Trẻ bị xâm hại: Có những biện pháp trừng trị nghiêm khắc hơn bỏ tù!
Hình ảnh Nguyễn Hữu Linh được cho là có hành vi xâm hại tình dục bé gái trong thang máy tại TP.HCM. |
Nhân vụ bé gái bị xâm hại trong thang máy, nhiều ý kiến cho rằng phải sửa Bộ luật hình sự 2015 để đưa tội này vào xử lý hình sự và phải xử lý nặng. Điều này cần thiết và phải làm ngay.
Nhưng theo thực tiễn làm luật ở Việt Nam hiện nay, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) Trần Thị Trang cho rằng “khoảng 10 năm nữa BLHS mới có cơ hội sửa. Tại thời điểm này điều đó là khó có thể làm được”.
Do đó, bà Trang đưa ra phương án “khả thi hơn, dễ dàng hơn và cũng hiệu quả hơn”. Đó là sửa Luật Trẻ em năm 2016.
Khả thi hơn là bởi, Luật Trẻ em năm 2016 dù đã được sửa đổi, bổ sung một lần năm 2018 nhưng có một số điểm chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhiều người là: tuổi trẻ em vẫn là 16 thay vì kéo dài tới 18.
Đồng tình với quan điểm này, BS Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ & chăm sóc Trẻ em (Bộ LĐ-TB & XH) cho rằng, khi nâng độ tuổi trẻ em đến dưới 18, trẻ chưa thành niên sẽ được hưởng đầy đủ và toàn diện các quyền của trẻ em được quy định trong luật và trong Công ước quốc tế về quyền trẻ em.
“Trẻ chưa thành niên sẽ được bảo vệ tốt hơn để không phải lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, giảm nguy cơ bị xâm hại (tình dục, thân thể, tinh thần-PV) bạo lực. Bên cạnh đó, trẻ được hưởng các chế độ học tập, phù hợp với độ tuổi hoàn thành giáo dục phổ thông; được vui chơi, khám chữa bệnh, chăm sóc y tế dành cho trẻ em đến khi trưởng thành (đủ 18 tuổi). Quyền vui chơi và tham gia các hoạt động học tập, xã hội của trẻ em cũng được quan tâm đầy đủ hơn”, ông An bày tỏ.
Chỉ ra sự cần thiết này, trong Luật trẻ em bổ sung lần một năm 2018, theo bà Trần Thị Trang: các quy định về tạo điều kiện và môi trường thuận tiện, an toàn cho trẻ em, dinh dưỡng học đường, game, game online, Internet độc hại, bạo lực với và bởi trẻ em.... vẫn chưa sát thực tế. Thế nên, cần phải có một Luật được sửa đổi toàn diện thay thế cả Luật trẻ em 2016 và 2018.
Dễ dàng hơn nữa khi sửa Luật trẻ em, bởi đây là Luật nằm trong nhóm pháp luật dân sự, hành chính. Độ khó và độ phức tạp không như BLHS. Nếu sửa luật sẽ có sự hỗ trợ, thúc đẩy mạnh mẽ của các cơ quan tư pháp; việc cung cấp bằng chứng khoa học và kinh nghiệm của nhiều tổ chức khoa học, bảo vệ quyền trẻ em trong nước và thế giới khi thực thi luật cũng dễ được cập nhật và thực thi. Đặc biệt là chi phí xây dựng Luật thấp....
Ngoài ra, Luật Trẻ em có thể bổ sung nhiều chế tài hành chính tư pháp, biện pháp xã hội ngay trong luật đối với các hành vi xâm hại trẻ em rất hiệu quả mà việc bỏ tù vài năm chưa chắc đã "nghiêm khắc" bằng như: cấm tiếp xúc suốt đời, cấm xuất hiện tại một số địa điểm công cộng, công khai hình ảnh kèm thông tin vi phạm tại nơi cư trú của đối tượng trên phương tiện truyền thông, buộc xin lỗi công khai, buộc lao động lao động công ích....
“Các biện pháp này còn nghiệt ngã và đáng sợ hơn bỏ tù vì nó được dư luận xã hội giám sát, lên án, kỳ thị và ruồng bỏ. Việc xác định vi phạm, quyết định biện pháp xử lý cũng đơn giản và nhanh chóng hơn thông qua các thủ tục hành chính tư pháp thay vì tố tụng. Chỉ cần trao quyền cho chủ tịch UBND cấp huyện trở lên là được”, bà Trần Thị Trang nói.
Tuy nhiên, theo bà Trang thì “đấy là chuyện của tương lai và chuyện của Nhà nước”. Còn với tư cách công dân và người cha, người mẹ có con cái và có con gái, bà Trang khuyến khích “ngay lúc này chúng ta cần lên tiếng và lên án hành vi của những kẻ vô lại” bởi “mọi trẻ em chỉ để nâng niu, yêu thương và dành cho những điều tốt đẹp nhất”.
Còn theo BS Nguyễn Trọng An, trong khi Luật pháp chưa quy định rõ thế nào là dâm ô, các bậc cha mẹ nên cung cấp những kiến thức về giới tính cho con ngay từ khi còn nhỏ. Dạy con biết tôn trọng bản thân, chỉ rõ cho con biết những chỗ “nhạy cảm” trên cơ thể.
Các bậc cha mẹ hãy dạy cho con nhận diện tình huống xấu/nguy hiểm như: bị người khác nhìn chăm chăm thèm thuồng; bị ép uống bia, rượu, hút thuốc, hoặc sử dụng các chất kích thích; bị rủ rê xem truyện dâm dục hoặc ảnh khỏa thân, xem phim đồi trụy; bị bắt cởi đồ hoặc người khác cởi đồ trước mặt mình; bị sờ soạng, hôn hít, vuốt ve cơ thể hoặc bộ phận sinh dục của trẻ; bị người lớn rủ trẻ vào chỗ tối…
"Người lớn hãy dạy trẻ cách phản ứng, kiên quyết phản đối, NÓI KHÔNG! Có thể la hét, kêu khóc, cắn và kêu cứu hoặc tìm cách để chạy tới nơi đông người tìm sự trợ giúp khi bị quấy rối, tấn công tình dục", ông An bày tỏ thêm.