TP.HCM lo ngại "dính đòn oan” từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung
Chủ tịch UBND TP.HCMNguyễn Thành Phong nhận định thành phố sẽ chịu tác động từ "cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung". |
Thông tin tại buổi họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết, hiện Mỹ và Trung Quốc là hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của TP.HCM. Trong giai đoạn 2013 – 2017, xuất khẩu vào Trung Quốc tăng trung bình 19%/năm, trong khi Mỹ là 8,4%/năm.
Trong năm 2017, giá trị xuất khẩu vào Trung Quốc đạt 5,5 tỷ USD, chiếm 18,6% giá trị kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn. Con số này vào thị trường Mỹ là 5,7 tỷ USD.
“Cuộc chiến thương mại sẽ tác động đến nền kinh tế của thành phố” – ông Phong nhận định.
Báo cáo tại cuộc họp, Tiến sĩ Nguyễn Văn Trình – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP nhận định rằng rất khó dự báo “cuộc chiến” này bởi nó có thể leo thang liên tục nhưng cũng có thể dừng lại.
“Nếu thiệt hại nặng họ sẽ xuống thang. Do vậy chúng ta phải theo dõi thường xuyên” – ông Trình nói.
Về các giải pháp cụ thể, ông Trình đề nghị Sở Công Thương lên danh mục các mặt hàng Trung Quốc bị Hoa Kỳ đánh thuế trong đợt sau (áp thuế 10% khối lượng hàng - tương đương 200 tỷ USD) vì đây là những mặt hàng tương đồng với hàng hóa thành phố đang sản xuất.
Từ đó Cục Hải quan thành phố xem xét những mặt hàng biến động trong thời gian gần đây để nắm xem liệu có việc các công ty Trung Quốc né thuế bằng cách chuyển hàng qua con đường Việt Nam hay không.
Cũng theo ông Trình, không loại trừ tình trạng các công ty Trung Quốc đã sản xuất hoàn chỉnh các bộ phận, sau đó đưa sang Việt Nam lắp ráp và mời người đến chứng kiến để xác nhận nguồn gốc xuất xứ. Nếu có việc này, phải cảnh báo ngay.
Ông Trình kiến nghị Cục Hải quan thành phố phải xem xét rõ nguồn gốc, xuất xứ các loại hàng, nếu không khi phát hiện ra chiêu trò Mỹ sẽ áp thuế lên tất cả các mặt hàng Việt Nam xuất sang.
“Thâm hụt thương mại Mỹ - Việt hiện đã ở mức 39 tỷ USD (Việt Nam xuất siêu), nếu con số này tăng hơn thì Mỹ có thể áp chiến tranh thương mại với chính Việt Nam” – ông Trình lo ngại.
“Khi chiến tranh thương mại xảy ra, tỷ giá của Nhân dân tệ giảm rất mạnh. Đến nay đã giảm từ 9 – 10%, trong khi tiền Việt Nam đồng chỉ giảm khoảng 3%. Tỷ giá này gây bất lợi cho hàng Việt Nam so với Trung Quốc, đẩy hàng Trung Quốc về Việt Nam nhiều hơn. Khi đó sức cạnh tranh của hàng hóa chúng ta sẽ giảm. Tuy nhiên, nếu mình phá giá thì lại đối mặt với lạm phát” – ông Trình chia sẻ thêm về thế khó của Việt Nam.