“TP.HCM không xin cơ chế đặc thù mà xin cái bình thường của mọi đô thị”
Tiến sĩ Trần Du Lịch - Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM |
Buổi làm việc này có sự tham gia của ông Đinh La Thăng – Bí thư Thành ủy TP.HCM, ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Nguyễn Đức Hải – Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (Ủy ban) cùng nhiều cán bộ sở ngành tại TP.HCM.
Dù đây thực chất là buổi báo cáo của TP.HCM với Ủy ban về tình hình thu chi ngân sách nhưng bà Phan Thị Thắng – Giám đốc Sở Tài chính TP đã “tranh thủ” đưa ra những kiến nghị về tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách và một cơ chế tài chính đặc thù nhằm tăng nguồn thu cho TP.
Trong khi đó ông Đinh La Thăng cũng tiếp tục nhấn mạnh về việc TP cần “một chiếc áo mới phù hợp hơn” để “tạo ra chiếc bánh to hơn” từ đó nộp về Trung ương nhiều tiền hơn “chứ không phải xin giữ cho mình”.
Thành phố không xin cái đặc thù
Có mặt trong buổi làm việc với tư cách khách mời, Tiến sĩ Trần Du Lịch cũng đã có những chia sẻ với Đoàn làm việc về những kiến nghị của TP.HCM, những kiến nghị mà theo ông TP đã đeo đuổi nhiều năm qua nhưng chưa được chấp thuận.
“Có lẽ TP không xin cái đặc thù mà xin cái bình thường của mọi đô thị trên thế giới. Đó là tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của địa phương, cái bình thường nhưng lâu nay ta làm cái cá biệt thành ra nó lạ lùng” – câu nói mở đầu của ông Lịch khiến một số người mỉm cười.
Ông Lịch bày tỏ sự cảm thông với TP “vì quá bức xúc” nên đã đưa ra những kiến nghị trên, dù biết rằng trong buổi làm việc này Ủy ban không có mục đích và cũng không phải là cơ quan giải quyết những đề xuất của TP.
“TP bị ép ngân sách quá lớn thành ra phải kêu, mà kêu có cái trúng có cái trật” – ông Lịch cho hay.
Về việc TP xin tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách từ năm 2017 và giữ nguyên trong 10 năm, ông Lịch cho biết vấn đề này đã được ông nêu trước Quốc hội khi làm Luật ngân sách. Cụ thể khi đó ông đã đòi hỏi mọi người lý giải việc tại sao Hà Nội được giữ lại tới 41% mà TP.HCM chỉ được để lại có 23% thu ngân sách.
“Bởi vì các anh xin chi trước rồi mới tính, tức là chi thì đi xin cái đã, tổng chi bao nhiêu, thống nhất rồi mới tính ngược lại, trong khi đáng lý theo luật thì phải tính tổng thu bao nhiêu còn việc cấp bao nhiêu đưa Quốc hội quyết” – ông Lịch nhận định.
Cũng theo ông Lịch, Quốc hội khóa 13 làm các luật đều rất tiến bộ trừ Luật Ngân sách. “Xin lỗi, tôi thất bại trong vấn đề nói cái này, báo cáo để các đồng chí biết” – ông Lịch thể hiện sự thất vọng.
Tiến sĩ Trần Du Lịch: "Tại sao anh lại nhảy vô bảo lãnh rồi hạn chế cái này, hạn chế cái kia? |
Chỉ có Việt Nam không làm!
Đề cập đến cơ chế chung cho TP, ông Lịch nêu cụ thể việc Luật Chính quyền địa phương đưa ra 3 cơ chế, trong đó Điều 11, khoản 3 là nguyên tắc vận dụng cho Chính quyền địa phương; Điều 12 là phân quyền; Điều 13 là phân cấp; Điều 14 là ủy quyền.
Từ đó ông Lịch nói: "Đề nghị Luật Ngân sách cũng làm rõ 3 cái đó, cái nào phân quyền, cái nào ủy quyền, cái nào phân cấp. Trong khi đó Luật Ngân sách cực kỳ bảo thủ, chỉ giao địa phương mà không phân quyền, phân cấp, đấy là tất cả rắc rối đó”.
“Tôi nhắc lại! Tất cả những cái đó mọi đô thị trên thế giới đều làm, chỉ có Việt Nam không làm!” – ông Lịch nhấn mạnh.
“Lâu nay TP vẫn là xin cơ chế, không phải xin Trung ương bớt phần các địa phương khác, không! TP xin tạo cơ chế để tăng nguồn thu, cơ chế tăng thu là cực kỳ quan trọng, khai thác ngoài nguồn thuế phí, các loại công sản đất đai…" – ông Lịch nêu ý kiến.
Theo ông Lịch, khi làm Luật về phí, lệ phí ông có đề nghị Quốc hội cho phép Chính quyền đô thị của TP.HCM được đặt ra một số loại phí, nhưng cuối cùng “không cho chính quyền địa phương quyền nào cả”, từ đó ông kiến nghị ông Đinh La Thăng khi nghiên cứu “cơ chế bình thường” thì phải rà lại hết những điều trên để tăng quyền huy động của chính quyền địa phương.
“Ví dụ, tôi đề nghị TP cho phát hành trái phiếu bảo đảm bằng ngân sách địa phương, không cần Bộ Tài chính bảo lãnh, người mua trái phiếu sẽ đánh giá rằng trong tương lai chính quyền TP có nguồn thu để trả được nợ không thì họ sẽ mua trái phiếu. Tại sao anh lại nhảy vô bảo lãnh rồi hạn chế cái này, hạn chế cái kia?” – ông Lịch đặt câu hỏi.
Cuối cùng ông Lịch cho rằng TP phải có bài bản trong đề xuất cơ chế, trong đó không phải chỉ vấn đề chi mà chủ yếu là tăng thu, tự chủ khai thác nguồn thu.