TP.HCM: Tiền nước dân xài, ngân sách sẽ bù
Trước những tranh luận, ý kiến của các đại biểu HĐND tại kỳ họp lần thứ 18, khoá VIII, vừa qua về tình hình thiếu nước sạch trầm trọng cho người dân TP.HCM và giá nước sạch, giá thiết bị lấy nước sạch sinh hoạt… quá đắt tiền, bà Đào Thị Hương Lan – Giám đốc Sở Tài chính cho rằng: “Ngân sách sẽ bù lãi suất, không phải hộ dân sẽ trả 100%. Phần chênh lệch, ngân sách sẽ bù…”.
Bà Đào Thị Hương Lan, Giám đốc sở Tài chính TP.HCM (áo vàng) đang trao đổi với đại biểu trong một lần HĐND họp. |
Bà Lan cho biết: “Những nơi chưa có nước sạch chủ yếu là các quận ngoại thành như: Củ Chi, Hóc Môn, quận 12… Giải pháp thành phố đưa ra là phát triển mạng đường ống dài 1.228 km, nâng cấp 28 trạm cấp nước tập trung, lắp đặt 141 đồng hồ tổng, lắp đặt 1.513 bồn nước và lắp đặt thiết bị lọc nước tại 137.251 hộ. Dự kiến nguồn vốn cho các giải pháp đó cho mục tiêu 100% dân sử dụng nước sạch sơ bộ là 22.00 tỷ đồng”.
Với số tiền quá lớn như thế, bà Hương Lan trấn an: “Bồn nước như ở huyện Hóc Môn là quá xa, dân đi khó, sẽ lắp đặt thêm theo nhu cầu của dân để rút ngắn khoảng cách và điều chỉnh linh hoạt cho hợp lý, thuận tiện cho dân. Với huyện Củ Chi thì tiến hành xã hội hoá, ngân sách sẽ hỗ trợ một phần. Còn ở các quận khác để phát triển mạng cái, mạng cấp một thì ngân sách đầu tư, mạng cấp hai thì ngân sách cấp bù lãi suất, mạng cấp ba (đưa mạng cấp hai đến từng mạng nhánh) thì đơn vị phân phối nước phải tự đầu tư”.
Cũng theo bà Hương, Tổng công ty cấp nước tự chịu nguồn vốn để lắp đồng hồ tổng. Về lắp đặt bồn nước cho các hộ dân thì ngân sách thành phố sẽ đảm bảo 100%. Lắp đặt thiết bị lọc nước là giải pháp các nơi không thể thực hiện các giải pháp nước sạch trên, dân ở quá xa, đường ống nước không thể tới được thì tiền lắp đặt sẽ vay vốn theo chương trình kích cầu, ngân sách bù lãi suất.
“Hộ dân sẽ trả vốn gốc, không phải trả trên 100% mà trả trên cơ sở giá nước và tiêu chuẩn nước tương đương như hộ dân nội thành. Ví dụ như hộ dân xài 4m3/người/tháng, một hộ là 16m3 với giá nước chuẩn là 5.300 đồng thì bình quân một tháng khoảng 115.00 đồng thì hộ dân phải trả tương đương như thế thôi còn giá cho ngân hàng thì ngân sách sẽ bù” – bà Hương nói.
Bà Hương khẳng định: “Thiết bị trên thị trường nhiều loại nên phải đấu thầu hợp lý theo tiêu chuẩn 01, nguồn gốc ở những nước tiên tiến nhất, đấu thầu công khai nên an tâm về giá chứ không chỉ định thầu”.
Ngoài ra, bà còn cho biết thêm về những hỗ trợ của thành phố trong mục tiêu 100% dân dùng nước sạch như: “Bồn nước thì ngân sách sẽ đảm bảo cho các quận huyện. Khi đấu thầu bồn nước thì sở Tài chính sẽ tạm ứng cho các quận huyện thanh toán. Thiết bị lọc nước sẽ vay ngân hàng, Sở tài chính đang làm việc với các ngân hàng để tìm nguồn có lãi suất thấp nhất, rẻ nhất”.
Về phía thường trực UBND TP.HCM, ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: “Phần chênh lệch, ngân sách thành phố cấp bù. Cần hạn chế khai nước ngầm. Thời gian không còn nhiều, UBND không vì thời gian mà làm… cẩu thả để làm tiêu tốn ngân sách, cho đấu thầu công khai. Phải cạnh tranh lành mạnh, không ưu tiên cho doanh nghiệp nào vì ngân sách là thuế của dân!”