Trực tiếp phiên xử kỳ án vườn mít: VKS đề nghị tử hình dù còn uẩn khúc

Sau hai lần bị hoãn vì các lý do khác nhau, vào sáng nay ngày 30/8 phiên phúc thẩm lần 3 xét xử bị cáo Lê Bá Mai đã chính thức được mở lại. Dù 8h phiên xử mới bắt đầu, nhưng từ 7h sáng hàng chục PV các cơ quan báo đài đã có mặt tại đây để đưa tin.
Trong khi chờ đợi, trao đổi với PV Infonet, ông Lê Bá Triệu - cha bị cáo Lê Bá Mai cho biết: "Thứ tư tuần trước tôi có vào thăm Mai thì thấy tâm trạng Mai bình thường, cháu cũng cho biết trong phiên xử lần này sẽ khai hết mọi chuyện".

Trực tiếp phiên xử kỳ án vườn mít: VKS đề nghị tử hình dù còn uẩn khúc - ảnh 1
Trực tiếp phiên xử kỳ án vườn mít: VKS đề nghị tử hình dù còn uẩn khúc - ảnh 2
Thể trạng Mai khá tốt khi bước xuống từ xe đặc chủng

7h39' chiếc xe chở Mai xuất hiện tại cổng TAND Tối cao tại TP.HCM. Mai bước ra với thể trạng khá tốt và ngay lập tức được đưa lên phòng xử.

7h55' Thư ký điểm danh những người liên quan, tuy nhiên chỉ một số ít có mặt.

Phiên tòa có quản lý báo chí?

Tới 8h30' nhiều nhân chứng vẫn vắng mặt, trong đó có ông Điều Ky và bà Thị De - cha mẹ nạn nhân.

3 luật sư Bùi Quang Nghiêm - Trịnh Thanh - Huỳnh Thế Tân đã có mặt đầy đủ. Hội đồng xét xử chưa xuất hiện, phiên tòa vẫn chưa thể bắt đầu.

Thư ký phiên tòa yêu cầu các PV muốn chụp ảnh phải xuất trình thẻ và đăng ký. Bảo vệ dọa sẽ thu máy những PV cố tình chụp ảnh, tuy nhiên một số vẫn tranh thủ chụp hình Mai trước vành móng ngựa.

Trực tiếp phiên xử kỳ án vườn mít: VKS đề nghị tử hình dù còn uẩn khúc - ảnh 3
Ông Lê Bá Triệu - bố Mai

Trực tiếp phiên xử kỳ án vườn mít: VKS đề nghị tử hình dù còn uẩn khúc - ảnh 4
Bà Lê Thị Hoa - mẹ Mai

Trực tiếp phiên xử kỳ án vườn mít: VKS đề nghị tử hình dù còn uẩn khúc - ảnh 5
Luật sư Huỳnh Thế Tân

8h48' HĐXX có mặt. 8h53' HDXX dành 5' cho các PV tác nghiệp.

Sau khi HĐXX thẩm tra lý lịch, giải thích quyền lợi và nghĩa vụ liên quan các bên, VKS cho rằng sự vắng mặt của một số nhân chứng không ảnh hưởng tới việc xét xử vì đã có lời khai tại các phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm trước đó.

9h10', Luật sư Tân đề nghị cho phép ông Dương Bá Tuân là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. HDXX cho phép luật sư Tân hỏi ông Tuân bất cứ câu hỏi nào.

9h12, HĐXX tóm tắt lại vụ án.

9h20', Mai cho biết giữ vẫn nguyên yêu cầu kháng cáo.

Ông Tuân bổ sung thêm 1 ý kháng cáo: CQĐT thu can nhựa 40 lít nhưng khi xét xử xong đã trả lại ông Tuân can 30lít.

Phía VKS cũng giữ nguyên quyết định kháng nghị. 

Bắt đầu phần xét hỏi

HDXX nhắc Mai: Nhớ cái gì thì nói nhớ, không nhớ nói không nhớ.

9h24', khi HĐXX hỏi Mai có biết ai tên Dự không, Mai trả lời là có.

HĐXX tiếp tục hỏi Mai: Có biết Vân, ông Trong không và những người này có mối liên hệ với nhau như thế nào? Mai nói có biết và kể rõ mối liên quan giữa 3 người này và mình.

Trực tiếp phiên xử kỳ án vườn mít: VKS đề nghị tử hình dù còn uẩn khúc - ảnh 6
Mai tại phiên tòa
Trực tiếp phiên xử kỳ án vườn mít: VKS đề nghị tử hình dù còn uẩn khúc - ảnh 7
Phía bị hại và nhân chứng
Trực tiếp phiên xử kỳ án vườn mít: VKS đề nghị tử hình dù còn uẩn khúc - ảnh 8
Công an viên Trần Văn Sinh (áo trắng)

Trả lời câu hỏi của HDXX về tên một số người nữa như Điểu Cẩn, Điểu Ky, Thị Hằng và có biết Thị Út (người bị hại), Mai nói có biết khi vụ án được điều tra.

HĐXX lập luận những người trên bị cáo nói có người biết có người không biết nhưng tất cả những người này đều biết Mai. HĐXX đã có 6 bản án, có bản án nhận tội rõ ràng. Về điều này, Mai cho rằng CQĐT đến hiện trường sau đó bắt Mai khai lại theo lời khai của CQĐT.

Về uẩn khúc không nhận tội và cho rằng bản án quá nặng (trong đơn kêu oan), HĐXX hỏi Mai: Tại phiên tòa 6/3/2005 có ai đánh đập ép phải khai không? Đồng thời HĐXX công bố một số bút lục ghi lời khai của Mai đã thừa nhận tội giết người.

Mai khai: "Tại vì một số cán bộ CQĐT nói nếu chậm điều tra thì không xét xử được, do đó bị cáo khai nhận để vụ án nhanh chóng được đưa ra xét xử".

9h36': Luật sư Trịnh Thanh đề nghị cách ly nhân chứng, cách ly Điểu Cẩn, Hằng và công an viên Trần Văn Sinh. HĐXX đồng ý và cho biết sẽ hỏi ông Điểu Ky (cha Hằng).

Phía bị hại không nhớ nhiều chi tiết

Ông Điểu Ky là người đã viết đơn trình báo vụ việc nhưng hiện tại không còn nhớ rõ nội dung đơn. Ông Ky cho biết cùng ông Cẩn đến chòi của Mai vì nghe Hằng nói Út đi cùng Mai. Lúc tới nơi có hỏi Mai cùng Út đi đâu nhưng Mai nói không biết.

Tới lượt trả lời của ông Cẩn (cha nạn nhân Út), ông cho biết không nhớ ngày mất tích của con vì quá lâu, không nhớ khi mất tích Út học lớp mấy, mất tích vào sáng hay chiều... Ông chỉ nhớ khi con mất tích thì đi "tìm quanh cái ao thôi". Tuy nhiên, ông thừa nhận có đi cùng ông Ky đến chòi tìm Mai vì nghe Hằng nói Mai chở Út đi bằng xe máy.

Ông Cẩn cũng không nhớ ngày phát hiện ra xác Út, không nhớ trong gia đình có ai được cơ quan công an yêu cầu lấy mẫu giám định gen.

Tiếp theo là phần trả lời HĐXX của Hằng (bạn nạn nhân Út)

Trước những câu hỏi của HĐXX, Hằng khai vào năm 2004 Hằng có chơi cùng các bạn trong sóc, trong đó có Út. Ngày 12/11/2004 Hằng và Út đi mót củ sắn trong trang trại của ông Dương Bá Tuân. Sau khi đi mót sắn cùng Hằng, Út đi cùng Mai khoảng 9-10h sáng nhưng không biết đi đâu.

Mai chở Út trên chiếc xe máy màu xanh đen, mang theo bình xịt màu xanh, bình nước đá màu đỏ. Mai có đội nón lá. Hằng chạy theo một đoạn nhưng sau đó dừng lại vì theo không kịp. Hằng cũng khai là biết rõ đó là Mai vì từng sang nhà bạn chơi và bạn có giới thiệu đó là Mai. Và khi phát hiện xác nạn nhân thì Hằng cũng có đến hiện trường.

Khi HĐXX hỏi lại Hằng vì sao biết người chở Út đi là Mai, Hằng nói rằng trước đó có qua chơi nhà bạn và nghe bạn nói đó là Mai. Ngoài ra, Hằng khai, tối hôm đó khi đi học về thì bố và ông Cẩn có hỏi Út nên Hằng kể lại việc Út được Mai chở đi.

HĐXX xác nhận lại thể hình Út lớn hơn Hằng từ ông Cẩn và ông Ky.

10h06', HĐXX quay lại xét hỏi bị cáo Lê Bá Mai. Mai phủ nhận việc mình chở Út đi như phía nhân chứng nói. Mai tiếp tục khẳng định lời khai đã viết trước đó (từ sau khi bản án bị hủy để điều tra lại) là do bị cơ quan điều tra ép viết.

HĐXX hỏi Mai về việc CQĐT có lấy lời khai sau vụ án, Mai trả lời có nhưng cho rằng phải khai theo CQĐT chứ không phải tự nhiên.

Biên bản lấy lời khai của công an viên chỉ ghi "người thanh niên" (không phải Lê Bá Mai)

10h36', HĐXX hỏi ông Trần Văn Sinh - công an viên, người lấy lời khai của Hằng. Ông Sinh cho rằng trong biên bản đã không ghi rõ là Lê Bá Mai mà chỉ ghi "người thanh niên" vì ông và ông Tuân (người thuê Mai làm công) đang có mâu thuẫn. Ông cũng khẳng định ở thời điểm đó Hằng khai "người thanh niên" là Mai.

Luật sư Trịnh Thanh đưa biên bản lấy lời khai của ông Sinh ngày 3/10/2007 và nhắc lại biên bản chỉ ghi là "người thanh niên". Ông Sinh tiếp tục giải thích lý do như trên.

Luật sư Trịnh Thanh hỏi ông Ky: Tại sao trong bản tường trình cũng ghi là "người thanh niên"? Ông Ky cho rằng ghi như vậy vì Mai chưa có vợ. Về việc tại sao trong biên bản chỉ ghi là "nghi Mai", theo ông Ky là vì người dân tộc "nghi có nghĩa là chắc chắn".

Tiếp tục đề nghị tử hình Mai

Trước lời khai của các bên, phía VKS đề nghị HĐXX chấp nhận mức án tử hình cho bị cáo Mai mà VKS Bình Phước đã đề nghị. VKS bác bỏ kháng nghị của bị cáo Mai vì cho rằng đã có đủ cơ sở về thời gian, không gian, địa điểm... của vụ án.

Trực tiếp phiên xử kỳ án vườn mít: VKS đề nghị tử hình dù còn uẩn khúc - ảnh 9
LS Trịnh Thanh trình bày sơ đồ hiện trường vụ án

Tuy nhiên, luật sư Trịnh Thanh bào chữa rằng, điểm mấu chốt là làm rõ người mà Hằng gặp khi đi ngang qua có phải là Mai hay không, bởi vì trong lời khai của Hằng lúc là Mai, lúc lại là "người thanh niên" (lúc đó Hằng cũng mới chỉ có 9 tuổi). Thêm nữa, trong đơn tường trình của ông Ky cũng ghi là "người thanh niên". Như vậy có thể nói hung thủ chưa rõ là ai. Luật sư đề nghị HĐXX xem xét thật kỹ điều này, bên cạnh đó Mai cũng nhiều lần khẳng định mình bị mớm cung, ép cung.

Luật sư Thanh cũng cho biết, những đồ vật, quần áo ghi trong biên bản lời khai ban đầu của Mai hoàn toàn không khớp với những đồ vật được CQĐT thu giữ. Hơn nữa, ông Tuân cũng khẳng định những đồ vật này (bình xịt thuốc, can nhựa) được ông cất trong kho và giữ chìa khóa. Luật sư đề nghị làm rõ hướng đi của "người thanh niên" khi chở nạn nhân Út đi và làm rõ một dấu dép lạ xuất hiện tại hiện trường vụ án.

Luật sư Thanh đề nghị làm rõ hướng đi của "người thanh niên" khi chở nạn nhân Út đi và làm rõ một dấu dép lạ xuất hiện tại hiện trường vụ án.

Trực tiếp phiên xử kỳ án vườn mít: VKS đề nghị tử hình dù còn uẩn khúc - ảnh 10
Vẻ mệt mỏi của thẩm phán phiên tòa

13h00, luật sư Huỳnh Thế Tân cho rằng, dù có cảm giác Mai phạm tội nhưng cơ quan tố tụng không thực hiện đúng luật tố tụng thì phải tuyên Mai vô tội. Cụ thể, bằng chứng một vết lốp xe không thể truy nguyên ra được có phải xe của ông Tuân hay không. Thêm nữa, thu của bị cáo một đôi dép nhựa có vân hình chữ nhật nhưng tại hiện trường lại thu được vân (1 chiếc dép) hình sin.

Về lời khai của Hằng, luật sư Tân cho biết đã có sự chuyển hóa. Cụ thể, từ một bình nước đá màu đỏ chuyển sang can nhựa, từ bình xịt màu xanh chuyển sang bình xịt inox. Cũng theo vị luật sư này, đã có thông tin tới 4 chiếc can nhựa khác nhau, tuy nhiên lại không có chiếc can nào trong hồ sơ vật chứng. Có thể thấy cách làm việc của CQĐT của tỉnh Bình Phước là rất cẩu thả.

Luật sư Tân tiếp tục bào chữa bằng một văn bản dài hơn 30 trang nói về các vi phạm trong tố tụng của CQĐT, sự mâu thuẫn trong lời khai của nhân chứng với vật chứng, sự sai lệch trong sơ đồ của CQĐT với địa hình thực tế.

Trao đổi với PV Infonet, ông Lê Bá Triệu cho biết, cách đây hơn 1 năm có người dân tộc kinh lấy chồng người Stiêng cho ông biết người giết Út không phải là Lê Bá Mai mà là Điểu Nguôi. Cũng từ đây ông Triệu đã viết đơn kháng cáo cho Mai. Vào lúc 15h18' khi bào chữa cho Mai, luật sư Tân cũng đề cập đến thông tin này và cho biết nhân chứng này đã không được CQĐT triệu tập vì cho rằng tại địa phương không có người tên như vậy.
Cũng theo luật sư Tân, trong biên bản ghi Mai đã chở Út chạy tới vườn mít nhưng thực tế đi thực địa phải đi bộ mới tới nơi vì đường rất khó đi (trong khi thực địa xảy ra vào mùa khô còn vụ án xảy ra vào mùa mưa). Không tưởng tượng nổi tại sao CQĐT không cho đối chất giữa những người liên quan dù nhiều lời khai rất mâu thuẫn.

15h14', luật sư Tân bức xúc cho biết, trong quá trình điều tra đã không có bất kỳ một quyết định trưng cầu giám định pháp y về nguyên nhân và thời gia tử vong. Luật sư Tân yêu cầu trả tự do cho Lê Bá Mai.

Tới lượt bào chữa, luật sư Bùi Quang Nghiêm cho rằng: VKS căn cứ vào lời khai của cháu Hằng, ông Ky, ông Cẩn và những người sống trong trang trại của Mai dù có sự thống nhất, ráp nối các tình tiết nhưng sự thật không chỉ như thế.

Luật sư Nghiêm cũng đặt câu hỏi về tính khách quan trong việc lấy lời khai của công an viên Sinh đối với Hằng. Luật sư Nghiêm nhận định lời khai này xuất phát từ mong muốn của ông Sinh vì đây là cơ hội để trả thù ông Tuân, lời giải thích của ông Sinh về việc ghi là "người thanh niên" trong biên bản vì mâu thuẫn với ông Tuân là không thể tin tưởng được. Luật sư Nghiêm cho rằng bản án sơ thẩm là kết quả của sự sắp đặt hết sức khéo léo bắt đầu từ công an viên Trần Văn Sinh.

Bên cạnh đó, ông Tuân tiếp tục khẳng định chiếc bình inox, một số nhân chứng khai rằng Mai đeo trên người khi chở Út, khi đó đang được ông khóa trong container.

PV Infonet liên tục cập nhật thông tin từ phiên tòa...

Tóm tắt vụ án

Khoảng 8 giờ ngày 12-11-2004, cháu Thị Hằng (SN 1995) và cháu Thị Út (SN 1993) đi mót củ sắn (củ đậu) nhưng đến tối chỉ có cháu Hằng trở về. Sau đó gia đình tổ chức tìm kiếm, và đến ngày 16-11-2004 thì phát hiện xác Út ở vườn mít nhà ông Dương Bá Tuân. Từ câu chuyện của cháu Hằng, nghi can Lê Bá Mai (người làm thuê cho ông Tuân) đã bị bắt vào ngày 17-11-2004.

Theo kết luận của CQĐT tỉnh Bình Phước thì: ngày 12-11-2004, Mai rủ cháu Út vào vườn mít và dụ dỗ để thực hiện hành vi giao cấu, bị chống trả Mai đã lấy quần siết cổ nạn nhân đến chết sau đó vùi xác gần gốc mít.

Ngày 16-3-2005, TAND tỉnh Bình Phước xét xử và tuyên tử hình Lê Bá Mai về tội “Giết người” và “Hiếp dâm trẻ em”. Ngày 4-8-2005, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM xét xử đã tuyên giữ nguyên án tử hình.

Sau hai phiên xử, Mai liên tục kêu oan và cho rằng, bị cơ quan điều tra ép cung nên mới nhận tội. Ngày 12-12-2006, Viện trưởng VKSND Tối cao có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm hủy 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm với lý do: “Chưa có căn cứ vững chắc” và có nhiều vi phạm trong quá trình điều tra vụ án, thiếu sót trong việc khám nghiệm hiện trường, thu thập chứng cứ...

Ngày 5-2-2007, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm đã chấp nhận kháng nghị, hủy 2 bản án để điều tra lại theo quy định pháp luật. Cùng quan điểm Hội đồng Thẩm phán đã tuyên hủy bản án phúc thẩm.

Tháng 7-2010, TAND tỉnh Bình Phước xử sơ thẩm lần 2 trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhưng VKSND tỉnh Bình Phước vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố. Ngày 18-5-2011, TAND tỉnh Bình Phước mở phiên xử sơ thẩm được mở lại và tuyên Lê Bá Mai không phạm tội, trả tự do ngay tại phiên tòa.

Tuy nhiên vào tháng 6-2011 Viện KSND tỉnh Bình Phước đã kháng nghị, yêu cầu Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP. HCM xét xử theo hướng buộc tội đối với bị cáo. Sau đó phiên tòa phúc thẩm lần 2 được mở lại vào ngày 19/6/2012, và trong lần xử này tòa tuyên trả hồ sơ, giao Bộ công an tiếp tục điều tra.

Hơn 6 tháng sau, trong phiên xử sơ thẩm lần 3 kết thúc vào ngày 5/1/2013 HĐXX đã tuyên phạt Lê Bá Mai án chung thân, tuy nhiên mức án này tiếp tục bị VKS tỉnh Bình Phước kháng nghị lên tử hình. Sau đó phiên phúc thẩm lần 3 đã được lên lịch xét xử vào tháng 5/2013, tuy nhiên 2 buổi xét xử sau đó vào ngày 6/5/2013 và 20/5/2013 đều bị hoãn lại.

Nguyễn Cường

Ông chủ lĩnh án tội hiếp dâm, cô gái giúp việc tật nguyền lầm lũi rời tòa

Trong thời gian ở lại giúp việc nhà cho bị cáo Thủy, chị Q. đã bị ông chủ nhiều lần thực hiện hành vi hiếp dâm.

Huế: Bị CSGT truy đuổi, tài xế bỏ lại ô tô cùng gỗ lậu trốn vào rừng

Chở 26 phách gỗ đi tiêu thụ, khi bị lực lượng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế phát hiện, tài xế tăng ga bỏ chạy, đến đoạn đường vắng lập tức dừng và xuống xe chạy trốn vào rừng sâu.

Nghi án vợ sát hại chồng lúc nửa đêm ở Bà Rịa-Vũng Tàu

Sáng nay (6/3), Công an huyện Châu Đức đang phối hợp các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu khám nghiệm hiện trường, điều tra vụ án mạng xảy ra lúc nửa đêm.

Thanh Hóa: Điều tra cái chết thương tâm của một phụ nữ độc thân tại chòi canh rẫy

Khi không thấy người thân trở về, gia đình nạn nhân đi tìm thì phát hiện người này đã tử vong trên chòi canh rẫy với nhiều vết thương trên cơ thể.

Mang súng bút lên máy bay, 2 thanh niên bị khởi tố

Ngày 5/3, Công an TP Hải Phòng cho biết cơ quan điều tra vừa khởi tố 2 đối tượng vì liên quan đến việc mang súng dạng bút lên máy bay.

Người đàn ông đốt pháo dài hơn 50m trong đám cưới ở Hà Nội khai gì?

Sau bị cơ quan công an tạm giữ hình sự, đối tượng Trần Văn Khang, người đốt pháo trong đám cưới ở xã Phù Lỗ (Sóc Sơn, Hà Nội) khai nhận đã lên mạng xã hội đặt mua pháo của một người lạ mặt, được người bán chuyển về nơi tổ chức đám cưới.

Đồng Nai: Nam thanh niên nổ súng khi chuyển đồ giúp bạn gái, 1 người trúng đạn

Được nhờ tới chuyển đồ giúp một cô gái, Khải mang theo súng và xảy ra ẩu đả với người đàn ông thuê phòng trọ. Khi nạn nhân bỏ chạy, Khải nổ súng, viên đạn trúng một người khác gây thương tích.

Khởi tố vụ án, tạm giữ hình sự đối tượng đốt pháo trong đám cưới ở Hà Nội

Cơ quan Công an huyện Sóc Sơn (Hà Nội) vừa cho biết đã khởi tố vụ án và tạm giữ hình sự đối với Trần Văn Khang (40 tuổi, ở khối 12, xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) để điều tra về hành vi gây rối trật tự công cộng.

Xử phạt thanh niên tung tin "lái xe đeo khẩu trang bị phạt 10 triệu đồng"

Ngày 4/3, Công an TP Hải Phòng cho biết vừa xử phạt 5 triệu đồng với thanh niên lên mạng xã hội tung tin "Từ ngày hôm nay, lái xe đeo khẩu trang bị phạt từ 10 triệu đồng".

Vụ con đánh chết cha ở Quảng Nam: Mâu thuẫn nhỏ, hậu quả lớn

Chiều 4/2, Công an tỉnh Quảng Nam cho hay đơn vị đang củng cố hồ sơ để khởi tố bị can đối tượng đánh cha ruột tử vong ở phường Hòa Hương, TP Tam Kỳ.

Đang cập nhật dữ liệu !