TP.HCM kiến nghị Thủ tướng tăng thời hiệu xử lý kỷ luật lên 5 và 10 năm
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân từng chia sẻ rằng:"Phải xử lý kỷ luật như vậy rất là đau, rất là buồn, nhưng khi có sai sót thì phải đánh giá công bằng và phải xử lý kỷ luật" |
Theo thành phố, hiện nay Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức; Nghị định số 34/2011 của Chính phủ về xử lý kỷ luật đối với công chức, và Nghị định số 27/2012 của Chính phủ về xử lý viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức quy định thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức là 24 tháng kể từ thời điểm có hành vi vi phạm.
Tuy nhiên điều này gặp phải hạn chế là khi phát hiện hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức thì đã quá thời hiệu xử lý kỷ luật nên không bị xử lý. Do đó thành phố kiến nghị cần tăng thời hiệu xử lý kỷ luật (5 năm đối với kỷ luật khiển trách và 10 năm đối với hình thức kỷ luật khác).
Liên quan đến vấn đề này, theo số liệu của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM, trong 6 tháng đầu năm 2018, cấp ủy các cấp đã yêu cầu 103 tổ chức đảng và 179 đảng viên chấn chỉnh, khắc phục, sửa chữa hạn chế, khuyết điểm.
Ủy ban Kiểm tra Thành ủy cũng tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy xem xét, thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với 1 tổ chức đảng. Ban Thường vụ Quận ủy thi hành kỷ luật 1 tổ chức đảng.
Ngoài ra còn có 201 đảng viên bị thi hành kỷ luật, gồm 154 trường hợp (hơn 76,6%) bị khiển trách, 37 trường hợp (hơn 18,4%) bị cảnh cáo, 5 trường hợp (gần 2,5%) bị cách chức và 5 trường hợp bị khai trừ (gần 2,5%).
Điều 3 Quy định 102/2007 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên, thời hiệu xử lý kỷ luật đảng được quy định thời hiệu xử lý kỷ luật như sau: 5 năm đối với những hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách. 10 năm đối với những hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức. Không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật đảng đối với những hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khai trừ; vi phạm về chính trị nội bộ; về an ninh, quốc phòng, đối ngoại có xâm hại đến lợi ích quốc gia và việc sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận không hợp pháp. |