TP.HCM: Chương trình ủy quyền có nguy cơ “phá sản”?
![]() |
Mục đích TP ủy quyền là để tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ quan chuyên môn. Trong ảnh là một nhân viên của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM đang nhận hồ sơ của người dân. |
Cụ thể, khi báo cáo trước UBND TP, Giám đốc Sở Nội vụ Trương Văn Lắm cho biết hiện việc phân cấp, ủy quyền tại TP đang có vướng mắc “rất cơ bản”, thậm chí có thể bị dừng lại vì những mâu thuẫn với Luật Tổ chức Chính quyền địa phương.
Theo ông Lắm, luật quy định những nhiệm vụ của Chủ tịch UBND chỉ được ủy quyền cho phó chủ tịch hoặc người đứng đầu cơ quan chuyên môn (giám đốc các Sở, Ngành), nhưng nếu thực hiện đúng thì nhiều nội dung đã được ủy quyền sẽ phải phân bố lại.
“Riêng ngành Nội vụ, trước đây ủy quyền cho chủ tịch UBDN quận, huyện hay lãnh đạo các cơ quan chuyên môn, nhưng nếu thực hiện đúng theo luật thì chỉ được ủy quyền qua sở, ngành chứ không được ủy quyền cho UBND quận huyện.
Nếu thực hiện đúng sẽ không phân cấp được nữa, thậm chí những nội dung đã phân cấp rồi phải rút lại và phân về các sở, ngành. Như vậy là đi ngược lại chủ trương của chúng ta về phân cấp” – vị Giám đốc Sở cho hay.
Tuy vậy ông Lắm cho biết sẽ có đề xuất, kiến nghị với Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ để cho phép TP được ủy quyền công việc của Chủ tịch UBND TP cho Chủ tịch UBDN quận huyện.
Về giải pháp sắp tới, Giám đốc Sở Nội vụ nhận định, TP chỉ nên phân cấp những công việc thuộc thẩm quyền “dù rất ít”, còn những gì đã ủy quyền trước khi Luật tổ chức Chính quyền địa phương có hiệu lực thì “cứ giữ nguyên như trước”.
Cũng trong buổi làm việc này Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Trương Văn Lắm còn đề cập đến vấn đề tinh giản biên chế. Ông nhận định rằng TP đang thực hiện việc này quá chậm, bởi đến nay mới đề nghị chưa tới 200 trường hợp, trong khi chỉ tiêu đến năm 2021 phải tinh giản được 10%.
“Bộ Nội vụ vẫn lưu ý rằng chúng ta phải tinh giản biên chế theo số đã được giao, trong khi TP hiện nay đã vượt gần 4.000 biên chế nên rất khó. Thời gian tới đề nghị các sở ngành chủ động trong việc này. Sở Nội vụ cũng sẽ tham mưu cho Ủy ban siết chặt việc bổ sung biên chế, những trường hợp nào dư số biên chế cần phải thu hồi lại” – cho biết.
![]() |
Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM. |
Chỉ đạo về các khúc mắc liên quan đến phân cấp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho rằng trong buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Nội vụ mới đây ông được gợi ý rằng cần nâng trách nhiệm và vai trò của các Ủy viên UBND.
“Có những vấn đề thuộc về trách nhiệm của Ủy viên thì người đó sẽ đứng ra xử lý chứ hiện dồn về Thường trực Ủy ban nhiều quá” – ông Phong cho hay.
Chủ tịch TP cũng nhấn mạnh rằng nếu làm được như vậy thì TP “khỏi cần” ủy quyền, do đó cần “chậm chút nữa” (trong việc ủy quyền) để khi có nghị định mới sẽ có những bổ sung tốt hơn.
Với vấn đề tinh giản biên chế, ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh rằng tới đầu tháng 6 này Sở Nội vụ phải làm xong đề án về tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp.
“Vấn đề căn bản nhất của tinh giản biên chế là phải cơ cấu lại bộ máy, trong đó nếu các đơn vị sự nghiệp chuyển sang sử dụng dịch vụ ngoài sẽ kéo giảm đi số lượng viên chức mà mình phải trả lương hiện nay” – ông Phong nhận định.
Liên quan đến vấn đề nhân sự, trả lời câu hỏi của PV trong một cuộc họp báo trước đó, Chánh văn phòng UBND TP Võ Văn Hoan khẳng định rằng đề án tới đây của Sở Nội vụ sẽ không lấy hộ khẩu làm điều kiện tuyển dụng tại TP như trước đây.
Tuy vậy ông cho biết TP sẽ đặt ra những tiêu chuẩn cao hơn về trình độ, năng lực, kiến thức thực tiễn… với những người được tuyển.
“Trước đó mình lo giải quyết lao động tồn đọng của TP nên hạ các tiêu chuẩn đó, nhưng tới đây sẽ tăng cường để có được người tài, cho dù họ là người ở TP hay các tỉnh” – ông Hoan chia sẻ.