Trao Giải báo chí Quốc gia năm 2013
Nói về Giải báo chí Quốc gia năm 2013, Nhà báo Thuận Hữu, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, cho biết: Giải báo chí Quốc gia lần thứ VIII- năm 2013 đã thành công tốt đẹp. Số lượng tác phẩm dư thi cao nhất từ trước đến nay, với 1.665 tác phẩm của các tác giả, nhóm tác giả, được tuyển chọn từ hàng vạn tác phẩm in, báo nói, báo hình, báo điện tử đăng tải trng năm 2013, 58 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, 93 Liên chi Hội, Chi hội Nhà báo trực thuộc và nhiều cơ quan báo chí Trung ương gửi về Hội đồng giải.
Đây là năm có số cấp Hội trong cả nước tham gia nhiều nhất từ trước đến nay. Số tác phẩm của cộng tác viên cũng cao hơn so với năm trước. Điều này cho thấy Giải báo chí hàng năm được Nhà nước giao Hội Nhà báo Việt Nam đứng ra tổ chức đã và đang thu hút được sự hưởng ứng rộng rãi của công chúng báo chí, trong đó có các nhà báo chuyên nghiệp và không chuyên. Sự tham gia rộng rãi đó góp phần nâng cao chất lượng của Giải.
Hội đồng sơ khảo đã lựa chọn 183 tác phẩm thuộc 11 loại Giải vào chấm chung khảo. Hội đồng Chung khảo làm việc với tinh thần khách quan, nghiêm túc, đã tuyển chọn và đề nghị Hội đồng Giải báo chí Quốc gia xem xét, quyết định trao giải cho 115 tác phẩm xuất sắc nhất, bao gồm có 8 giải A, 27 giải B, 41 giải C, 39 giải khuyến khích.
Phát biểu tại lễ trao giải, đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao những đóng góp của báo chí trong công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước và biểu dương, chúc mừng các nhà báo vinh dự nhận giải báo chí quốc gia hôm nay. Đồng chí Đinh Thế Huynh cũng nhấn mạnh vai trò của báo chí hiện nay: Bối cảnh hiện nay, nhiệm vụ của người làm báo là nặng nề. Báo chí phải góp phần tạo ra sự thống nhất, sự đồng thuận, góp phần tăng cường đại đàn kết toàn dân tộc; Tăng cường đối nội và đối ngoại; góp phần vào công cuộc quản lý đất nước, chính nghĩa sáng ngời. Đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, phát triển.
Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại Lễ trao Giải báo chí Quốc gia. Ảnh: Thái Anh |
Trước đó, theo Hội đồng giải báo chí quốc gia (GBCQG), đây là năm GBCQG có nhiều cái nhất được xác lập. Đó là số lượng các tác phẩm báo chí dự thi nhiều nhất kể từ mùa giải đầu tiên năm 2006 đến nay. Bên cạnh đó, số lượng các đơn vị báo chí tham dự giải và số lượng tác phẩm của cộng tác viên dự giải đều tăng, số lượng giải A giải báo chí quốc gia lần thứ VIII cũng cao nhất từ trước tới nay. Lần đầu tiên, Hội đồng GBCQG xác định được 8 tác phẩm xuất sắc trong 11 loại giải để trao giải A, trong khi trước đây số lượng giải A cũng chỉ dừng lại ở con số 3-4. Đây là những tác phẩm xuất sắc nhất xét về vấn đề, chủ đề, nội dung phản ánh, kỹ thuật trình bày. Đó là những tác phẩm viết về chính trị, kinh tế, chủ quyền biển đảo, những vấn đề lớn và nóng, có cách trình bày súc tích, hấp dẫn và có sức thuyết phục.
Các tác giả đạt giải A Giải báo chí Quốc gia lần thứ VII năm 2013 (ảnh Thái Anh) |
Cũng theo Hội đồng GBCQG, giải năm nay có nhiều nét mới, trong đó đáng chú ý là sự hiện diện của nhiều tác phẩm viết về gương người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến, những anh hùng theo đúng nghĩa trong lao động sản xuất và trong cuộc sống. Nổi bật là những tác phẩm như Chương trình “Thư xuân gửi biển đảo” (Báo Sài Gòn Giải phóng), “Lô Phú Bảo - Chiếc cầu Trường Sa" (Đài PTTH Ninh Thuận); "Bùi Như Nỉ - Chàng sinh viên mê năng lượng mặt trời” (Báo Tuổi trẻ); “Alăng Bhuốt – Chân dung một anh hùng” (Trung tâm Truyền hình Quân khu 5); “Ông hai Chung” (Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Cần Thơ); “Chuyện của tôi” (Đài PTTH Hà Tĩnh)...
Chủ đề Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Nghị quyết Trung ương 4, Trung ương 7 (Liên chi hội Ban Tuyên giáo TW, Báo Đồng Nai); chủ quyền biển đảo (Đài Truyền hình Việt Nam, TTXVN, Báo Thanh niên, Tạp chí Lưu trữ); về Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Hội nhà báo Quảng Bình, Báo Tiền Phong, Đài Tiếng nói Việt Nam); về các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Báo Nông thôn ngày nay, Báo điện tử Chính phủ); về đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch (Báo Nhân dân, Quân đội Nhân dân, TTXVN…)… nổi bật với nhiều tác phẩm ở các loại hình báo chí.
Tham dự giải năm nay có nhiều tác phẩm phóng sự, điều tra sâu, ví dụ như về nạn than lậu ở Quảng Ninh (Báo Nhân dân); về vụ kích động, gây rối tại Nghi Phương, Nghệ An (Báo Nghệ An, TTXVN); Lỗ hổng trong quản lý tài nguyên nước (Đài Tiếng nói Việt Nam)…