TP.HCM: Thu phí xe máy "0 đồng" cũng không xong?
Cuộc trao đổi mang tới hy vọng
“Nếu có mức thu bằng 0, tôi nghĩ rằng nhất định HĐND TP sẽ áp dụng mức thu bằng 0” – đó là câu nói kết thúc của Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm khi trao đổi với Bộ trưởng Đinh La Thăng bên hành lang Quốc hội vào kỳ họp vừa qua về phí xe máy.
Đoạn hội thoại của hai vị này đã được báo chí đưa tin rầm rộ sau đó và người dân – đặc biệt là những người đang sống tại TP.HCM, đã bày tỏ sự ủng hộ lớn đối với quan điểm của vị Chủ tịch HĐND. Cũng từ đó họ hy vọng rằng việc “thu phí 0 đồng” sẽ được thực hiện ngay sau kỳ họp HĐND của TP tới đây.
Tuy nhiên trong văn bản của mình vào ngày 22/7, UBND TP.HCM lại kiến nghị Thường trực HĐND TP đồng ý để UBND thực hiện đúng quy định của nhà nước về thu phí đường bộ đối với xe máy. Kiến nghị này đưa ra trong bối cảnh nhiều khả năng Bộ Giao thông Vận tải sẽ kiến nghị Chính phủ dừng thu loại phí trên đã khiến nhiều người bất ngờ.
Vấn đề thu phí xe máy tại TP.HCM tiếp tục nóng trở lại. |
Chưa thể đánh giá hiệu quả việc thu phí
Ngày 30/12/2014 tại kỳ họp lần thứ 17, HĐND khóa 8 đã thông qua tờ trình của UBND TP về thu phí đường bộ. Trong báo cáo mới đây của mình, UBND TP cho biết đến thời điểm này đã tổ chức tập huấn và hướng dẫn cho 24 quận, huyện thực hiện quản lý, thu và sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ.
Tuy nhiên hiện nay hầu hết các quận, huyện mới chỉ phát phiếu chứ chưa thu loại phí này (quận 9 đã tổ chức thu từ ngày 1/6 đến 28/6 và đạt hơn 12 ngàn xe/43 ngàn xe thuộc diện phải kê khai, hiện đã dừng thu).
Đánh giá về những thuận lợi, UBND TP.HCM cho rằng dù số tiền thu được không lớn nhưng phần nào đã giảm được gánh nặng cho kinh phí duy tu, bảo trì đường bộ. Bên cạnh đó UBND cũng khẳng định việc thu phí theo mức HĐND đã thông qua là phù hợp.
Trong khi đó về phần khó khăn, UBND thừa nhận việc thu phí phụ thuộc vào sự tình nguyện của người dân, phương thức kê khai, kế hoạch tuyên truyền, số xe thực tế khác số xe quản lý trên giấy tờ… nên kinh phí thu được sẽ khó đạt được như kế hoạch đề ra.
Từ những vấn đề trên UBND TP.HCM cho rằng chưa thể đánh giá hiệu quả của việc thu phí. Tuy vậy cơ quan này vẫn kiến nghị Thường trực HĐND TP đồng ý để UBND TP thực hiện đúng quy định của nhà nước, kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy và Nghị quyết của HĐND về thu phí xe máy.
Khúc mắc phát sinh nếu thu phí "0 đồng"
Trước khi UBND TP có kiến nghị trên, Sở Giao thông Vận tải (Sở GT – VT) cũng đã có báo cáo về việc này, trong đó đã đặt ra tình huống thu phí với mức 0 đồng. Với phương án này Sở nhận định cũng sẽ có những bất cập, khó khăn dù thực chất người dân không phải đóng phí.
Lý do là khi đó UBND TP vẫn phải tổ chức thu theo mức phí 0 đồng, từ đó dẫn đến việc các quận, huyện vẫn phải tốn thời gian công sức và cả tiền bạc để thực hiện kê khai, mua biên lai (dự kiến gần 1 tỷ đồng/năm) hay quyết toán với cơ quan thuế…
Bên cạnh đó quy định hiện nay cho phép xe của địa phương khác có thể đăng ký nộp phí tại TP.HCM. Điều này có thể dẫn đến tình trạng họ đổ dồn về đây kê khai, khi đó TP vừa phải tăng khối lượng công việc trong khi các tỉnh khác lại mất nguồn thu.
Tóm lại, nếu thực hiện thu theo mức phí 0 đồng thì không những TP không thu được tiền, mà ngược lại còn phải bỏ ra một khoản lớn để chi phí cho bộ máy thực hiện việc kê khai, quản lý.
Từ những lý do trên, Sở GTVT kiến nghị UBND TP có tờ trình kiến nghị HĐND TP tiếp tục triển khai thu phí. Sau năm 2015 sẽ tiến hành phân tích, đánh giá từ đó đề xuất với Trung ương dừng hẳn việc thu phí.
Trước đó HĐND TP.HCM đã thông qua việc thu phí theo mức 50.000 đồng/năm đối với xe có dung tích xylanh đến 100 cm3; 100.000 đồng/năm đối với xe trên 100 cm3 - 175 cm3; 150.000 đồng/năm đối với xe trên 175 cm3.
Các loại xe sau sẽ được miễn thu phí: Xe của lực lượng công an, quốc phòng; xe của chủ phương tiện là hộ nghèo (theo quy định về hộ nghèo tại TP.HCM); xe của học sinh, sinh viên các trường đóng tại địa bàn TP.HCM; xe của người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng.
Theo thống kê, số xe máy đăng ký ở TP.HCM tính đến hết năm 2014 là 6.853.485 xe. Nếu thu được phí từ số xe này thì số tiền sẽ vào khoảng 307 tỉ đồng/năm. Trừ đi chi phí để lại cho đơn vị thu là 35,9 tỉ đồng, thì kinh phí thực hiện công tác bảo trì đường bộ sẽ còn lại khoảng 271 tỉ đồng.