TP.HCM: Không để nhà đầu tư tự bỏ chi phí lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi
Nhiều công trình tại TP.HCM được tư nhân xây dựng, đổi lại TP sẽ thanh toán bằng quỹ đất. (Ảnh minh họa) |
Cụ thể, đối với các dự án thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) sẽ sử dụng vốn ngân sách TP để nghiên cứu lập, thẩm định, trình duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Đồng thời chấm dứt việc giao các nhà đầu tư tự bỏ chi phí lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án. Quy định này nhằm đảm bảo tính công khai minh bạch trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư.
Theo danh mục các dự án kêu gọi đầu tư tại TP.HCM được Sở KH&ĐT công khai, hiện TP có khoảng 250 dự án thuộc các lĩnh vực như hạ tầng giao thông, nông nghiệp, thương mai dịch vụ… với tổng số vốn gần 920.000 tỷ đồng (tương đương 40 tỷ USD).
Quy trình đầu tư theo hình thức PPP theo Sở KH&ĐT TP.HCM. |
Đầu tư PPP là hình thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp đồng dự án giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để xây dựng, cải tạo, vận hành, kinh doanh, quản lý công trình hạ tầng, cung cấp dịch vụ công.
Trong đó nhà đầu tư chịu trách nhiệm góp vốn chủ sở hữu và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện dự án theo hợp đồng dự án đã ký kết.
Tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư được xác định theo nguyên tắc như sau: Đối với dự án có tổng vốn đầu tư đến 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư không được thấp hơn 20% tổng vốn đầu tư;
Đối với dự án có tổng vốn đầu tư trên 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư được xác định theo nguyên tắc: Đối với phần vốn đến 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu không được thấp hơn 20%; đối với phần vốn từ trên 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu không được thấp hơn 10%.
Đổi lại nhà nước thanh toán cho nhà đầu tư bằng quỹ đất, tài sản kết cấu hạ tầng hoặc quyền kinh doanh, khai thác công trình, dịch vụ được nhượng cho nhà đầu tư trong dự án áp dụng loại hợp đồng BT.
Ngoài ra nhà nước cũng hỗ trợ vốn xây dựng công trình phụ trợ, bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư.