hoặc đổ lỗi cho nhau.
Báo cáo thẩm tra khẳng định: "Vì vậy, để tăng cường hiệu quả chống bức cung, dùng nhục hình, bảo đảm phù hợp với thực tiễn, tránh phát sinh thêm thủ tục rườm rà không cần thiết, đề nghị quy định theo hướng: trong trường hợp phạm tội mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt chung thân, tử hình hoặc trong trường hợp cần thiết khác thì cùng với việc lập biên bản phải ghi âm hoặc ghi hình khi hỏi cung bị can".
Hôm qua, Viện trưởng Viện KSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đọc tờ trình nội dung như sau: Thể chế hóa các nghị quyết của Đảng và quy định của Hiến pháp năm 2013 về phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực, Dự thảo quy định: Thứ nhất, bắt buộc phải ghi âm hoặc ghi hình khi hỏi cung bị can;
Thứ 2, quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan tố tụng phải thông báo trước cho người bào chữa thời gian và địa điểm tiến hành các hoạt động tố tụng để họ tham dự;
Thứ 3, bổ sung các quy định để Viện kiểm sát thực hiện tốt chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp; bắt buộc Kiểm sát viên phải hỏi cung khi bị can kêu oan hoặc khi phát hiện hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng;
Thứ 4, quy định trách nhiệm của cơ quan tố tụng cấp trên phải kiểm tra hoạt động tố tụng của cơ quan cấp dưới;
Thứ 5, bổ sung cơ chế kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan tố tụng, bảo đảm sự kiểm soát giữa các khâu trong tiến trình tố tụng, khâu sau giám sát kết quả tố tụng của khâu trước, hủy bỏ những chứng cứ do khâu trước thu thập bằng biện pháp trái luật;
Thứ 5, quy định thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra Bộ Công an đối với những vụ án oan, sai đặc biệt nghiêm trọng do cấp dưới tiến hành.