TS Trần Công Trục phản bác luận điệu “đường lưỡi bò” mới

Tại hội nghị “Biển Đông: Hợp tác vì  an ninh và phát triển trong khu vực”, cộng đồng quốc tế lại nghe được một kiểu lý giải của học giả Trung Quốc về yêu sách đường lưỡi bò. Nhằm chỉ ra những mâu thuẫn, vô lý trong lập luận mới này, PV Infonet đã có cuộc phỏng vấn TS Trần Công Trục, Nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ  về vấn đề này.

Trung Quốc vẫn cố chấp với yêu sách “đường lưỡi bò”

Thưa tiến sĩ, vừa qua Hội thảo “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực”, do Học viện Ngoại giao phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam tổ chức, đã thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận. Ông có đánh giá, nhìn nhận gì từ hội thảo này?

TS Trần Công Trục phản bác luận điệu “đường lưỡi bò” mới - ảnh 1
TS Trần Công Trục: "Khi đàm phán hoạch định ranh giới biển, thềm lục địa, yêu sách do các bên đưa ra  phải dựa vào các tiêu chuẩn nhất định đã được quy định trong Công ước luật biển 82 chứ không thể đưa ra con đường hư ảo, theo cách vẽ phóng tay của một “họa sỹ hoang tưởng” cách đây hơn nửa thế  kỷ"

TS Trần Công Trục: Kết quả, thành công của Hội thảo lần thứ 4 về “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực” đã được nhắc tới trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tôi nghĩ rằng đây là kết quả hết sức đáng khích lệ với sự tập hợp lực lượng nghiên cứu quốc tế và Việt Nam khá đông đảo. Trong Hội thảo có một số điều rất đáng quan tâm lưu ý. Mặc dù không có điều kiện để tham dự Hội thảo này, chỉ nghiên cứu qua các phương tiện thông tin đại chúng và bạn bè, tôi thấy có một vấn đề đặc biệt của hội thảo, một nhân tố cực kỳ quan trọng thu hút sự quan tâm của quốc tế, đó là cơ sở pháp lý của đường lưỡi bò 9 đoạn của Trung Quốc trên khu vực Biển Đông. Các đại biểu tập trung chất vấn, trao đổi, thảo luận, một lần nữa các nhà nghiên cứu đã xoáy sâu vào cơ sở pháp lý của đường biên giới trên biển này, tính chất nguy hiểm của nó trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông. Điều này cũng liên quan đến Hội nghị Thượng đỉnh 21 tại Phnom Pênh với kết quả, Trung Quốc tìm cách lảng tránh, và tìm cách không đưa vấn đề Biển Đông ra bàn với chủ trương chỉ đàm phán song phương, không đa phương, không quốc tế hóa. Trung Quốc còn đổ lỗi cho các nước không chấp hành DOC (Tuyên bố ứng xử trên Biển Đông) nên chưa thích hợp để đưa ra bàn thảo lần này.

Tại hội thảo này, nhiều học giả  đã lên tiếng phản bác đường lưỡi bò của Trung Quốc, tuy nhiên phía Trung Quốc, cụ thể là  học giả Tô Hạo lại nói đây là di sản lịch sử của Trung Quốc. Xin ông cho biết quan điểm của mình về vấn đề này?

TS Trần Công Trục: Trong những quan điểm của các học giả, tôi nghiên cứu rất kỹ, rất nghiêm túc phát biểu của ông Tô  Hạo đến từ Đại học Ngoại giao Trung Quốc. Ông phát biểu:  "Tôi đồng cảm với việc cộng đồng quốc tế quan ngại về tuyên bố đường 9 đoạn của Trung Quốc sẽ làm căng thẳng thêm tranh chấp Biển Đông". Thoạt đầu, cũng giống như một số người , tôi cứ nghĩ rằng Trung Quốc đang mềm mỏng hơn, thiện chí hơn. Trung Quốc cũng chia sẻ những lo ngại của các nước và quốc tế. Ông Hạo cũng nói: “Vùng nước nằm phía trong đường chín đoạn không phải là khu vực Trung Quốc có chủ quyền mà chỉ là cơ sở để Trung Quốc bàn thảo với các quốc gia khác”... nghe như vậy, nhiều người nhầm tưởng Trung Quốc có những thay đổi, nhưng đọc kỹ phía sau, tôi thấy đó là câu nói mang tính chất “ngoại giao” còn bản chất không hề thay đổi. Đáng chú ý, ông Hạo lại cho rằng: “Con đường này là di sản lịch sử để lại” sau đó ông Hạo lại nói: “Con đường đưa ra làm cơ sở để các bên đàm phán, trong quá trình đàm phán các bên chưa đi đến thống nhất thì hợp tác khai thác chung trong phạm vi này”. Trước đó, Trung Quốc vẫn khẳng định: Trung Quốc có danh nghĩa lịch sử, chủ quyền lịch sử trong khu vực này.

Di sản lịch sử là gì? Đường lưỡi bò  này là do một cá nhân người Trung Quốc năm 1946 đi theo hạm đội của Trung Hoa Dân quốc ra  giải giáp vũ khí quân Nhật ở quần đảo Trường Sa và  đã tự ý vẽ ra con đường đó. Mà con đường này, đã được học giả quốc tế, thậm chí học giả Trung Quốc, đã chỉ ra sự “hoang tưởng” của nó. Một con đường mà không có tọa độ, không có  cơ sở gì, không xuất phát từ nguyên tắc quốc tế nào. Thế nhưng Trung Quốc lại luôn khẳng định rằng nó có ý nghĩa lịch sử, có giá trị lịch sử, thuộc chủ quyền lịch sử, Trung Quốc có danh nghĩa lịch sử vì người Trung Quốc đã làm ăn và đã hoạt động truyền thống ở đây. Họ vẫn nhắc lại ý  đó, đó là điều không có gì thay đổi. Mặc dù câu từ có khác đi một chút nhưng yếu tố lịch sử vẫn là cơ sở căn cứ  để họ bảo vệ cho con đường hoang tưởng này. Mà vấn đề lịch sử thì chúng ta đã biết, nếu căn cứ  hoàn toàn vào lịch sử thì có nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh trên thế  giới. Thực tế, vùng này không chỉ có mỗi người Trung Quốc đi lại giao thương, mà người Việt Nam, kể cả người phương Tây như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Anh, Pháp... đi qua đây rất nhiều. Mỗi nước đi qua lại vẽ một con đường như kiểu của Trung Quốc thì vấn đề giải quyết chủ  quyền quá phức tạp. Tôi cho rằng, chẳng ai giải quyết tranh chấp  chủ quyền lãnh thổ dựa  vào cái gọi là “chủ quyền lịch sử”,  “danh nghĩa lịch sử” như vậy. Để chứng minh quyền thụ đắc lãnh thổ người ta phải căn cứ  vào các nguyên tắc pháp lý  đã được Luật pháp và Thực tiễn quốc tế thừa nhận và  áp dụng rộng rãi, như khi hoạch định ranh giới các vùng biển và thềm lục địa chồng lấn giữa các quốc gia ven biển liền kề hoặc đối diện thì người ta phải dựa vào  Công ước luật Biển 1982 , khi giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ  đối với các đảo, quần đảo dựa vào  nguyên tắc chiếm hữu thật sự. Thế mà ông Tô Hạo lại khẳng định rằng đường biên giới 9 đoạn do Trung Quốc vẽ ra, không dựa vào bất kỳ một tiêu chuẩn pháp lý, khoa học  nào theo quy định của Công ước Luật biển năm 1982,  là cơ sở để Trung Quốc đàm phán với nước khác. Đây là một câu nói khó hiểu, hết sức mơ hồ về mặt luật pháp. Phải chăng phía Trung Quốc coi đây yêu sách về ranh giới biển của mình trong Biển Đông để buộc các quốc gia có liên quan phải thừa nhận  để tiến hành đàm phán? Nếu như vậy thì quả  là một điều hết sức nhầm lẫn, thiếu khách quan và có tính áp đặt. Bởi vì khi đàm phán hoạch định ranh giới biển, thềm lục địa, yêu sách do các bên đưa ra  phải dựa vào các tiêu chuẩn nhất định đã được quy định trong Công ước luật biển 82 chứ không thể đưa ra con đường hư ảo, theo cách vẽ phóng tay của một “họa sỹ hoang tưởng” cách đây hơn nửa thế  kỷ! Con đường này đã bị phê phán và phản bác bởi dư luận quốc tế và bị các quốc gia có liên quan cực lực phản đối. Bởi vì nó vi phạm trắng trợn chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán hợp pháp, chính đáng của các quốc gia ven biển trong khu vực. Vì vậy, không thể chấp nhận con đường này, dù chỉ với tư cách là một yêu sách đươc đưa ra để mặc cả, trong  bất kỳ một diễn đàn đàm phán nghiêm túc và thiện chí nào. Trung Quốc đã và đang tìm cách hợp thức hóa yêu sách vô lý này với rất nhiều thủ đoạn hết sức tinh vi và thâm hiểm. Vì vậy, có thể thấy rằng có không ít  người đã  nhầm tưởng về xuất xứ và bản chất của con đường phi lý này, thậm chí còn cho rằng trong khi đàm phán chưa đi đến kết quả cuối cùng  thì nên “gác tranh chấp, cùng khai thác” trong phạm vi biển được hình thành bởi con đường này theo đề xuất của Trung Quốc là hợp lý.  Chính đấy là mục tiêu trước mắt của  Trung Quốc  nhằm biến không thành có, biến khu vực không có tranh chấp thành khu vực có tranh chấp, từng bước độc chiếm Biển Đông. Rõ ràng là Trung Quốc vẫn chưa có gì thay đổi về chiến lược độc chiếm Biển Đông vì đó là “lợi ích cốt lõi của Trung Quốc” . Vì vậy, chúng ta cũng không ngạc nhiên về việc Trung Quốc đã in  bản đồ có đường biên giới lưỡi bò lên hộ chiếu để cấp cho công dân của họ…

In bản đồ có hình “lưỡi bò” lên hộ chiếu và dụng ý của Trung Quốc

Ông vừa nhắc đến sự kiện Trung Quốc in hộ chiếu có bản đồ hình lưỡi bò nằm trong chuỗi những bước đi hiện thực hóa đường lưỡi bò vô lý này. Xin ông lý giải rõ hơn về động thái này của Trung Quốc?

TS Trần Công Trục: Thông tin về việc in bản đồ hình lưỡi bò  lên hộ chiếu có từ tháng 5. Hộ chiếu công dân Trung Quốc là văn kiện pháp lý rất quan trọng, rất có giá trị của Nhà nước Trung Quốc cung cấp cho người dân Trung Quốc khi giao dịch với các quốc gia khác. Điều này cho thấy họ muốn giành lấy sự công nhận trên thực tế của các nước có liên quan, trong khu vực cũng như quốc tế, về con đường vô lý này. Tại sao tôi lại nói như vậy? Khi công dân Trung Quốc, cán bộ  Trung Quốc cầm hộ chiếu này làm thủ tục nhập cảnh vào các quốc gia, thì các quốc gia đó phải  đóng dấu xác nhận thị thực cho công dân  cầm hộ chiếu đó. Mà việc đóng dấu này  được coi như là  sự mặc nhiên thừa nhận con đường yêu sách của Trung Quốc. Tôi nghĩ đây là  một trong rất rất nhiều thủ đoạn của Trung Quốc  đã áp dụng để giành lấy sự công nhận  của các nước có lợi ích trong Biển Đông và các nước khác trong khu vực và thế giới  đối với những yêu sách phi lý mà Trung Quốc  đã công bố. 

Chúng ta đã chính thức lên tiếng phản đối hành động sai trái này của Trung Quốc, các nước khác có  liên quan trong khu vực cũng đã kịp thời lên tiếng phản  đối. Đó là điều hoàn toàn cần thiết và đúng đắn. Tuy nhiên, chúng ta không thể chỉ dừng lại ở việc đó mà phải biến những phản đối đó thành hiện thực. Tôi được thông tin là Philippinnes  đã tuyên bố không cấp visa hoặc không chứng nhận vào hộ chiếu có đường biên giới lưỡi bò cho công dân Trung Quốc có nhu cầu vào nước họ. Tại các cửa khẩu biên giới , các  đồn biên phòng của ta cũng đã có hành động này.  Đấy có thể là một cách, ngoài ra có  cách nào khác không để làm vô hiệu hóa âm mưu này? Điều này các  cơ quan nhà nước có  thẩm quyền  chắc chắn sẽ phải có phương án xử lý có hiệu quả nhất.

TS Trần Công Trục phản bác luận điệu “đường lưỡi bò” mới - ảnh 2
Hộ chiếu của Trung Quốc. Nguồn internet

Qua sự kiện này, chúng tôi cho rằng  đây cũng là câu trả lời cho  ai đó vẫn còn mơ hồ  cho rằng  Trung Quốc  đã “xuống thang” trong vấn đề Biển  Đông nói chung và yêu sách đường lưỡi bò nói riêng. Thực tế, cho đến nay Trung Quốc vẫn tiến hành mọi hoạt động mạnh mẽ hơn, với nhiều thủ  thuật hơn, nhằm áp đặt đường lưỡi bò  này. Tôi đồng tình với ý kiến cho rằng nếu Trung Quốc vẫn cố tình bám giữ lấy yêu sách đường lưỡi bò thì, cho dù có nỗ lực  thỏa thuận tiến hành đàm phán song phương hay đa phương đi chăng nữa,  các bên sẽ “không còn biển  để  đàm phán, hợp tác …” 

Trước tình hình này, ngoài những động thái mà chúng ta đã làm, chúng tôi thấy  phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ  biến thường xuyên và rộng rãi hơn nữa, sao  cho dư luận hiểu rõ bản chất của con đường lưỡi bò, cùng với những thủ thuật lắt léo của Trung Quốc  trong quá trình họ triển khai chiến lược độc chiếm Biển Đông của họ. Chúng ta đang cần có  sự hợp tác, ủng hộ, giúp sức của cộng đồng khu vực và quốc tế trong cuộc đấu tranh phức tạp và lâu dài này.

Xin cảm ơn ông!

Hồng Chuyên (thực hiện)

Xây dựng con người và công nghệ hướng tới một Việt Nam bao trùm số

Nhằm tạo cầu nối giữa những người sáng tạo công nghệ và các nhóm yếu thế, “Sáng kiến công nghệ bao trùm” giúp họ hòa nhập và phát triển, từ đó thúc đẩy xã hội công bằng và bền vững.

Đề xuất miễn visa cho khách thị trường trọng điểm

Bà Rịa - Vũng Tàu đề xuất miễn thị thực nhập cảnh đối với khách ở các thị trường trọng điểm như châu Âu, Bắc Mỹ, Australia.

Khách nhiễm Covid-19 cố tình giấu bệnh lên máy bay có thể bị cấm bay vĩnh viễn

Trước khi lên máy bay khách có xét nghiệm xác nhận bị nhiễm Covid-19 nhưng không khai báo trung thực có thể bị Vietnam Airlines cấm bay vĩnh viễn trên các chuyến bay của hãng.

VOV bổ nhiệm Phó giám đốc đài truyền hình kỹ thuật số VTC

Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam đã quyết định bổ nhiệm ông Lương Minh Đức giữ chức Phó GĐ Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC, đồng thời tái bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Bình tiếp tục giữ chức Phó GĐ Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ làm trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội

Sáng 18/ 2, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội tổ chức họp đoàn kiện toàn chức danh Trưởng đoàn.

Bộ TT&TT điều động và bổ nhiệm 13 cán bộ lãnh đạo chủ chốt

Nhận định lần trao các quyết định giao nhiệm vụ quy mô lớn này là một sự kiện lịch sử của Bộ TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, với vị trí, nhiệm vụ mới, 13 cán bộ lãnh đạo các đơn vị sẽ có năng lượng mới để đóng góp tốt hơn cho Bộ, đất nước.

Tọa đàm Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và Đảng CSVN với sự nghiệp văn hóa-VHNT VN

Buổi tọa đàm với diễn giả là GS. Phong Lê - Nguyên Viện trưởng Viện Văn học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, diễn ra lúc 9h00 ngày 03/02/2020 tại Tầng 1 Tòa nhà chính Thư viện Quốc gia Việt Nam, 31 Tràng Thi, Hà Nội.

Đắk Lắk: Bệnh nhân bị đồn nhiễm virus corona là một tiếp viên hàng không

Liên quan đến thông tin trên mạng xã hội cho là "có người nhiễm corona tại Đắk Lắk", sáng 28/1, lãnh đạo BVĐK vùng Tây Nguyên cho biết, có một bệnh nhân bị sốt đang được điều trị tuy nhiên chưa thể kết luận có nhiễm virus corona hay không.

Đà Nẵng: Xuân 2020 hướng tới 22 dự án với tổng vốn đầu tư 1,7 tỉ USD

Các cơ quan hữu quan của Đà Nẵng đẩy nhanh việc giải quyết thủ tục đầu tư đối với các dự án đang xúc tiến để tại “Tọa đàm Mùa xuân 2020” có thể hướng tới 22 dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn khoảng 1,715 tỉ USD

Tân Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn

Sáng nay 20/1, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý trao quyết định của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung bổ nhiệm Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ Hà Nội cho ông Nguyễn Hồng Sơn.

Đang cập nhật dữ liệu !