TP.HCM: Mục tiêu 500.000 doanh nghiệp lại bị “dội những gáo nước lạnh”
Theo báo cáo tình hình KTXH của UBND TP.HCM, trong 6 tháng đầu năm, nơi này có khoảng 20.000 doanh nghiệp thành lập mới. Dẫu vậy, cũng trong thời gian này có gần 9.000 doanh nghiệp ngưng hoạt động, phá sản.
“Trấn an” về con số này, trong cuộc họp báo vào giữa tháng 6, bà Trần Thị Bình Minh, Phó giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư cho rằng, trong 6 tháng đầu năm đã có tới 2 tháng sát dịp Tết, và đó là thời gian mọi người gần như không thành lập doanh nghiệp.
Chính vì vậy bà đưa ra nhận định rằng con số này sẽ tăng vào những tháng cuối năm nên mục tiêu 50.000 doanh nghiệp vào năm 2017 là khả thi.
Tuy nhiên trong cuộc họp HDNĐ vừa diễn ra tuần trước, vấn đề này tiếp tục được các đại biểu nên ra trong những cuộc thảo luận.
Đại biểu Vương Đức Hoàng Quân. |
Trình bày quan điểm, ông Vương Đức Hoàng Quân – người từng giữ chức Phó tổng giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước thành phố, đưa ra một con số giả định cho rằng, hiện TP có 10 triệu dân, trong đó số người trong độ tuổi lao động (từ 19 – 64 tuổi) chiếm khoảng 60%, tương đương với 6 triệu người.
Tiếp tục, ông Quân “tạm tính” rằng giáo viên, người công tác trong lực lượng vũ trang, viên chức… chiếm khoảng 1 triệu người nữa. “Như vậy số người thực tế còn lại khoảng 5 triệu” – ông Quân cho hay.
“Với 5 triệu dân mà chúng ta đặt ra mục tiêu phát triển 500.000 doanh nghiệp, đồng nghĩa rằng mỗi doanh nghiệp trung bình chỉ có quy mô … 10 người”.
“Nếu chúng ta hướng tới mục tiêu xây dựng TP có đặc trưng là những doanh nghiệp siêu nhỏ thì có băn khoăn không? Cá nhân tôi băn khoăn. Nghiên cứu của tôi cho thấy năng suất, hiệu quả tỷ lệ thuận với quy mô doanh nghiệp” – ông Quân tiếp tục.
Lấy ví dụ về việc Samsung có tới 130.000 công nhân tại Việt Nam, ông Quân cho rằng TP nên hướng tới việc thành lập những doanh nghiệp như thế, thậm chí là hơn thế, hoặc cũng phải là doanh nghiệp có quy mô trung bình.
Từ đó ông đưa ra nhận định rằng TP nên xem xét lại con số 500.000. Bởi thay vì cố gắng đạt được số lượng này, TP nên tập trung vào tăng quy mô doanh nghiệp bằng cách tạo những điều kiện thuận lợi hơn.
“Khi tăng quy mô họ mới có điều kiện tích lũy vốn, công nghệ và tri thức để đủ sức cạnh tranh với nước ngoài, mà đây là cạnh tranh ngay tại TP” – ông chia sẻ.
Ngoài ra ông Quân còn nêu lên những lo ngại về số doanh nghiệp thành lập mới và phá sản.
Theo ông: “Một doanh nghiệp thành lập mới thì 5 năm đầu không có lãi, 10 năm sau mới biết có tồn tại hay không. Như vậy chúng ta nên tập trung hỗ trợ để các doanh nghiệp đang hoạt động không đóng cửa và hoạt động mạnh hơn nữa thì tốt hơn là tập trung vào con số 500.000 doanh nghiệp thành lập mới”.
Đồng tình với nhận định này, đại biểu Phan Thị Hồng Xuân cho rằng số lượng doanh nghiệp không quan trọng bằng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Theo bà, TP cần hỗ trợ mạnh để các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh.
Trong khi đó đại biểu Võ Thị Ngọc Thúy nhìn nhận rằng TP có thể đạt được mục tiêu 500.000 doanh nghiệp, nhưng vấn đề là sẽ có bao nhiêu doanh nghiệp thuộc các ngành TP đang định hướng phát triển.
Trong 5 tháng đầu năm, TP có 18.030 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 227.514 tỷ đồng. Ngoài ra, có 26.137 lượt doanh nghiệp đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, trong đó vốn điều chỉnh bổ sung tăng 265.165 tỷ đồng.
Phân theo loại hình doanh nghiệp thành lập mới: Công ty TNHH một thành viên chiếm tỷ trọng cao nhất (58,3%); tiếp theo là Công ty TNHH hai thành viên trở lên chiếm 28,7%; Công ty cổ phần chiếm 11,5%; Doanh nghiệp tư nhân chiếm 1,5%; Công ty hợp doanh chiếm 0,01%.
Phân theo ngành nghề kinh doanh chính: Kinh doanh bất động sản chiếm tỷ trọng cao nhất (40%) với vốn đăng ký 90.971,1 tỷ đồng; tiếp theo Buôn bán, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy là chiếm 19,7% với vốn đăng ký 44.761,5 tỷ đồng; Xây dựng với vốn đăng ký 35.386,1 tỷ đồng chiếm 15,5%.
Cũng trong thời gian này có 8.992 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, khóa mã số thuế.