Trung Quốc: Muốn nói gì trên Internet cũng phải dùng tên thật
Đây là động thái mới nhất của quốc gia này nhằm tiếp tục thắt chặt việc kiểm soát môi trường Internet.
Cục quản trị không gian ảo Trung Quốc cho hay, quy định trên bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 1/3, yêu cầu người dân phải đăng ký tài khoản bằng tên thật của mình khi sử dụng blog, diễn đàn trực tuyến (forum) hay các nền tảng khác kể cả các dịch vụ tin nhắn tức thời (chat) hoặc phần bình luận ở cuối các trang tin tức, báo chí.
Một người phụ nữ sử dụng điện thoại tại Bắc Kinh, ngày 02/2/2015 9 (ảnh minh hoạ) |
Người dùng sẽ được phép tự lựa chọn tên và hình ảnh đại diện, tuy nhiên, họ không được phép giả mạo tên các tổ chức, hoặc tên chính khách nổi tiếng như "Obama" hoặc "Putin." Mặc dù điều này nghĩa là bí danh vẫn có thể được sử dụng để bình luận ý kiến trực tuyến, nhưng quy định mới nhằm đảm bảo rằng các nhà chức trách biết danh tính thực sự của người phát ngôn.
Thông báo hôm thứ Tư là động thái mới nhất trong một chiến dịch sâu rộng nhằm tăng cường kiểm soát việc thể hiện ý kiến cá nhân trên môi trường trực tuyến tại Trung Quốc, vốn được coi là một trong những quốc gia kiểm soát Internet chặt chẽ nhất trên thế giới.
Thông báo nhấn mạnh rằng nhà chức trách sẽ không khoan nhượng trước những "nội dung bất hợp pháp”, bao gồm bất cứ điều gì vi phạm hiến pháp hay các điều luật khác của Trung Quốc, "lật đổ chính phủ" hoặc “phá hoại an ninh quốc gia”. Việc tuyên truyền nội dung khiêu dâm, khủng bố, cờ bạc, mê tín dị đoan hay tin đồn vô căn cứ cũng bị cấm.
Một quán cafe Internet ở tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc (ảnh minh hoạ) |
Theo số liệu từ Trung tâm Thông tin Internet Trung Quốc, tính đến cuối năm ngoái, số lượng cư dân mạng ở Trung Quốc đã đạt tới con số 649 triệu, tăng hơn 31 triệu so với năm trước đó.
Cùng ngày, trả lời phỏng vấn trước báo giới, ông Xu Feng, người đứng đầu văn phòng Internet, trực thuộc Cục Quản lý không gian ảo của Trung Quốc cho biết, quy định thắt chặt kiểm soát người dùng trực tuyến nhằm loại bỏ những nội dung "gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội" hay "vi phạm lợi ích chung".
Trách nhiệm thi hành các quy định mới sẽ thuộc về các nhà cung cấp dịch vụ Internet. Ông Xu không đề cập đến những hình phạt cụ thể đối với hành vi vi phạm.
Ngoài thông báo hôm thứ Tư, nhà chức trách Trung Quốc cũng công bố những quy định mới yêu cầu các nhà văn đăng tải tác phẩm trực tuyến phải sử dụng tên thật của họ; trước đó, một quy định tương tự đã được ban hành cho các nhà phát triển ứng dụng và những người đăng tải video trực tuyến.
Gần đây, nhà cầm quyền nước này đã đóng cửa 133 tài khoản truyền thông xã hội do những tài khoản này bị cáo buộc bóp méo lịch sử Trung Quốc và truyền bá tin đồn sai sự thật về Đảng Cộng sản Trung Quốc. Chính phủ nước này cũng thực hiện một cuộc tấn công nhắm vào VPN (mạng riêng ảo), mạng cho phép người dùng Internet Trung Quốc truy cập vào các trang web bị chặn, bao gồm cả Google và Twitter.
Đây không phải lần đầu tiên Bắc Kinh tăng cường giám sát bình luận trực tuyến. Năm 2012, Trung Quốc từng công bố quy định người dùng phải đăng ký tên thật khi sử dụng các dịch vụ truyền thông xã hội như Sina Weibo. Tuy vậy, nhà chức trách phải đối mặt với khó khăn khi xác minh thông tin của hàng triệu người sử dụng, và các nhà cung cấp Internet cũng phải “gánh” những chi phí khổng lồ liên quan đến kế hoạch trên, do đó đẩy quy định này vào tình trạng “bất khả thi”.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Los Angeles Times, một nhật báo được xuất bản tại Los Angeles, California và được phân phối ở khắp miền Tây nước Mỹ.