TP.HCM họp bất thường về môi trường: Yêu cầu phạt nặng người xả rác bừa bãi
Khung cảnh buổi họp sáng ngày 11/6. |
Nghèo không phải là lý do
Nêu ý kiến tại đây, đại biểu Võ Văn Tân nhấn mạnh rằng cần phải thực hiện nghiêm chế tài xử phạt đối với những hành vi vi phạm, vì có như vậy tình hình mới chuyển biến, bởi từ trước đến nay TP đã tuyên truyền, vận động rất nhiều nhưng tác dụng không đáng kể.
“Tại các nước người dân không dám vứt mẩu thuốc, mẩu rác ra đường vì bị phạt rất nặng. Mình nói là nghèo, nhưng nghèo không đồng nghĩa với việc không bị phạt” – ông Tân nói.
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Trương Lâm Danh cho rằng nếu chỉ tuyên truyền mà không xử phạt kèm theo thì khó thành nề nếp. Tuy nhiên ông thừa nhận rằng việc xử phạt rất khó vì hành vi xảy ra nhanh, do đó cần tìm giải pháp thực hiện.
Đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung nhận định, dù từ trước đến nay TP có rất nhiều phong trào, tuy nhiên các phong trào đều chỉ tồn tại mội thời gian ngắn và dần biến mất. Theo bà các cấp lãnh đạo phải thật sự quan tâm thì mới mong duy trì được phong trào.
Ngay sau đó bà Nhung lấy một ví dụ để đặt câu hỏi về trách nhiệm của phường, xã: “Sáng thứ 2 vừa rồi đi làm, tại một tuyến đường lớn ở một quận trung tâm tôi gặp một chị nhà ở ngay mặt tiền bưng nguyên xô rác đổ ngay nắp cống, tới 10h thì trời mưa tầm tã như vậy sao không ngập. Liệu phường có nhìn ra vấn đề này để xử phạt?”.
Thêm một trường hợp được đại biểu Nhung dẫn ra làm ví dụ, đó là xử phạt hanh vi hút thuốc, xả rác trên các chuyến phà.
“Khách lên phà Cát Lái hút thuốc rất nhiều dù đã có bảng cấm. Việc này rất nguy hiểm vì trên đó toàn ô tô, xe máy, nhưng lực lượng trên phà chỉ được nhắc nhở chứ không được xử phạt. Ai sẽ là người thực hiện?” – bà nói.
Tiếp tục góp ý, đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê thẳng thắn cho rằng việc tuyên truyền đã được TP làm trong thời gian dài nhưng “sự thẩm thấu vẫn chưa đạt, có những lúc chưa quyết liệt”.
Ông cũng bày tỏ quan điểm rằng cần phải có chế tài xử phạt nặng. Tuy nhiên TP cần giải được bài toán “ai thực hiện xử phạt”, bởi nếu không tình hình sẽ trở lại hiện trạng như trước khi đặt vấn đề.
Xe rác tự chế bị nhiều phàn nàn của các đại biểu. |
Phải tổ chức lại mô hình thu gom rác dân lập
Về vấn đề thu gom rác theo mô hình dân lập, đại biểu Tân kiến nghị TP xem xét lại cách thức hoạt động. Ông nhận định rằng có một số người “vui thì đi, chán thì thôi, hợp đồng từng ngày nhưng 1 tuần mới đi. Dù phường xã đứng ra ký hợp đồng nhưng nếu không thực hiện thì cũng không có chế tài xử phạt”.
Trong khi đó đại biểu Danh gợi ý TP nên tính toán để vận chuyển tất cả lượng rác vào ban đêm, nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.
Có chung quan điểm với ông Tân, đại biểu Nguyễn Kim Nhung đề xuất TP tổ chức lại lực lượng thu gom rác theo mô hình hợp tác xã, đồng thời có cơ chế để hợp tác xã thực hiện chuyển đổi công cụ thu gom, kèm theo là cơ chế chính sách cho những người thu gom rác dân lập, cụ thể là có bảo hiểm y tế.
Tại buổi họp, Chủ tịch HĐND Nguyễn Thị Quyết Tâm đã hỏi đại biểu Cao Anh Minh (cũng là Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hìnhTP. HCM) rằng: Liệu Đài có dành khoảng 15 phút lúc “giờ vàng” để tuyên truyền cho ý thức bảo vệ môi trường của người dân được hay không?”
Ông Cao Anh Minh trả lời:
“Thời gian qua Đài truyền hình TP coi đây là trách nhiệm, nghĩa vụ và đã đưa vào nhiều chương trình khác nhau, với mục tiêu truyền tải thông điệp ý thức bảo vệ môi trường tới sâu rộng trong mọi tầng lớn nhân dân. Tuy nhiên chỉ 1 mình đài truyền hình cũng không thể gánh hết trách nhiệm. Tại TP có hơn 200 kênh truyền hình, trong khi đài TP chỉ có 17 kênh, do đó tôi nghĩ rằng cần huy động tổng hợp trên tất cả các phương tiện. Để thực hiện Sở Tài nguyên và Môi trường nên là đơn vị chủ công lên kế hoạch, trong đó đài truyền hình là đơn vị chủ lực tham gia”.