TP.HCM: Quận 9 xin hoàn lại phí xe máy đã thu cho người dân
Chiều ngày 28/7, HĐND TP.HCM tiếp tục kỳ họp thứ 18, khóa VIII với phiên thảo luận tại tổ.
“Lộng cộng” cách thu, phí tên gì…?
Đại biểu Lâm Thiếu Quân đề nghị TP.HCM nên xem lại hoạt động vận tải hiện nay. Theo ông: “Vấn đề ùn tắc giao thông không có ùn tắc trên 30 phút là số liệu không chính xác, “không thể tin”. Ngày 16/1 vừa qua, có một cuộc kẹt xe trên Xa Lộ Hà Nội từ 4 giờ sáng đến 11 giờ trưa, là 6 giờ. Hôm sau, kẹt khoảng 3 giờ. Ngày nào tôi đi làm, tại Nguyễn Văn Linh và Huỳnh Tấn Phát cũng kẹt trầm trọng. Xem xét lại phương pháp đo và thiết bị đo lường. Tại Xa Lộ Hà Nội có rất nhiều xe dừng hai bên đường. Dù có biển cấm, 4-6 giờ xe dừng nhiều, do xe hư hay như thế nào không biết. Lực lượng chức năng ở đâu tôi không hiểu mà không theo soát”.
Đại biểu Lâm Thiếu Quân. |
Đại biểu Lâm Thiếu Quân nói tiếp: “Lệ phí cấp giấy đăng ký không có, phí quản lý giao thông là như thế nào?! Phí lại lồng ghép vào giảm ùn tắc giao thông thì không đúng bản chất của phí”.
Và “Toàn bộ nộp vào ngân sách thì “nó” đi vào ngân sách chứ đâu giúp giảm ùn tắc giao thông. Muốn giảm phương tiện cá nhân nên có quỹ hỗ trợ phương tiện vận tải hành khách công cộng thì hợp lý”.
Cũng theo đại biểu này, việc thu phí giao thông là tăng ngân sách cho trung ương chứ không phải cho địa phương, ta nên xem lại là có nên làm hay không và nó có đúng bản chất phí và lệ phí hay không? Khó khăn lớn nhất từ các tỉnh vừa qua là không có quy định xử phạt hữu hiệu, không có hệ thống CNTT đi kèm để quản lý cái này, làm bằng giấy bằng tay nên khả năng thất thoát và mất mát, tiêu cực.
Có ý kiến khác về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Văn Đua thì cho rằng: “Thu phí qua xăng dầu hay qua phương tiện đã “nát nước” rồi. Rõ ràng rằng TP.HCM phải huy động nguồn lực trong xã hội để phát triển mạng lưới giao thông, hệ thống giao thông chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế. Muốn thu đúng đối tượng, nhanh gọn, chính xác thì nên hành thu cho tốt. Không phải thu mới duy trì giao thông đường bộ tại TP.HCM, có nhiều phương thức để huy động phát triển giao thông. Cần công khai, minh bạch khi thu”.
HĐND TP.HCM – Nếu có quyền, sẽ không thu!
Đại biểu Trần Trọng Dũng nhấn mạnh: “Nên nêu ý kiến người dân là nên tạm dừng thì tốt hơn”.
Đại biểu Văn Đức Mười khẳng định về việc thu phí hiện nay: “Hành thu tốn kém và chưa đạt hiệu quả, chưa hợp lòng dân thời điểm hiện tại”.
Và ông cũng yêu cầu với HĐND TP.HCM: “Nếu chưa đúng thì chúng ta nên kiến nghị dừng thu, còn nếu mức thu bằng 0 thì bộ máy hành thu rất tốn kém. Tôi đi tiếp xúc cử tri thì rất nhiều người không đồng tình, người tự giác đóng không nói, người thì không tự giác, thu tuỳ tiện là không được. Tôi kiến nghị nên dừng. Bộ trưởng Đinh La Thăng trình Chính phủ là dừng, không thu là đúng! Nhọc nhằn như thế này là rất khó!”.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM. |
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM thì nói: “Phí bảo trì đường bộ trên đầu phương tiện mô tô có nhiều tranh luận. Mang tính không hợp lý. Các tỉnh thu khó khăn và đang giảm do hành thu, tự khai tự nộp, các tỉnh thu rất khó khăn. Nếu HĐND có thẩm quyền sẽ đưa ra quyết định không thu”.
Tuy nhiên, bà cũng cho biết: “Nếu chúng ta đề xuất dừng ngay thì rất khó. Báo chí cũng nên thông tin chính xác. TP.HCM thu phí mức 0 đồng là không chính xác. Làm gì có chuyện đó”. Theo bà Tâm thì TP và người dân rất tuân thủ pháp luật, còn đóng góp ý kiến [bỏ thu phí] là việc khác.
Trong khi đó bà Đặng Thị Hồng Liên (Phó chủ tịch HĐND quận 9) cũng cho rằng bây giờ triển khai thu lại là rất khó [quận 9 đã thu được 1,2 tỷ đồng và tạm ngưng] vì người dân qua báo chí đã biết nhiều địa phương kiến nghị ngừng thu. Từ đó bà Liên đề nghị không thu trong năm 2015 mà nên chờ đến 2016 để xem ý kiến của Chính phủ.
Bà Đặng Thị Hồng Liên còn mạnh dạn “xin phép được hoàn trả lại [tiền phí đã thu] cho người dân”. Tuy nhiên đại diện của Sở Tài chính có mặt trong phiên thảo luận không phụ trách vấn đề này, nên chưa thể trả lời bà Liên những vấn đề liên quan.