TP.HCM: Thu phí ô tô vào trung tâm có thể giúp tiết kiệm 245 ngàn tỷ đồng?
Lưu lượng ô tô ngày một tăng cao tại trung tâm thành phố. Ảnh minh họa: Sỹ Đồng |
Đóng góp ý kiến tại buổi làm việc, luật sư Trương Thị Hòa cho rằng, dự thảo còn vướng một số vấn đề về pháp lý. Hện luật chỉ quy định ba loại phí, trong đó không có phí chống ùn tắc giao thông.
Bà Hòa đề nghị đơn vị tư vấn phải nói rõ hơn về hiệu quả, tính khả thi của dự án, đánh giá các tác động xã hội… bởi hiện nay người dân đã chịu quá nhiều loại phí, do vậy có thể dẫn đến tình trạng phí chồng phí.
Luật sư Hòa đánh giá đề án này tương đối sơ sài, chưa đồng bộ với các phương án chống ùn tắc. Việc đề án chỉ áp dụng cho quận 1 và 3 là chưa khả thi.
Trong khi đó TS Đồng Văn Khiêm nhận định, đây là đề án có nhiều ý tưởng mới, tâm huyết, tuy nhiên nếu thực hiện cần có sự đồng thuận của người dân và quyết tâm lớn của lãnh đạo vì ảnh hưởng đến nhiều người.
Ông nhấn mạnh, mục đích lớn nhất của đề án không phải là thu phí để tăng nguồn thu, mà là giảm ùn tắc giao thông, trong khi đó nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc là do ý thức của người dân. Do vậy phải thay đổi vấn đề này.
Ông lo ngại việc tăng phí sẽ khiến các mặt hàng tăng giá. Ngoài ra, dù mục đích của đề án là hạn chế phương tiện cá nhân nhưng thực tế phương tiện công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu người dân. Dự tính đến năm 2020 tuyến metro số 1 mới hoạt động, trong khi xe buýt không có đường riêng nên khó đúng giờ, do vậy có thể người dân lại chuyển sang đi xe máy. Mục tiêu hạn chế xe cá nhân vì thế sẽ không đạt.
TS Đồng Văn Khiêm nêu ý kiến. |
Trong khi đó đại diện phòng CSGT - Công an TP.HCM cũng bày tỏ băn khoăn về các cổng thu phí tại những tuyến đường trục chính. Điều này có thể gây hiểu nhầm với các trạm BOT nếu ở gần.
Tiếp thu các ý kiến đóng góp, ông Lâm Thiêu Quân (đơn vị đề xuất dự án) cho hay, trong quá trình xây dựng, đề án này đã được các chuyên gia nước ngoài tư vấn, đồng thời đơn vị đã thu thập các thông tin về lưu lượng phương tiện, các loại xe… để đánh giá mức độ tác động.
Ông Quân chia sẻ rằng, chỉ thu phí trong giờ cao điểm (là lúc cấm xe tải lưu thông vào trung tâm) nên sẽ không ảnh hưởng đến giá hàng hóa.
Đề cập đến hiệu quả kinh tế, ông Quân nhận định: Sau khi triển khai thu phí, dòng phương tiện sẽ đi nhanh hơn 10%. Kèm với một số lợi ích khác phát sinh khi ùn tắc giảm. Trong 15 năm, thành phố có thể tiết kiệm 245.000 tỷ đồng.
Cũng theo ông Quân, đề án đang ở giai đoạn đề xuất và sẽ được làm chi tiết hơn khi tiến hành nghiên cứu khả thi.
Theo đề án, phạm vi thu phí là hầu hết khu vực quận 1, 3. Để thực hiện, thành phố sẽ xây dựng 34 cổng thu phí và một trung tâm điều hành trị giá khoảng 1.500 tỷ đồng, thời gian thu từ 6h-9h và 16h-19h.
Mức thu phí từ 40.000 đồng đối với ô tô cá nhân; từ 30.000 đồng - 50.000 đồng tùy từng loại phương tiện khác (xe biển xanh vào trung tâm vẫn phải nộp phí, trừ xe công vụ ưu tiên theo quy định (cấp cứu, hộ đê, chữa cháy…), tiền thu được sẽ dùng để phát triển giao thông công cộng.