TP.HCM: Con không chịu ủy quyền, 5 Mẹ Việt Nam anh hùng không được truy tặng
Tại phần chất vấn, đại biểu Nguyễn Văn Đạt (quận Bình Tân) cho biết, khi tiếp xúc cử tri ông nhận được nhiều phản ánh cho rằng hiện thủ tục cấp tiền thờ cúng liệt sỹ, xin cấp đổi bằng Tổ quốc ghi công quá nhiêu khê.
Theo ông Tấn, cử tri cho biết để được nhận được 500.000 đồng tiền thờ cúng liệt sĩ (trong 1 năm), quy định yêu cầu tất cả những người thân trong dòng tộc phải ký xác nhận người thờ cúng được lĩnh.
Trong khi đó nhiều gia đình có con cháu làm ăn tản mát, mỗi người cư trú một nơi nên muốn có đủ xác nhận phải đi lại tốn kém rất nhiều thời gian, tiền bạc, thậm chí lớn gấp nhiều lần số tiền được nhận.
“Người dân rất bức xúc. Quy định như vậy khác nào làm khó người thân liệt sỹ” – ông Đạt cho hay, và nói thêm rằng việc cấp đổi bằng Tổ quốc ghi công cũng đang rất chậm trễ.
Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Minh Tấn. |
Đáp lại thắc mắc này của ông Đạt, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Minh Tấn cho biết, quy định phải ủy quyền nói trên là của Chính phủ.
Ông thừa nhận rằng thủ tục trước kia đơn giản hơn, nhưng hiện nay thì phức tạp. Ông Tấn cho hay, đã có trường hợp người trong gia đình không ủy quyền, và khi giải quyết cho người đang thờ cúng nhận tiền thì họ khiếu nại.
Liên quan đến vấn đề này, ông Tấn thông tin thêm rằng, hiện tại TP.HCM đang có 5 trường hợp đủ điều kiện phong tặng, truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng nhưng không thể thực hiện, do các thành viên trong gia đình không chịu ủy quyền.
“Huyện Củ Chi và quận 8, mỗi địa phương còn 2 trường hợp, quận 6 có 1 trường hợp. Sở và địa phương vận động nhiều lần nhưng người thân chưa chịu ủy quyền” – ông Tấn chia sẻ.
Ông cũng cho biết, nếu được phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng thì các trường hợp nuôi dưỡng, thờ cúng các Mẹ sẽ được lĩnh hơn 40 triệu đồng.
Ngoài ra ông Giám đốc sở còn thừa nhận, tại TP hiện nhiều gia đình xin cấp đổi lại huân huy chương, bằng Tổ quốc ghi công do bị mối ăn, mục nát hay thất lạc… Tuy nhiên vào tháng 9/2016, Chính phủ có văn bản tạm dừng vì con dấu hết hiệu lực nên việc này chưa thể thực hiện.
“TP đã gửi hơn 3.000 bằng ra Hà Nội nhưng phải dừng, chưa được xem xét” – ông Tấn nói.
Trước vướng mắc này, chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, nếu tạm dừng cấp đổi với lí do con dấu thì cần giải thích rõ với người dân khi nào xem xét, chứ không thể bỏ lửng như vậy.
Bởi theo bà, những hiện vật đó không chỉ là tấm bằng mà là truyền thống, niềm tự hào của gia đình.
Chủ tịch HĐND yêu cầu Sở cần nắm lại cách xử lý của Chính phủ để trả lời cho các gia đình.
Về trường hợp của 5 Mẹ Việt Nam anh hùng, bà Tâm đề nghị Sở làm rõ nguyên nhân vì sao gia đình không đồng ý ủy quyền cấp hồ sơ, để từ đó trình Chính phủ giải quyết.
Bà nhấn mạnh rằng dù có quy định của Chính phủ như vậy và gia đình không đồng ý, nhưng TP phải chỉ đạo, tìm cách xử lý chứ không nên để kéo dài.
“Quy định thì mình phải theo nhưng cũng có những ngoại lệ, quan trọng là mình dám chịu trách nhiệm. Ngoài chính quyền còn có các đoàn thể, mặt trận, Hội người cao tuổi, Hội cựu chiến binh… Chúng ta phải dựa vào đó để xem ai đang thờ cúng thực sự” – bà cho hay.
Bà Tâm khẳng định rằng các cơ quan chức năng cần đề xuất để UB TP có chính sách. Nếu cần, HĐND TPHCM sẽ tham gia và chịu trách nhiệm.