Tuyên Quang: Đưa du lịch thật sự trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh
Trong những năm qua, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Kết quả hoạt động du lịch đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên phát triển du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 xác định khai thác tiềm năng để phát triển du lịch là một trong ba khâu đột phá. Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng và ban hành Kết luận số 28 ngày 18/5/2016 về nhiệm vụ, giải pháp phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020. Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nêu rõ mục tiêu: Năm 2020 đón 1,7 triệu lượt khách; Tạo việc làm cho khoảng 16.000 lao động ngành du lịch; cơ sở hạ tầng kỹ thuật du lịch tương đối đồng bộ tại các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh.
Những di tích chính của Tân Trào gồm: Lán Nà Lừa, cây đa Tân Trào, đình Tân Trào, đình Hồng Thái… |
Cùng với đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, đó là: Thứ nhất, đẩy mạnh triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Hoàn thành quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Thứ hai, tập trung huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng thiết yếu vào các khu du lịch của tỉnh, đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đầu tư, khai thác và phát triển các loại hình du lịch lịch sử văn hóa, nghỉ dưỡng, sinh thái, tâm linh, du lịch cộng đồng. Thứ ba, củng cố, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác du lịch; Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch.
Để thực hiện được các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm nói trên, Kết luận 28 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đề ra 5 giải pháp chủ yếu: Về tuyên truyền, quảng bá du lịch; Về quy hoạch du lịch; Về xây dựng sản phẩm du lịch; Về quản lý nhà nước và phát triển nguồn nhân lực du lịch; Về thu hút đầu tư, liên kết vùng để phát triển du lịch.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội cần nhanh chóng quán triệt, phổ biến Kết luận 28 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân; Khẩn trương cụ thể hóa nội dung kết luận thành chương trình, kế hoạch để thực hiện đảm bảo hiệu quả. Chúng ta tin tưởng sâu sắc rằng trong một tương lai không xa, với sự vào cuộc cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân, đặc biệt là sự đầu tư của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn có uy tín, đủ tiềm lực xây dựng hoàn thành các khách sạn cao cấp, khu nghỉ dưỡng, khu sinh thái, khu vui chơi giải trí, khu thương mại - dịch vụ cao cấp, sân golf, kết nối các tua, tuyến du lịch… chắc chắn du lịch tỉnh Tuyên Quang sẽ có bước phát triển đột phá, thật sự trở thành ngành kinh tế quan trọng, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.