TP.HCM kiến nghị cơ chế được tự thành lập, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc tại TP.HCM |
Nhiều cán bộ còn trông chờ nhà nước bao cấp
Báo cáo tại đây, Phó chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho biết, TP hiện có 1.871 đơn vị SNCL, với số lượng nhân sự khoảng 119.000 người.
Theo ông, sau 10 năm thực hiện chủ trương xã hội hóa dịch vụ công như giáo dục, y tế, giao thông đô thị, TP đã huy động được nguồn vốn cho đầu tư phát triển.
Tuy nhiên TP vẫn còn một số hạn chế về cơ chế quản lý tài chính, phương thức hoạt động của các đơn vị. Đặc biệt là tư duy của một số cán bộ, viên chức vẫn còn trồng chờ vào sự bao cấp của nhà nước.
Trong khi đó, báo cáo về tình hình tài chính, Giám đốc Sở Tài chính Phan Thị Thắng cho biết năm nay dự kiến tỉ lệ chi thường xuyên sẽ giảm xuống còn 48%, so với 53% của năm 2016.
Cũng theo bà Thắng, tới năm 2018 dự kiến TP sẽ có 55 bệnh viện sẽ tự chủ được chi phí thường xuyên. Với các đơn vị sự nghiệp ngành văn hóa, thể thao và du lịch thì phải tới năm 2021 mới có từ 30 - 40% đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên, trong khi các đơn vị sự nghiệp khác sẽ có khoảng 60% bảo đảm được nguồn chi này.
“Hiện các đơn vị trong lĩnh vực giáo dục đào tạo chiếm 76% tổng số đơn vị công lập, nhưng đến nay mới có 0,7% bảo đảm chi thường xuyên” – Giám đốc Sở Tài chính Phan Thị Thắng thông tin thêm.
Liên quan tới giáo dục và đào tạo, ông Lê Văn Làm - Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM cho rằng năm học 2017-2018 TP sẽ tăng khoảng 60.000 học sinh các cấp.
Dù Sở đã xây dựng kế hoạch bổ sung nhân sự để trình Bộ Nội vụ nhưng Bộ vẫn chưa giao số lượng người làm việc cho TP trong lĩnh vực giáo dục, y tế. Do đó TP đã tạm phân công về các trường học, bệnh viện.
Cùng với gia tăng dân số, lượng học sinh các cấp cũng tăng nhanh trong những năm gần đây. |
Thí điểm hợp tác công tư trong y tế cơ sở
Cũng tại buổi họp, Trạm trưởng trạm y tế phường 11, quận 3 – nơi đầu tiên trong cả nước thực hiện thí điểm hợp tác công tư trong vận hành trạm y tế cấp phường, xã cho rằng mô hình này mang lại những thay đổi rõ rệt.
Cụ thể, ngoài việc doanh nghiệp đầu tư thêm trang thiết bị máy móc, thì hai bên còn phối hợp thực hiện y tế dự phòng; khám chữa bệnh theo quy định của nhà nước và có cả dịch vụ chất lượng cao.
Nêu ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho rằng dù đã có đề án với mục tiêu đẩy mạnh xã hội hóa trong y tế và giáo dục. Tuy nhiên do những quy định hiện hành chưa hoàn chỉnh nên rất dễ bị “thổi còi”.
Đánh giá tốt mô hình hợp tác trên, ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh rằng, dù chính quyền không có chủ trương phân biệt giữa các đơn vị sự nghiệp công – tư, nhưng phải rành mạch trong hợp tác, phân chia nguồn thu cho hợp lý.
Cũng theo Phó Thủ tướng việc đổi mới, sắp xếp lại các đơn vị SNCL không phải là cắt giảm số lượng đơn vị mà cốt lõi là xóa bỏ bất cập, lãng phí ngân sách, tinh giản biên chế… để nâng cao năng lực, chất lượng trong cung ứng dịch vụ công.
Để góp phần thực hiện nhanh chóng mục tiêu trên, ông đề nghị TP xây dựng danh mục các loại hình dịch vụ công cần sử dụng 100% ngân sách và danh mục dịch vụ công không sử dụng ngân sách.
Ông cho rằng đây sẽ là tiền đề cho các đơn vị sự nghiệp công lập triển khai đổi mới hoạt động.
Trong buổi làm việc này, TP.HCM đã kiến nghị Chính phủ phân cấp cho HĐND TP được quyết định số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập của TP.
Ngoài ra TP cũng muốn được quyết định tỷ lệ trích nguồn cải cách tiền lương từ nguồn thu của các đơn vị SNCL (thuộc TP).
Đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phân cấp cho TP được thành lập, tổ chức lại, hoặc giải thể các đơn vị SNCL trực thuộc, để phù hợp với đặc thù của một đô thị đặc biệt.