TP.HCM: Xử lý nghiêm việc thả rông chó trên phố đi bộ Nguyễn Huệ
Nhiều người cố tình băng ngang đường dù có biển cấm. |
Quận 1 cho rằng việc bán hàng rong không những ảnh hưởng đến an toàn của du khách, gây mất mỹ quan đô thị mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Vì vậy quận yêu cầu Đội trật tự đô thị phối hợp với công an quận 1 giải quyết tình trạng này.
Ngoài ra, yêu cầu công an quận chấn chỉnh tình trạng xe máy băng ngang đường, gây nguy hiểm cho người đi bộ. Những ai vi phạm sẽ bị lập biên bản và xử phạt.
Về việc nhiều người dắt chó đi dạo tại phố đi bộ nhưng không rọ mõm cho vật nuôi, cũng không mang theo túi để dọn vệ sinh cho chó, vì vậy quận yêu cầu phường Bến Nghé phối hợp với đội bắt cho thả rông xử lý việc này. Quận 1 yêu cầu, trong tháng 10 phải giải quyết dứt điểm các vấn đề trên.
Không chỉ đường Nguyễn Huệ, tất cả các phường của quận 1 sẽ xử lý việc thả rông chó. |
Trước đó, Phó chủ tịch UBND quận 1 Đoàn Ngọc Hải khẳng định các đơn vị chức năng quận sẽ xử lý nghiêm việc thả rông chó. Ông Hải cho biết ai cũng có thể nuôi chó nhưng không được để ảnh hưởng đến người khác.
Một con chó được chủ thả rông bị bắt trong ngày 15/8. |
Vào ngày 15/8 vừa qua, Đội bắt chó thả rông bắt đầu ra quân xử lý các trường hợp vi phạm. Chỉ trong khoảng 2 giờ đồng hồ, đội đã bắt được 5 con không được rọ mõm, không có người nuôi bên cạnh.
Theo quy định, số chó bắt được sẽ đưa về số 31 Mai Thị Lựu (phường Đa Kao, quận 1). Tại đây, chó sẽ được chăm sóc và cho ăn uống trong vòng 72 giờ. Quá thời gian trên, nếu chủ không đến nhận lại chó theo thủ tục và nộp phạt theo từng hành vi thì cơ quan thú y sẽ xử lý.
Với các lỗi thả rông, không có chứng nhận chích ngừa, không rọ mõm, để chó phóng uế bừa bãi… người nuôi có thể bị phạt đến 1,5 triệu đồng.
Mức phạt về hành vi này được treo ở nhiều nơi tại quận 1. |
Trước khi thực hiện việc này, quận 1 đã thông báo cho các hộ dân bằng nhiều cách như qua phường, họp tổ dân phố hay dán băng-rôn tại những nơi người dân thường dắt chó đi dạo.