TP.HCM “xin thêm” quyền chủ động để phát triển
Đó là kiến nghị của ông Lê Minh Trí, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM tại hội thảo “Về đề án mô hình tổ chức chính quyền đô thị” diễn ra từ ngày 24-25/12 tại TP.HCM.
TP.HCM cần được chủ động trong cơ chế chính sách để khuyến khích đầu tư phát triển - Ảnh IT |
Ông Trí cho biết, thực trạng chính quyền đô thị tại TP.HCM là đang tổ chức bộ máy một cách bị động về mặt cơ chế lẫn kinh phí. TP.HCM đang có khoảng 10,5 triệu dân sinh sống, bao gồm khoảng 8 triệu dân có hộ khẩu và 2,5 triệu dân tạm trú, khách vãng lai. Mỗi năm, số phòng học tăng thêm của thành phố là 1.300 phòng học nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu về giáo dục.
"Do không có thẩm quyền, không thể chủ động về mặt cơ chế nên muốn xây thêm phòng học thì TP.HCM phải xin phép trung ương và đương nhiên, xin thì phải chờ rất lâu. Điều này ảnh hưởng đến tốc độ phát triển dân trí của thành phố", ông Trí giải thích thêm.
Ông Trí còn dẫn ra những mặt hạn chế kìm hãm sự phát triển của thành phố do không thể chủ động về mặt cơ chế chính sách. Chẳng hạn như, năm 2012, TP.HCM thu ngân sách vào khoảng 232.000 tỷ đồng. Bộ máy thu thuế của toàn thành phố không quá 2 lần một tỉnh khác, trong khi quy mô thu lại gấp 10 lần, khiến hệ thống thu nộp thuế trở nên quá tải và cần bổ sung thêm biên chế, trang thiết bị.
Ngoài ra, Khu Công nghệ cao TP.HCM hiện có 65 nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào. Tuy nhiên, điểm nhấn và đóng góp quan trọng vào khu công nghệ cao là Tập đoàn Intel. Theo đó, cần phải có cơ chế ưu đãi, làm thủ tục hành chính nhanh cho Intel để khuyến khích họ đầu tư, từ đây tiếp tục thu hút các nhà đầu tư lớn khác. Nhưng trên thực tế, muốn cải thiện những điều trên đều phải xin phép trung ương, gây bất cập và trì trệ.
Một năm, TP.HCM có khoảng 1.200 – 1.500 vụ khiếu nại của người dân yêu cầu được đối thoại trực tiếp với lãnh đạo thành phố. Người được phân công trực tiếp đối thoại là Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân.
“Theo quy định này thì ước tính, cả năm Chủ tịch chỉ có đủ thời gian làm đúng một việc là đối thoại với người dân để giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trong khi nhiệm vụ của Chủ tịch còn phải điều hành rất nhiều công việc khác. Sau này, đã được phép ủy quyền cho các Phó Chủ tịch. Nhưng cũng chỉ có 5 Phó Chủ tịch, vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đối thoại trực tiếp của người dân”, ông Trí nói.
Nhu cầu vốn đầu tư phát triển của TP.HCM là rất lớn, nguồn vốn phân bổ từ trung ương không thể đáp ứng đủ. Trong năm nay, thành phố thu ngân sách chỉ đạt 92% kế hoạch được giao nên vốn cho đầu tư phát triển càng hạn hẹp.
Trong khi đó, nguồn vốn huy động từ xã hội cho đầu tư phát triển vào khoảng 230.000 – 250.000 tỷ đồng và còn có khả năng tăng thêm. Nhưng muốn huy động được nguồn vốn thì cần phải có cơ chế thông thoáng cho nhà đầu tư. Theo đó, thành phố cần có một cơ chế chính sách để chủ động về mặt thẩm quyền, tài chính và đầu tư.
“Nếu cứ bị áp theo quy định chung của cả nước về các chính sách thì ngay cả có khả năng đáp ứng được nhu cầu phát triển, TP.HCM cũng không thể thực hiện được”, ông Trí khẳng định.