Từ vụ "án oan": Lắp camera trong phòng hỏi cung, ai giám sát vòng ngoài?
Ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội . Ảnh: Nguyễn Dũng |
Để tránh việc cán bộ điều tra bức cung, ép cung bị can, trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cho biết Bộ Công an đã lựa chọn giải pháp lắp camera ở phòng hỏi cung để giám sát việc này. Trao đổi với báo giới chiều 22/11, ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội cho rằng đây là một cách làm tốt, tuy nhiên phải có bộ phận quản lý việc này.
Thưa ông, việc Bộ Công an lắp camera ở phòng hỏi cung để giám sát tránh việc cán bộ điều tra bức cung, ép cung đang được Bộ Công an lựa chọn và từng bước trang bị, ông đánh giá thế nào về chủ trương này?
Việc lắp đặt camera để theo dõi công tác xét hỏi cũng là một cách tốt. Khi đã có sự giám sát người cán bộ điều tra sẽ nghiêm túc chấp hành hơn trong công việc của mình. Ví dụ đang xét hỏi anh mà đánh bị can thì cấp trên nhìn thấy, anh sẽ bị phê bình, kỷ luật…Tuy nhiên theo tôi việc bức cung, ép cung, nhục hình nếu vi phạm nó thuộc về đạo đức công vụ. Người cán bộ điều tra ai cũng biết điều đó bị nghiêm cấm nhưng do anh bất chấp, năng lực hạn chế trong việc điều tra xét hỏi, nôn nóng muốn đạt mục đích dẫn tới vi phạm. Việc vi phạm mà nó đi đến kết quả đúng, tội phạm nhận tội không oan, không sai thì cái vi phạm trên không ai phát hiện ra và người phạm tội cũng không có cơ hội tố cáo. Còn trường hợp để xảy ra oan sai thì người ta sẽ tố cáo anh.
Rõ ràng việc đặt camera cũng là biện pháp để phòng ngừa, răn đe, còn không để cán bộ vi phạm rồi mới kỷ luật, đuổi ra khỏi ngành, truy tố là muộn.
Bộ trưởng Trần Đại Quang có nói đã trang bị lắp camera ở phòng hỏi cung tại một số địa bàn trọng điểm, tuy nhiên việc giám sát này mới chỉ mang tính nội bộ thưa ông?
Đúng vậy đó mới chỉ là việc giám sát ở nội bộ ngành nhưng đây vẫn là điều tốt. Ở trong ngành công an có cơ quan thanh tra để kiểm tra. Thời gian qua tôi thấy có vị cấp hàm cao nhưng vi phạm tố tụng vẫn bị ngành công an đưa ra xử lý. Tôi cho rằng vì danh dự của ngành công an người ta không dại gì che dấu cho cá nhân cụ thể khi họ sai phạm. Tuy nhiên biện pháp đó thì cũng chưa thể thực hiện hết một cách rộng rãi, toàn bộ ngay được. Song song với việc này ta có thể bố trí phòng xét hỏi thay vì tường kín nên cho tường kính để dễ theo dõi.
Bên cạnh đó các cơ quan điều tra cần phải tạo điều kiện cho luật sư tham gia vụ án ngay từ giai đoạn đầu (đối với luật sư mời và luật sư chỉ định ở những vụ án bắt buộc phải có người bào chữa) để đảm bảo tính khách quan cho vụ án.
Nếu như nhà nước đầu tư kinh phí trang bị lắp camera cho cơ quan điều tra, nhưng nếu không có quy định mới, ví dụ phải đưa băng ghi hình vào trong hồ sơ vụ án, thì việc giám sát chưa thực sự mang tính đồng bộ thưa ông?
Đúng vậy, khi đã lắp camera rồi phải có quy định chặt chẽ quản lý hoạt động rồi bộ nhớ của máy. Với vụ án bất thường thì từ luật sư, đại biểu Quốc hội, báo chí hoặc những cơ quan có thẩm quyền đề nghị cơ quan điều tra cung cấp để xem kết quả băng ghi hình đó thì đơn vị quản lý phải thực hiện. Chủ trương trang bị camera thì cũng cần phải ra văn bản quy định để thực hiện việc giám sát mang tính rộng hơn chứ không phải chỉ bó hẹp ở cơ quan điều tra.
Xin cảm ơn ông!