Từ “Con đường năm ấy” đến “Cuộc chia ly trên bến Nhà Rồng”
Ngày 5/6/1911, tại cảng Sài Gòn, trên con tàu Amiral Tatouche Tréville, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã quyết tâm ra đi thực hiện hoài bão giải phóng nước nhà khỏi ách nô lệ của thực dân, đế quốc. (Ảnh tư liệu: TTXVN) |
Nhân dịp kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2015), tác phẩm “Cuộc chia ly trên bến Nhà Rồng” - nhà văn Sơn Tùng (kịch bản văn học của bộ phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn”) chính thức ra mắt độc giả cả nước.
“Cuộc chia ly trên bến Nhà Rồng” có một số phận đặc biệt.
Câu chuyện bắt đầu từ năm 1978, nhà văn Sơn Tùng viết kịch bản về Bác Hồ ở giai đoạn tuổi đôi mươi có tên “Con đường năm ấy.” Tuy nhiên, vì một vài lý do khách quan, vào thời điểm đó, kịch bản này đã không được chuyển thể thành phim.
Tới năm 1981, dựa trên nội dung “Con đường năm ấy,” cùng với những tư liệu mới thu thập được, nhà văn Sơn Tùng quyết định cho ra đời tiểu thuyết “Búp sen xanh.” Tuy nhiên, theo nhà văn, tiểu thuyết ấy chưa thể hiện được sâu sắc câu chuyện tình cảm của chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành với cô gái miền Nam Lê Thị Huệ (Út Huệ).
Sau đó, đến năm 1987, các nhà làm phim lại tìm gặp nhà văn Sơn Tùng, đề nghị hợp tác làm phim truyện về Bác Hồ, chuẩn bị cho dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người (19/5/1890-19/5/1990). Kết quả, nhà văn Sơn Tùng đã chuyển thể tiểu thuyết “Búp sen xanh” thành kịch bản văn học “Cuộc chia ly trên bến Nhà Rồng.”
Ở kịch bản này, tác giả vẫn giữ nguyên những nội dung cơ bản của “Búp sen xanh.” Bên cạnh đó, nhà văn Sơn Tùng tập trung khắc họa tình cảm đẹp đẽ của cô gái Lê Thị Huệ (Út Huệ) với người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành. Tình cảm này được nhen lên từ thời kỳ Nguyễn Tất Thành còn là cậu học sinh trường Quốc học Hế cho tới khi người thanh niên lên tàu, ra đi tìm đường cứu nước.
Trước lúc chia xa, Nguyễn Tất Thành đã trao gửi tình cảm cho cô gái bằng tiếng lòng của chàng trai ra đi vì nghĩa cả: “Chiếc lược này của mẹ anh. Nó là vật kỷ niệm mà cha anh sắm cho mẹ anh lúc vào Kinh đô thi Hội lần thứ nhất. Mẹ anh dã chải tóc bằng cái lược này qua nhiều năm tháng. Ngày mẹ anh qua đời, anh cất giữ cái lược trong người mình cho tới hôm nay. Anh trao em cái lược này thay cho tiếng thiêng liêng mà em hằng chờ đợi.”
Khi được đưa lên màn ảnh (năm 1990), bộ phim đổi tên thành “Hẹn gặp lại Sài Gòn” (đạo diễn Long Vân). Ngay từ khi mới ra đời, bộ phim đã được khán giả yêu mến.
Từ đó đến nay, tác phẩm điện ảnh kể về thời niên thiếu của Bác Hồ cùng gia đình sống ở Huế, sau đó tới Phan Thiết dạy học rồi vào Sài Gòn, rời bến Nhà Rồng, ra đi tìm đường cứu nước vẫn luôn được nhiều người quan tâm. Đây cũng là một trong những tác phẩm mẫu mực của điện ảnh cách mạng Việt Nam.
Bên cạnh tài năng của đạo diễn, biên kịch, diễn viên... vai trò của tác giả kịch bản văn học là một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên thành công của “Hẹn gặp lại Sài Gòn.”
“Tôi mạnh dạn viết truyện phim về một chặng đường đi tìm đường cứu nước của Hồ Chủ tịch không phải do một sự ngẫu nhiên, tình cờ nào. Nó xuất phát từ tình yêu kính Bác. Trải qua quá trình hình thành và tích lũy trong tâm hồn, điều đó đã dẫn tôi đến việc cầm bút viết những trang kể về thuở thiếu thời của Người,” nhà văn Sơn Tùng chia sẻ.
“Cuộc chia ly trên bến Nhà Rồng” do Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành vào tháng 5/2015./.
Theo Vietnam+