Từ 2/1/2013 chính thức lấy ý kiến người dân về sửa đổi Hiến pháp
|
Ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội, Trưởng ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh. Xuân Hải. |
Trong lịch sử lập hiến của nước ta, việc xây dựng, ban hành Hiến pháp năm1959, 1980, 1992 và sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992 (vào năm 2001) đều tiến hành tổ chức lấy ý kiến nhân dân.
Ngày 23/11/2012, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết số 38/2012/QH13 về tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Theo Nghị quyết của Quốc hội, sẽ tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII do Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 công bố.
Đối tượng lấy ý kiến bao gồm tất cả các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài, các cơ quan, tổ chức ở trung ương và ở địa phương
Tại buổi họp báo, ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Quốc hội, Trưởng ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, cho biết, thời gian lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 bắt đầu từ ngày 2/1/2013 và kết thúc vào ngày 31/3/2013.
Cũng theo ông Lý, nội dung lấy ý kiến nhân dân là toàn bộ Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, bao gồm: lời nói đầu; chế độ chính trị; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; bảo vệ Tổ quốc; bộ máy nhà nước; hiệu lực của Hiến pháp và quy trình sửa đổi Hiếp pháp; kỹ thuật trình bày các quy định của Hiến pháp.
Hình thức lấy ý kiến nhân dân bao gồm, góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản gửi đến các cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 6 của Nghị quyết số 38/2012/QH13; Thảo luận tại các hội nghị, hội thảo, tọa đàm; Thông qua trang thông tin điện tử của Quốc hội http://duthaoonline.quochoi.vn và các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức phù hợp khác.
Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và người đứng đầu trong việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân và tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, thành viên tổ chức mình và các tầng lớp nhân dân tham gia ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Để việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đạt chất lượng, hiệu quả, Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ “Quốc hộ kêu gọi đồng bào, chiến sỹ cả nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài hưởng ứng và tích cực tham gia đóng góp ý kiến để Hiến pháp thể hiện đầy đủ ý chí, nguyện vọng của nhân dân, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới”.
Trả lời PV báo điện tử Infonet tại buổi họp báo về việc tiếp cận Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của người dân ở vùng nông thôn miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo. Ông Phan Trung Lý cho biết, đến ngày 2/1/2013 tất cả người dân cả nước sẽ nhận được bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 qua nhiều hình thức như thông qua trang thông tin của Quốc hội. Đối với những địa phương chưa có internet sẽ nhận được bản dự thảo qua hệ thống chính quyền địa phương gửi đến hoặc qua đường bưu điện.