TP.HCM muốn “đổi” đất lấy nhà máy xử lý nước thải 500 tỷ đồng
Vào năm 2013 Suối Nhum từng cuốn trôi và làm tử vong một sinh viên đại học. |
Theo TP, hiện Suối Nhum, suối Xuân Trường, suối Gò Cát và một nhánh nước thải của huyện Dĩ An tỉnh Bình Dương đang đổ vào Khu Công nghệ cao (quận 9) và gây ra ô nhiễm môi trường trầm trọng, ảnh hưởng tới các nhà đầu tư tại đây.
Dù TP đã làm nhiều biện pháp để giải quyết tình trạng này nhưng nguồn vốn ngân sách ngày càng hạn hẹp, trong khi nhu cầu xử lý nước thải, bảo vệ môi trường là rất lớn, rất cấp bách.
Vì vậy, TP xin ý kiến về việc sẽ xây dựng Nhà máy xử lý nước thải có công suất 65.000m3/ngày-đêm trên diện tích đất xây dựng là 11.891m2. Ngoài ra còn có sân, đường nội bộ, cây xanh cảnh quan dùng làm khoảng cách ly với diện tích 27.346m2. Các khu đất này nằm trong diện tích 39.237m2 đã cơ bản đã được giải phóng mặt bằng.
Tổng mức đầu tư cho dự án khoảng 522 tỉ đồng, trong đó vốn huy động của nhà đầu tư chiếm từ 20 - 30%, số còn lại sẽ được vay và huy động từ các nguồn khác. Công trình sẽ xây dựng trong 14 tháng.
TP cũng cho biết sẽ thanh toán cho nhà đầu tư bằng quỹ đất tương đương 180 tỷ đồng. Bù lại nhà đầu tư sẽ xây dựng, lắp đặt thiết bị và vận hành trong khoảng thời gian 15 năm để thu hồi vốn.
Nhà đầu tư đề xuất giá xử lý và chi phí vận hành khởi điểm là 3.228 đồng/m3 cho năm đầu tiên và tăng 10% theo lộ trình mỗi 3 năm. Tuy nhiên TP cho rằng đây là mức giá này là tạm tính, đơn giá xử lý chính thức sẽ được xác định trong quá trình đàm phán hợp đồng dự án.
Dự án Nhà máy xử lý nước thải suối Nhum được duyệt đầu tư từ nguồn vốn ngân sách TP, tuy nhiên do khó khăn nên năm 2013 đã phải kiến nghị Thủ tướng và Bộ Kế hoạch và Đầu tư chấp thuận cho chuyển đổi hình thức đầu tư và chỉ định Nhà đầu tư thực hiện dự án.