TS Võ Trí Thành: 'Chủ ngân hàng phải trả giá cho nợ xấu'
TS Võ Trí Thành: 'Chủ ngân hàng phải trả giá cho nợ xấu'
- Vừa rồi Ngân hàng Nhà nước lại tiếp tục công bố một con số nợ xấu tạm tính đến hết quý I/2012 là 8,6% (khoảng 202.000 tỷ đồng), cao gần gấp đôi so với những gì các ngân hàng báo cáo trước đó. Ông đánh giá như thế nào về con số này?
- Nợ xấu tại Việt Nam hiện nay là nghiêm trọng vì chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ, và đặc biệt so với tỷ lệ vốn sở hữu của ngân hàng. Hơn nữa, trong thời gian những tháng qua, tốc độ tăng nợ xấu khá nhanh.
Do đó mà vấn đề xử lý là cực cần thiết, không nhất thiết phải vội vã, nhưng cần kịp thời và tính kiên quyết phải cao, nếu không sẽ ảnh hưởng đến chu chuyển luồng tín dụng. Nếu tín dụng ách tắc, không chạy được thì quá trình sản xuất kinh doanh càng khó khăn, hệ thống ngân hàng càng thiếu lành mạnh. Mà đây lại là chu chuyển máu cho nền kinh tế, nếu ách lại, thêm nguy hiểm.
- Một số ý kiến cho rằng, đã có 84% nợ xấu có tài sản đảm bảo và số trích lập dự phòng rủi ro là 67.000 tỷ đồng thì không cần đến công ty mua bán nợ 100.000 tỷ nữa, quan điểm của ông như thế nào?
- Nhiều người lập luận, tài sản đảm bảo có thể xử lý một phần đáng kể nợ xấu. Nhưng giá trị các tài sản đảm bảo này (phần lớn là bất động sản) hiện thấp hơn rất nhiều thời điểm hợp đồng vay nợ. Đó là chưa nói đến việc giao dịch cũng không phải dễ dàng. Ngoài ra, cần thấy rằng con số trích lập dự phòng rủi ro so với tổng nợ xấu không đủ lớn.
Tôi nghĩ, để xử lý, cần phải thấy: Thứ nhất là bản thân phần dự phòng ấy không thể đủ xử lý tất cả vấn đề liên quan nợ xấu hiện nay, và vì vậy cần cả các nguồn lực khác, kể cả việc gánh chịu của các chủ đầu tư. Thứ hai, hình thành một thị trường mua bán nợ trong bất kỳ trường hợp nào đều là cần thiết.
Theo chuyên gia Võ Trí Thành, nợ xấu ngân hàng 3 tháng đầu năm đã lên tới 202.000 tỷ đồng (gần 10 tỷ USD) là nghiêm trọng và cần được xử lý một cách quyết liệt. Ảnh: Lan Anh. |
- Hiện các ngân hàng cũng có công ty mua bán nợ (AMC) cho riêng mình. Vậy ông nghĩ sao về việc để các AMC này tự giải quyết nợ xấu của mình?
- Nếu chỉ để các AMC của bản thân ngân hàng tự xử lý nợ, thì bảng hạch toán tổng thể sẽ vẫn như vậy. AMC mua bán cái thuộc chính ngân hàng mình, nên nợ xấu vẫn nằm đấy thôi. Ngân hàng có thể phải chịu đau giảm vốn sở hữu để xử lý nợ xấu, song cách “ăn vào vốn” đó cũng chỉ giải quyết được phần nào. Cho nên, cần thiết phải có thị trường mua bán nợ xấu thì mới có thể căn bản giải quyết được vấn đề; ngân hàng cùng với cải cách khác mới thực sự sạch sẽ, lành mạnh hơn.
Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy chi phí xử lý nợ xấu, vốn hóa lại hệ thống ngân hàng thường rất lớn. Sau khủng hoảng châu Á, phí tổn xử lý của Thái Lan lên tới trên 30% GDP. Việt Nam mình, cuối những năm 1990 cũng đã từng xử lý nợ xấu hệ thống ngân hàng, phí tổn khoảng 5% GDP. Tất nhiên, phí tổn này không phải là tất cả do Nhà nước gánh chịu; song để quá chậm hoặc không xử lý, thì phí tổn đối với cả nền kinh tế còn lớn hơn nhiều.
Vì thế mà người ta nói cần “phòng bệnh hơn chữa bênh”. Việc lành mạnh hóa, nâng cao khả năng giám sát để tránh khủng hoảng và đổ vỡ vĩ mô là cực kỳ quan trọng, nhưng quả thật không dễ. Có những nhà kinh tế đã nói rằng, chúng ta đã mổ xẻ tất cả nguyên nhân khủng hoảng tài chính, nhưng rổi chính chúng ta lại sẽ gặp một cuộc khủng hoảng khác.
- Vậy theo ông, cần làm như thế nào trong khi Ngân hàng Nhà nước cho biết công ty mua bán nợ 100.000 tỷ đồng vẫn chỉ là ý tưởng, và chưa thống nhất thời điểm thực hiện?
- Tôi cho rằng, thành lập một định chế xử lý nợ, cần đảm bảo ba nguyên tắc: Một là định chế đó có đủ quyền hành; hai là có cơ chế giám sát đặc biệt; và ba là tạo được thị trường mua bán nợ có tinh thanh khoản cao.
Khi có ý tưởng thành lập, có người bảo nên là công ty mua bán nợ, người lại đề nghị là ủy ban đặc biệt. Vấn đề quan trọng nhất là định chế đó có chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn đến đâu. Kinh nghiệm cho thấy, khi khủng hoảng hoặc ván đề trở nên nghiêm trọng, định chế đó cần có quyền hành nhất định, đủ mạnh. Phải rà soát lại rất nhiều văn bản pháp lý liên quan đến mua bán tài sản, sở hữu... để có khung pháp lý thích hợp cho họat động của định chế đó.
Cũng do vậy, và vì vấn đề xử lý nợ xấu rất đặc biệt và gắn với món tiền lớn, nên cơ chế giám sát đối với định chế đó cũng phải thật đặc biệt.
Cuối cùng là định giá, chiết khấu. Tùy thuộc vào mức độ rủi ro của nợ xấu cũng như khả năng thanh khoản mà định giá khác nhau, với mức chiết khấu khác nhau. Tại Việt Nam, chưa có thị trường mua bán nợ xấu đúng nghĩa của nó, thế nên rất cần sự hỗ trợ, có thể là nhóm các chuyên gia có năng lực, độc lập, không chịu áp lực “lợi ích nhóm”. Qua đó, tránh thiệt hại không đáng có và góp phần tạo thanh khoản cho giao dịch thị trường.
Hiện nay, ta biết đó vẫn chỉ là một kiến nghị được xem xét. Tôi thì hi vọng, như đã nói, việc xử lý không phải là vội vã nhưng cần quyết liệt vì vấn đề đã rất nghiêm trọng rồi!
- Một thống kê chỉ ra 62% nợ xấu nằm tại nhóm G14 ngân hàng lớn, phần nằm ở các nhà băng “có vấn đề” chỉ 10%. Vậy theo ông, việc tập trung vào xử lý các ngân hàng yếu kém liệu có đang đi chệch hướng?
- Chúng ta cần nhìn nhận nợ xấu một cách tổng thể. Rõ ràng là thời gian vừa qua, có nhiều con số khác nhau đã gây tranh cãi. Nhiều người nói, nếu nợ xấu gắn ở các tập đoàn, tổng công ty đang khó khăn, có nguy cơ đổ vỡ thì con số rất to. Điển hình như trường hợp Vinashin, về bản chất, nợ của tập đoàn này đã có thể coi là nợ xấu rồi. Rõ ràng, mối quan hệ giữa một số ngân hàng thương mại nhà nước với các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước là lớn.
Còn ở các ngân hàng yếu kém, tỷ lệ nợ xấu chỉ 10% nhưng do quy mô ngân hàng và vốn sở hữu nhỏ, nên rủi ro là rất lớn. Vì vậy khi nhìn hai con số nói trên, cần đúc rút được một điều là để xử lý nợ xấu, bên cạnh việc thiết lập một định chế mua bán nợ, còn cần tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng yếu kém, nâng cao chất lượng công bố thông tin, hệ thống giám sát, cách thức quản trị của ngân hàng thương mại theo thông lệ, chuẩn quốc tế.
Mặt khác, số ngân hàng chiếm 10% nợ xấu này thời gian vừa qua thực sự bộc lộ một số vấn đề, gây hỗn loạn trên thị trường tiền tệ. Về lý thuyết, trong thị trường tài chính, rủi ro bao giờ cũng mang tính hệ thống. Tức là một số anh có thể không lớn, nhưng yếu và nếu không xử lý thì sẽ gây rủi ro toàn hệ thống, và sau đó lan ra “cái xấu” ra cả nền kinh tế.
- Ông nghĩ sao khi nhiều người vẫn hồ nghi về khả năng thành công trong giải quyết nợ xấu nếu giao cho Ngân hàng Nhà nước?
- Chúng ta phải hiểu, bản thân việc tạm gọi là “cứu” và những gì trao đổi đã xảy ra rồi. Cái nợ xấu có, là do sai lầm của nhiều khía cạnh, nào chính sách vĩ mô, sự giám sát, bản thân ngân hàng hay mối quan hệ ngân hàng và doanh nghiệp. Tình trạng này cũng diễn ra phổ biến ở nhiều quốc gia. Việc xử lý lần này chắc chắn sẽ chịu phí tổn lớn cho xã hội, nhưng đặt lên bàn cân, nếu không xử lý thì tổn phí đối với nền kinh tế còn lớn hơn.
Phải hiểu, không có gì hoàn hảo và cũng không có ai bảo tôi có thể làm tốt 100% khi đi xử lý số nợ này. Nền tảng ở đây là bảo vệ người gửi tiền, chủ sở hữu ngân hàng cũng phải trả giá cho kết cục yếu kém của ngân hàng. Và can thiệp nhà nước có thể là cần thiết, song phải nỗ lực để tối thiểu hóa chi phí can thiệp đó.
LAN ANH