TP.HCM muốn có một nghị quyết của Quốc hội về cơ chế đặc thù của TP
Những cơ chế hiện nay chưa đủ đáp ứng cho sự phát triển của TP.HCM. |
Cho nhiều, nhưng cũng “ràng” lại
Trong cuộc hợp báo ngày 15/6 tại UBND TP.HCM, cơ chế đặc thù về tài chính cho TP tiếp tục được các phóng viên nêu ra.
Trao đổi lại, Chánh văn phòng UBND TP Võ Văn Hoan cho biết đã so sánh 2 nghị định của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù giữ TP.HCM và Hà Nội thì thấy rằng “cơ bản giống nhau”.
“Cũng có một số điểm khác nhau nhưng nói chung là TP bất lợi hơn, không được như Hà Nội. Nghiên cứu nghị định của TP thì có nhiều cái thấy cho nhưng cũng có những cái khác ràng lại, mà tính chung quy thì so với trước đây thì không được cởi mở lắm” – ông Hoan nói.
Theo ông Chánh văn phòng, trước tình hình đó Thành ủy đang chỉ đạo UB làm việc với các ngành để vận dụng các cơ chế và tình hình thực tế, từ đó kiến nghị tiếp cơ chế để TP phát triển về “cả kế hoạch đầu tư, tổ chức bộ máy, phân cấp ủy quyền và tiếp tục đặt vấn đề về tài chính”.
“Kỳ này có nghiên cứu đề xuất rằng không phải là chỉ một nghị định của Chính phủ. UBTP báo cáo Ban thường vụ Thành ủy và cơ bản thống nhất rằng cần phải mạnh mẽ hơn, đó là một nghị quyết của Quốc hội về những cơ chế, chính sách đặc thù cho TP như đã nói ở trên” – Chánh văn phòng TP cho hay.
“Như vậy để chúng ta có thể thực hiện được, chứ cơ chế ở cấp nghị định thì dưới luật dữ lắm, không thể thực hiện được” – ông Hoan tiếp tục.
Cũng theo ông Hoan, có những điều TP “xin thêm” do hiện nay khi thi hành đang vướng luật, nhưng có những cái áp dụng từ luật để đề xuất.
“Luật Chính quyền địa phương cho phép một số địa phương có quyền và thẩm quyền, nhưng trong một số nghị định hướng dẫn không ai bàn tới, các bộ không tham mưu chỗ đó. Do vậy chính quyền địa phương phải chủ động đề xuất. Trên tinh thần đó TP sẽ nghiên cứu các điểm mà trong luật đang cho phép mà không ai tham mưu” – ông Võ Văn Hoan chia sẻ.
Cụ thể, TP sẽ đề xuất được xây dựng và quản lý thu một số loại phí. Theo TP, trong Luật Phí - Lệ phí hiện quy định rằng chính quyền địa phương chỉ được thu theo danh mục đã định, nhưng với đặc điểm của đô thị thì có những loại công việc, hành vi, hoạt động phát sinh mà trong Luật không nêu.
“Mình sẽ kiến nghị để được xây dựng, tổ chức, quản lý và sử dụng các nguồn thu phát sinh thêm ngoài danh mục đã có” – Chánh văn phòng cho biết.
Đồng thời TP muốn được chủ động sử dụng các địa chỉ nhà đất để đem bán đấu giá, vì cho rằng điều này là “hoàn toàn đúng”.
Chánh văn phòng UBND TP.HCM Võ Văn Hoan |
TP được tham gia thực hiện các dự án PPP
Theo Nghị định số 48/2017/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP.HCM, thì nơi này được Chính phủ ưu tiên bố trí vốn ODA và nguồn vốn ưa đãi để đầu tư các chương trình, dự án xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị, môi trường và chương trình, dự án có khả năng thu hồi vốn.
Ngoài ra, để sử dụng có hiệu quả quỹ đất thuộc TP quản lý, UBND TP được tạm ứng từ nguồn ngân sách thành phố hoặc từ nguồn vay theo quy định cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng thuộc nhiệm vụ đầu tư của ngân sách để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất. Sau khi thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất sẽ thu hồi hoàn trả ngân sách hoặc hoàn trả nguồn vốn vay.
Căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách địa phương, TP cũng được tham gia thực hiện dự án PPP theo các hoạt động: Góp vốn để hỗ trợ xây dựng công trình (đối với dự án có hoạt động kinh doanh, thu phí từ người sử dụng, nhưng khoản thu không đủ để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận); thanh toán cho nhà đầu tư cung cấp dịch vụ theo hợp đồng BTL, hợp đồng BLT; hỗ trợ xây dựng công trình phụ trợ, tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư.