Trăm chiêu dụ dỗ “sơn nữ” của những kẻ buôn người
Đến nay, nhiều nạn nhân sập bẫy đường dây mua bán người đã trốn thoát hoặc được giải cứu, trở về quê hương. Tuy nhiên, cũng nhiều người trong số họ đã “bặt vô âm tín”, gia đình không liên lạc được.
Với mục đích tuyên truyền, nâng cao ý thức cảnh giác và thông tin rộng rãi đến bà con về những chiêu trò, thủ đoạn gian dối của những đối tượng xấu; ghi nhận những chiến công hiển hách, thầm lặng của lực lượng chức năng trong quá trình phá án; cũng như tuyên truyền các chủ trương, chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước đối với những nạn nhân của nạn buôn bán người, để họ được quya về, hòa nhập với xã hội như bao người bình thường khác, Báo điện tử Infonet xin trân trọng giới thiệu loạt bài phóng sự về vấn đề này.
Bài 1: “VẼ” LƯƠNG TRÊN TRỜI GIĂNG BẪY “SƠN NỮ”
Tủi nhục phận đời 2 lần bị bán làm vợ
Do cuộc sống khó khăn, lại sống ở vùng sâu vùng xa, bản tính thật thà, hiểu biết ít nên một số phụ nữ đã bị kẻ xấu lợi dụng, lừa gạt. Bằng cách vẽ ra một chân trời mới, công việc mới với mức thu nhập trên trời, những đối tượng trong đường dây mua bán người qua biên giới đã khiến nhiều sơn nữ sập bẫy.
Sau ngày 3 mẹ con bị lừa sang Trung Quốc, chị Dợ đã trở về nhưng ít khi ở nhà. |
Theo hồ sơ công an tỉnh Đắk Lắk cung cấp, do hoàn cảnh khó khăn nên vào ngày 12/3/2006, chị Võ Thị H (SN 1991, ngụ thôn 1, xã Cư M’Lan, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk) tìm đến TP. Buôn Ma Thuột để tìm việc, kiếm tiền phụ giúp gia đình.
Khi H đang ngồi ở hoa viên TP. Buôn Ma Thuột chơi, có một người phụ nữ tìm tới bắt chuyện, tự giới thiệu mình là Đỗ Thị Luyên (SN 1969, ngụ thôn 6, Thụy Duyên, Thái Thụy, Thái Bình), tên thường gọi là Béo. Sau vài câu hỏi xã giao, biết chị H đang cần việc nên bà Béo hứa hẹn sẽ lo cho người này một công việc có thu nhập cao tại Hải Phòng.
Tin lời, ngày 18/3/2006, H theo bà Béo ra Hải Phòng. Đến ngày 21/3/2006, H được một người đàn ông tên Hưng đưa ra bờ biển rồi lên ca nô đi qua địa phận làng Bảo Kim Sửu, xã Khi Kẻ Tiền, huyện Nui Chỉu Xì, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc).
Tại đây, H bị Hưng đe dọa tinh thần rồi dùng vũ lực hãm hiếp. Sau đó, Hưng cho nạn nhân biết, mình đã mua lại H từ bà Béo với giá 20 triệu đồng. Vài ngày sau, Hưng đem bán H cho một người đàn ông trong làng tên là Tày Y Kiệt với giá 3,2 ngàn nhân dân tệ.
Thôn Cư Rang-xã Cư Pui (Krông Bông, Đắk Lắk) từng có nhiều “sơn nữ” bị lừa qua biên giới. |
Gần 1 năm sau, H lại trốn về cầu cứu Hưng vì ông Kiệt hay đánh đập, đối xử tệ bạc với mình. Tại đây, H liên tục xin Hưng cho về Việt Nam nhưng người này không chịu. Sau đó, H lại bị Hưng đem bán cho một người đàn ông tên Xíu ở Chấm Kẻn (Quảng Đông) với giá 4,5 ngàn nhân dân tệ. Thế nhưng, ông Xíu bị bệnh tâm thần, hay chửi bới lung tung nên H phải quay lại nhà Tày Y Kiệt để tìm cơ hội trốn về Việt Nam.
Khi H bỏ đi, người nhà ông Xíu đã ra tung tích và đòi lại số tiền 4,5 ngàn nhân dân tệ nói trên. Hơn thế, gia đình người này còn dọa sẽ bán cô vào động mại dâm. Nhân lúc mọi người sơ hở, H đã trốn tới đồn Công an Khi Kẻ Tiền và được lực lượng chức năng giúp đỡ, đưa về Việt Nam.
Sau khi về quê, H đã trình báo việc mình bị lừa bán qua Trung Quốc đến lực lượng chức năng. Không lâu sau, Phòng PC14, Công an tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức cho nạn nhân nhận diện đối tượng. Đến ngày 18/9/2007, CQĐT đã bắt khẩn cấp đối tượng Đỗ Thị Luyên (SN 1969, ngụ phường Tân Lợi, TP.Buôn Ma Thuột) để điều tra về hành vi mua bán người.
Nhiều sơn nữ mất tích
Tương tự, vào tháng 3/2013, Trần Thị Hiền (SN 1985, trú tại xã Đồng Quế, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) móc nối với một đối tượng tên là Nguyễn Thị Thúy (tên thường gọi là Mèo, quê Vĩnh Phúc) sinh sống tại Hà Khẩu, Vân Nam, Trung Quốc để tìm phụ nữ bán vào tụ điểm mại dâm kiếm lời bất chính.
Muốn có việc làm lương cao, nhiều phụ nữ vùng sâu trở thành nạn nhân của các đối tượng mua bán người (ảnh minh họa). |
Sau đó, Hiền đến nhà Nguyễn Đức Nguyên (SN 1987, ngụ xã Ea Tu, TP.Buôn Ma Thuột) rồi lừa Nguyễn Thị P (SN 1995, thôn Thác Đá, xã Ea Kuêh, huyện Cư M’gar) rằng, mình đang cần nhiều người dọn dẹp nhà nghỉ tại Hà Nội với mức lương 25 triệu/tháng. Tin lời Hiền, P rủ thêm 3 người bạn khác cùng đi với mình gồm: Dương Hoàng Thanh T (SN 1995), Đinh Nguyễn Quỳnh N (SN 1999), Trần Thị Thu H (SN 1998, cùng ngụ tại huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông).
Sau đó, Hiền và Nguyên đưa 4 cô gái đến Lào Cai, thuê hai chuyến đò vượt biên trái phép qua Hà Khẩu, Vân Nam, Trung Quốc. Tại đây, Thúy (Mèo) và Hiền đã đưa T và P vào tụ điểm mại dâm, bắt họ phải bán dâm theo tháng. Sau khi dắt mối thành công, Hiền và Thúy (Mèo) nhận số tiền hơn 3 vạn Nhân dân tệ (khoảng 100 triệu động tiền Việt Nam) từ chủ chứa rồi ra về. Một tuần phải phục vụ khách trong tụ điểm mại dâm, P và T mới tìm được cách trốn đến đồn Công an Trung Quốc trình báo. Sau đó, hai cô gái này được đưa về Đồn 107, Bộ đội Biên phòng huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng để làm thủ tục trở về địa phương. Trong đám bạn đi chung của P và T còn có H và N, nhưng hiện nay hai cô gái này đi đâu vẫn chưa rõ tung tích.
Tại xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk, những năm trước đây cũng xảy ra tình trạng, một số phụ nữ tại các thôn như Cư Tê, Cư Rang (xã Cư Pui), Noh Prông (xã Hòa Phong) nghe theo lời người lạ, bỏ đi làm ăn xa rồi…mất tích. Đến nay, nhiều người trong số họ vẫn chưa về, cũng chẳng liên lạc gì với gia đình.
Chặng đường xấu vào thôn vùng sâu Cư Rang. |
Mới đây, PV Báo Infonet đã vượt qua một chặng đường xa lầy lội, tìm đến thôn Cư Rang, xã Cư Pui, huyện Krông Bông để ghi nhận thông tin thực tế về tình trạng nhiều sơn nữ tại đây đã mất tích trong vài năm qua.
Thấy người lạ, bà con trong vùng ai cũng tỏ vẻ e ngại, đưa ánh mắt dò xét với thái độ đầy nghi ngờ. Chỉ đến khi biết “người lạ” là PV, bà con mới tỏ thái độ thân thiện, cởi mở trò chuyện.
Theo lời bà con, trước đây, 3 mẹ con chị Lý Thị Dợ (SN 1975, ngụ thôn Cư Rang), nghe theo kẻ xấu, đi qua Trung Quốc làm việc với lời hứa lương cao. Khi tới nơi, biết mình bị lừa, chị Dợ đã tìm cách trở về quê hương. Riêng hai người con gái của chị là Thào Thị Phương và Thào Thị Chía đến nay vẫn chẳng có tin tức gì.
Khi PV tìm đến nhà, anh Thào Văn Vương (SN 1998, con trai chị Dợ) đang lúi húi chuẩn bị bữa cơm tối cho vợ con. Vừa làm việc, anh vừa kể, sau ngày trở về, mẹ mình ít có mặt tại nhà. Hiện tại, chị Dợ cũng sang địa bàn tỉnh Lâm Đồng hái cà phê thuê, khoảng một tháng sau mới về.
Anh Vương chia sẻ: “Hai chị đi đến nay đã gần 4 năm nhưng chẳng có tung tích gì. Nhiều lần, em và mẹ nhớ hai chị, ngồi ôm nhau khóc nhưng chẳng biết đâu mà tìm. Ngày trước chị và mẹ đi, em còn nhỏ nên chẳng biết ai dụ dỗ. Thế nhưng, khi mẹ trốn về thì nói bị kẻ xấu lừa gạt sang Trung Quốc”.
Theo tìm hiểu của PV, ngoài trường hợp của gia đình chị Dợ, hiện tại con gái của ông Thào Văn Danh (nguyên trưởng thôn Cư Rang) cũng bị kẻ xấu dụ dỗ, rời khỏi địa phương mấy năm nay nhưng gia đình không liên lạc được. Ông Danh cho biết, con gái mình tên là Thào Thị Dua (SN 1989), bỏ đi cách đây 2 năm.
“Hồi đó, vợ chồng tôi đi bón phân cho lúa. Khoảng 4h chiều, tôi trở về nhà thì chẳng thấy con đâu nữa. Từ ngày con đi, tôi đã dò hỏi khắp nơi, báo tin đến công an nhưng đến nay vẫn chẳng có liên lạc gì. Không biết bây giờ con ở đâu, làm gì, có khỏe không hay…”, nói đến đây, ông Danh rơm rớm nước mắt.
Ngoài những trường hợp trên, ông Dương Văn Thà, Trưởng thôn Cư Rang cho biết thêm, năm 2014 chị Dương Thị Dợ (SN 1994) cũng lặng lẽ rời khỏi địa phương một cách khó hiểu. Từ ngày đi đến nay, cô gái trẻ chẳng có liên lạc gì với gia đình, cũng chẳng ai biết được, người này đi đâu, đi với ai, làm gì.
Trao đổi với Infonet, ông Y Lal Mlô, Trưởng công an xã Cư Pui (huyện Krông Bông ) cho biết: “Đến nay, cơ quan chưa biết được, vì sao những cô gái trên mất tích. Bởi lẽ, khi họ đi không báo với gia đình, không báo với địa phương. Tôi khuyên bà con, đặc biệt là chị em phụ nữ không nên đi làm xa với những người mới quen biết. Khi có ai rủ đi làm xa thì phải báo với địa phương, phải cho gia đình biết để kiểm soát thông tin, tránh những trường hợp xấu xảy ra”.