Truy nã đặc biệt nguyên chủ tịch Vinalines Dương Chí Dũng
Truy nã đặc biệt nguyên chủ tịch Vinalines Dương Chí Dũng
Sáng 22/5, tại trụ sở Bộ Công an, Thiếu tướng Nguyễn Thế Lực - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an) - đã chủ trì cuộc họp thông báo về kết quả điều tra ban đầu vụ án Tham ô tài sản; mở rộng điều tra sai phạm trong việc lựa chọn nhà thầu mua ụ nổi No83M và lập, phê duyệt dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam xảy ra tại Tổng Công ty hàng hải Việt Nam (Vinalines).
Trao đổi với các cơ quan báo chí, Đại tá Thanh, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tham nhũng - Bộ Công an cho biết: Ngay từ thời điểm tháng 1/2012, Cục Cảnh sát phòng chống tham nhũng đã phát hiện những sai phạm trong việc thực hiện lắp đặt ụ nổi thuộc dự án nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines phía nam. Tháng 2/2012, Cơ quan cảnh sát điều tra quyết định khởi tố bắt tạm giam 4 bị can có liên quan đến hành vi tham ô tài sản. Trong số này có bị can Trần Hải Sơn - Tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines.
Phát hiện nhiều sai phạm trong việc lắp đặt các ụ nổi |
Theo đó, các bị can này đã có dấu hiệu nâng giá vật tư, quyết toán khống trong việc sửa chữa ụ nổi để chiếm đoạt số tiền trên 2,5 tỉ đồng. Trong quá trình điều tra, Cục Cảnh sát phòng chống tham nhũng đã phát hiện có nhiều dấu hiệu sai phạm trong việc đầu tư dự án nói chung và mua sắm ụ nổi nói riêng.
Theo điều tra của Cục Cảnh sát phòng chống tham nhũng, khi chưa được Thủ tướng phê duyệt thì ngày 27/6/2007, ông Dương Chí Dũng là Chủ tịch HĐQT Vinalines đã ký quyết định phê duyệt dự án nhà máy sửa chữa tàu biển tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng mức đầu tư 3.854 tỉ đồng. Tuy nhiên, dự án này sau đó đã bị đội lên thành 6.489 tỉ đồng.
Tương tự, việc mua sắm ụ nổi cũng đã bị đội giá lên gấp đôi so với dự toán ban đầu. Vinalines đã tự ý quyết định đầu tư khi chưa được Bộ Giao thông Vận tải cập nhật dự án vào quy hoạch và dự án này cũng chưa trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 4805/VPCN-CN ngày 31/8/2006.
Sẽ phối hợp cùng Interpol ra lệnh truy nã Quốc tế nếu bị can Dương Chí Dũng bỏ trốn ra nước ngoài |
Trong sự việc này, cơ quan cảnh sát điều tra xác định ông Trần Hữu Chiều, Phó tổng Giám đốc Vinalines là người đề nghị, ông Mai Xuân Phúc (Tổng Giám đốc thời điểm đó) trình, ông Dương Chí Dũng (Chủ tịch HĐQT) ký phê duyệt. Các hành vi này được xác định là làm trái với ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, luật đầu tư, luật đấu thầu.
Ngày 17/5/2012, Cơ quan CSĐT đã ra quyết định khởi tố bổ sung quyết định khởi tố vụ án tham nhũng, khởi tố bị can đối với các ông Dũng, Chiều, Phúc. Tuy nhiên, vào thời điểm tống đạt quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam thì ông Dương Chí Dũng đã bỏ trốn.
Trao đổi với báo chí, Đại tá Nguyễn Duy Thanh cho biết: “Trước thời điểm Cục Cảnh sát phòng chống tham nhũng tống đạt các quyết định nói trên thì đã triệu tập ông Dũng lên cơ quan cảnh sát điều tra để làm việc. Tại đây, ông Dũng đã thừa nhận toàn bộ hành vi sai phạm của mình. Tương tự, ông Chiều và ông Phúc cũng lần lượt thừa nhận các hành vi của mình”.
Đại tá Thanh cho hay: “Nếu bị can trốn ra nước ngoài, chúng tôi sẽ phối hợp với Interpol để ra lệnh truy nã quốc tế. Bản thân việc bị can Dũng bỏ trốn cũng nói lên hành vi phạm tội của mình”. Tuy nhiên, theo Đại tá Thanh, việc truy nã quốc tế bị can Dương Chí Dũng, cần theo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Interpol.
Đối với việc ông Dũng bỏ trốn trước thời điểm bị khởi tố, cơ quan điều tra đang tiếp tục làm rõ động cơ, cũng như có hay không việc lộ lọt thông tin dẫn đến ông này bỏ trốn.
Minh Nguyễn