Truyền thanh cấp cơ sở “kêu cứu”
Hầu hết đài truyền thanh xã chưa được đầu tư trang thiết bị máy móc, nơi làm việc - Ảnh IT |
Lương cán bộ đài cơ sở 1,2 triệu đồng/tháng
Đài PTTH tỉnh Bình Phước đang thực hiện đề án “Tăng cường vai trò quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động truyền thanh cơ sở ở tỉnh Bình Phước giai đoạn 2012 - 2015”. Trong quá trình lập dự án, đài đã khảo sát thực trạng hoạt động của các đài truyền thanh cấp huyện, xã trên địa bàn và một số tỉnh thành lân cận. Kết quả khảo sát cho thấy, thực trạng chung của các đài huyện và đài xã hiện nay là thiếu cán bộ làm công tác đài.
Tỉnh Bình Phước có 10 đài truyền thanh – truyền hình huyện, thị xã và 111 trạm truyền thanh xã, phường, thị trấn. Tổng số cán bộ, viên chức của mỗi đài huyện bình quân có 7 người. Nhiều nhất như đài huyện Bù Đăng có 10 người và ít nhất là đài huyện Hớn Quản có 5 người. Trong khi đó, theo quy định, đài huyện chỉ có từ 4 - 7 biên chế. Do vậy, để đáp ứng nhu cầu công tác, hầu hết các đài huyện thị đều phải hợp đồng thêm người.
Điều đáng nói là rất khó giữ chân được cán bộ đài làm việc lâu dài. Bởi theo biên chế, tiền lương chi trả hàng tháng cho cán bộ đài cơ sở là khoảng 1,2 triệu đồng. Bà Vũ Thị Mai, Trưởng đài huyện Lộc Ninh ngán ngẫm: “Mỗi tháng mà trả 1,2 triệu đồng tiền lương thì thật không đủ tiền xăng cho các cán bộ ở xa đài. Cán bộ truyền thanh cũng không có các chế độ như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội”.
Mặc khác, với mức thu nhập này, một cán bộ đài cơ sở phải làm rất nhiều việc. Cán bộ đài huyện bên cạnh chức năng làm phát thanh còn phải thực hiện các chương trình truyền hình cho đài tỉnh phát sóng. Còn cán bộ đài xã thì hầu như phải kiêm nhiệm tất cả các công việc tại trạm phát thanh xã.
Chị Vũ Thị Quyên, cán bộ truyền thanh xã Long Tân, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước cho biết: “Công việc hằng ngày của tôi là tiếp sóng chương trình của đài tỉnh và trung ương, viết tin, bài liên quan đến những sự kiện xảy ra ở xã Long Tân, phát thanh trên hệ thống loa. Ngoài ra, còn phải quản lý và kiểm tra loa, nếu có hư hỏng thì phải bỏ tiền mình ra trước để tu sửa cho kịp phát thanh. Tôi còn tham gia phát băng chào cờ, chỉnh âm thanh vào kỳ đại hội hay tiếp xúc cử tri, tuyên truyền và giải thích những nội dung chỉ đạo quan trọng để người dân hiểu. Ngoài ra, cán bộ truyền thanh còn phải kiêm nhiệm vụ quản lý nhà văn hóa cộng đồng”.
Ông Bùi Minh Hồng, Phó trưởng đài truyền thanh – truyền hình huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước ngậm ngùi chia sẻ: “Cán bộ truyền thanh có chức danh là người hoạt động không chuyên trách cấp xã, mức phụ cấp chỉ 1,2 triệu đồng thì làm sao mà họ gắn bó với công việc lâu dài được. Chỉ trong 2 năm 2011 – 2012, đài huyện Đồng Phú đã có 5 cán bộ nghỉ việc do mức thu nhập không đủ sống”.
Trang thiết bị thiếu và yếu
Hệ thống trang thiết bị, trụ sở làm việc của đa số các đài huyện, đài xã hiện nay đều thiếu thốn và yếu kém. Tại tỉnh Bình Phước, chỉ có đài huyện Bù Đăng là được quan tâm đầu tư khá tốt về cơ sở vật chất và phương tiện, thiết bị hoạt động.
Hai huyện mới chia tách là huyện Hớn Quản và huyện Bù Gia Mập, chưa xây dựng trụ sở làm việc. Hiện đang phải đặt thiết bị kỹ thuật tạm trong các phòng tạm do địa phương bố trí để duy trì hoạt động.
Nghiêm trọng hơn là chưa được đầu tư hệ thống chống sét - Ảnh Lê Mỹ |
Các đài huyện Chơn Thành, Bù Đốp, Đồng Phú, thị xã Đồng Xoài đã và đang được xây dựng mới. Các đài huyện Bù Đăng, Phước Long, Bình Long, Lộc Ninh những năm qua cũng được tu sửa, cơi nới thêm để đáp ứng yêu cầu hoạt động. Tuy nhiên, quá trình đầu tư xây dựng của đài huyện phần lớn thiếu sự định hướng của đài tỉnh, đặc biệt là yêu cầu kỹ thuật của việc xây dựng phòng thu, dựng chương trình chưa đảm bảo nên một số phòng thu vẫn bị lọt âm, vang tiếng…không sử dụng được.
Ngoài ra, ông Phan Minh Hoàng, Giám đốc Đài PTTH Bình Phước cho biết thêm, hiện nhiều đài huyện vẫn còn thiếu camera, máy ghi âm, vi tính, trang thiết bị văn phòng… “Về cơ sở vật chất trang thiết bị kỹ thuật, đa phần các huyện đã có máy phát sóng FM công suất từ 300W – 500W. Nhưng phần lớn đều đã được sử dụng trong thời gian dài, sụt giảm công suất, độ cao ăng ten phát chưa đạt yêu cầu. Do đó, không thể phủ sóng được toàn bộ địa bàn huyện, nhất là ở một số huyện miền núi như: Bù Đăng, Bù Đốp, Bù Gia Mập, Lộc Ninh…”.
Đại diện đài truyền thanh – truyền hình huyện Hớn Quản cho biết: “Từ khi thành lập đến nay, đài chưa đầu tư mua sắm trang thiết bị. Hiện đài có 2 máy camera, trong đó, 1 là của đài truyền thanh – truyền hình huyện Bình Long tặng đã cũ, chất lượng hình ảnh xuống cấp. Còn một máy là do đài PTTH tỉnh cấp từ năm 2009, đã thường xuyên gặp sự cố như dơ đầu từ, hỏng hộp băng, làm ảnh hưởng đến chất lượng hình ảnh”.
Nguy hiểm nhất là, phần lớn các đài truyền thanh cơ sở hiện nay đều chưa được quan tâm đầu tư hệ thống chống sét hoặc chỉ thực hiện chống sét giản đơn, không đảm bảo tính hệ thống, chuyên ngành và an toàn cho người, thiết bị. “Hệ thống chống sét hầu như đã bị bỏ quên mặc dù những sự cố do tia sét gây ra làm thiệt hại về người, hư hỏng máy móc thiết bị… thì năm nào cũng có”, ông Phan Văn Thảo, Phó Giám đốc đài PTTH Bình Phước bức xúc.
Còn về các trạm truyền thanh xã, đa phần các xã hiện nay đều chưa bố trí được cho trạm truyền thanh nơi làm việc riêng, mà phải sử dụng nơi làm việc chung với văn hóa thông tin, phòng công an bảo vệ…
Anh Trần Tất Thành, cán bộ truyền thanh đài xã Thanh Lương, thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước cho hay: “Bàn làm việc tại trạm truyền thanh thì được đặt nơi tối tăm, ẩm thấp. Còn khi thiết bị phát thanh tại trạm bị hư hỏng mà xin cấp kinh phí để sửa chữa thì rất khó khăn, phải chờ rất lâu. Nên phần lớn là phải tự sửa. Chưa kể, leo lên cột điện để sửa dây, loa thì rất nguy hiểm, bởi tôi không phải kỹ thuật viên hay thợ sửa chữa nên dễ liên quan đến tính mạng”.
Thực trạng trên khiến hoạt động của đơn vị truyền thanh cấp cơ sở tại tỉnh Bình Phước nói riêng và nhiều tỉnh thành trong cả nước nói chung chưa mang lại hiệu quả cao. Ông Hoàng nhận định: “Cũng không chắc rằng 100% các đài truyền thanh cấp cơ sở hiện nay hoạt động có hiệu quả. Chưa thể thống kê được con số các đài hoạt động kém hiệu quả nhưng con số này chắc chắn là rất lớn, nhất là các trạm truyền thanh cấp xã”.
Đại diện cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động PTTH, ông Đặng Hữu Vinh, Phó trưởng đại diện Cục Quản lý PTTH và TTĐT khu vực phía Nam nhận xét, về mặt biên chế cán bộ đài huyện hay đầu tư trang thiết bị cho đài, các đài không nên đợi cấp quản lý là Bộ TT&TT đưa ra chính sách để tháo gỡ khó khăn. Nên chủ động tham mưu cho UBND và Sở Nội vụ để cải thiện cơ sở vật chất và điều kiện hoạt động tốt hơn.