Trung ương đồng ý cho Đà Nẵng thí điểm chính quyền đô thị
Đây là lần đầu tiên ông Trần Thọ chính thức công bố thông tin này. Ông cho hay: "Trung ương đã đồng ý cho Đà Nẵng cùng với TP.HCM thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Vừa có văn bản chính thức rồi, hiện nay chúng tôi đang bắt tay vào xây dựng mô hình chính quyền đô thị!".
Buổi làm việc chiều 26/8 giữa đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội với lãnh đạo TP Đà Nẵng (Ảnh: HC) |
"Mô hình chính quyền đô thị có hình hài như thế nào, tổ chức bộ máy ra làm sao, cơ chế vận hành như thế nào, đội ngũ cán bộ thế nào là phù hợp... thì chúng tôi đang làm, cho nên chưa thể khẳng định được ở cấp quận có nhất thiết tiếp tục thí điểm không còn HĐND hay không? Theo suy nghĩ của tôi, chính quyền đô thị rõ ràng là hoàn toàn khác với chính quyền nông thôn!" - ông Trần Thọ nói.
Ông cho biết, hiện Sở Nội vụ Đà Nẵng đang chuẩn bị đề án về thí điểm mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn TP. Ông yêu cầu Giám đốc Sở Nội vụ Đặng Công Ngữ vào TP.HCM học hỏi, rút kinh nghiệm về thí điểm mô hình chính quyền đô thị vì ở trong đó đang tổ chức hội thảo khoa học với sự tham gia của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu đầu ngành về lĩnh vực này.
Để tìm hiểu rõ hơn về việc thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Đà Nẵng, PV Infonet đã hỏi ông Trần Thọ mô hình này sẽ được triển khai thí điểm trên địa bàn TP từ thời gian nào đến thời gian nào? Tuy nhiên ông Trần Thọ cho biết văn bản của trung ương không nêu cụ thể vấn đề đó.
Về kết quả sau hơn 4 năm là một trong 10 địa phương trong cả nước thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến cho hay, việc thí điểm đã được triển khai ở 7/8 quận, huyện (còn lại là huyện đảo Hoàng Sa), 45/45 phường trên địa bàn TP đảm bảo đúng quy trình và thời gian.
Qua thực hiện thí điểm mô hình này đã tạo được sự đồng thuận cao trong cán bộ và nhân dân. Kết quả rõ nét nhất là giảm được biên chế và bộ máy trung gian, giảm một phần chi phí hành chính, tính chủ động của bộ máy chính quyền được nâng cao; quyền đại diện và quyền làm chủ của nhân dân được đảm bảo, mức độ hài lòng của nhân dân đối với chính quyền vẫn tiếp tục được duy trì ở mức độ cao như trước đây...
Lần đầu tiên ông Trần Thọ, Phó Bí thư Thường trực phụ trách Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng thông báo Trung ương đã chính thức có văn bản cho phép Đà Nẵng cùng với TP.HCM thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị |
"Các cơ quan, đơn vị đã tăng cường hoạt động tiếp công dân để thay thế vai trò của HĐND quận, huyện, phường trước đây trong việc tiếp nhận, phản ảnh ý kiến, nguyện vọng của nhân dân. Chủ tịch HĐND TP, Chủ tịch UBND TP, Chủ tịch UBND các quận, huyện, phường, xã đã tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.
Hầu hết các kiến nghị, phản ảnh của nhân dân được giải quyết thoả đáng, đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của nhân dân. Thực tế những năm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường thì số lượt công dân được tiếp tăng gấp 1,27 lần; số đơn thư khiếu nại, tố cáo giảm 9,6 lần so với khi còn tổ chức HĐND" - ông Văn Hữu Chiến nói.
Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng đoàn giám sát, bà Nguyễn Thị Nương, Trưởng Ban công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Ban Tổ chức trung ương đánh giá, việc thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường theo Nghị quyết 26 của Quốc hội khoá 12 đã được Đà Nẵng triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản, khoa học, đồng bộ, sáng tạo và đã đạt được những kết quả theo yêu cầu của chủ trương thí điểm, cơ bản là thành công.
Bà Nguyễn Thị Nương cho hay, kết quả đợt giám sát tại các địa phương thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường sẽ là cơ sở để đóng góp ý kiến vào việc sửa đổi, bổ sung dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Sau đợt giám sát, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổng hợp kết quả và các kiến nghị của 10 tỉnh/thành thí điểm để có đánh giá tổng kết toàn diện, trước khi Quốc hội quyết định có tiếp tục thí điểm hay không, hoặc sẽ đưa ra mô hình chính quyền địa phương phù hợp.
Theo bà Nguyễn Thị Nương, những kết quả mà đoàn khảo sát ghi nhận được tại Đà Nẵng cũng sẽ là sự đóng góp rất quan trọng cho trung ương, cho Quốc hội để tiếp tục nghiên cứu, có kết luận về chính quyền đô thị, chính quyền nông thôn như thế nào để có quy định trong Hiến pháp. Đây sẽ là minh chứng sinh động để đối chứng, so sánh thực tế, củng cố thêm lý luận cho việc thí điểm không tổ chức HĐND phù hợp hay chưa với ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của nhân dân, đã đủ điều kiện để kết luận mô hình chính quyền địa phương hay chưa?...
"Đà Nẵng có điều kiện khác với nhiều địa phương khác, có quy mô tương đối gọn, diện tích không lớn lắm, các đơn vị hành chính ít và có điều kiện đồng nhất, quan trọng nhất là có đội ngũ cán bộ có trình độ, năng lực tương đối đồng đều, lãnh đạo các phường tương đối mạnh dạn, thông hiểu về pháp luật và đã tiếp thu tư tưởng của Thành uỷ trong những năm qua là lãnh đạo và triển khai công việc rất quyết liệt, rất năng động và sáng tạo, nhân dân đoàn kết, nhất trí cao Với điều kiện thuận lợi như vậy, có thể Đà Nẵng sẽ có một mô hình về chính quyền đô thị chung, còn về chính quyền nông thôn thì có thể có một mô hình khác. Ở Đà Nẵng có thể là một mô hình về chính quyền đô thị, hoặc phân ra còn có địa bàn huyện nào thực hiện theo mô hình chính quyền nông thôn. Chính quyền nông thôn, qua nắm bắt tư tưởng và ý kiến của nhiều địa phương khác thì đến giờ phút này chúng tôi thấy nên có thiết kế một chính quyền nông thôn theo mô hình ba cấp đầy đủ, ở đâu có UBND thì ở đó có HĐND. Tức là ở đâu ra quyền lực thì ở đó phải có cơ quan giám sát quyền lực. Chính quyền đô thị thì có thể có hai cấp: tỉnh/thành và quận/huyện, còn cấp phường/xã thì tiếp tục nghiên cứu nhưng với nguyên tắc ở đâu có UBND thì ở đó có HĐND!". |