TP.HCM: Chủ đầu tư DA chống ngập 10.000 tỷ để ngỏ khả năng đòi bồi thường
Ông Nguyễn Tâm Tiến khẳng định Tập đoàn Trung Nam không sai khi ngừng thi công. |
Sẽ bảo hành 10 năm
Theo ông Tiến, “nguồn cung cấp” thông tin cho báo chí những ngày qua đã thông tin không đầy đủ, thiếu đầu, thiếu đuôi và “báo chí đã đăng dựa trên những sự việc không tròn trịa”, vì vậy ông muốn có một lần “trình bày cho trọn vẹn”.
Sau khi trình bày lại quy mô của dự án và thời điểm tạm dừng thi công, ông Tiến khẳng định, nhà đầu tư không có lỗi.
Với việc đơn vị Tư vấn giám sát hợp đồng (TVGSHĐ) cho rằng “Tiêu chuẩn thép không có trong tiêu chuẩn UBND TP.HCM duyệt (chỉ dẫn kỹ thuật: S355 xuất xứ G7, cơ tính và hóa tính tương đương S355), ông Tiến cho rằng, đơn vị TVGSHĐ đã cố tình tách ra, không những vậy điều này còn không đúng với Luật Xây dựng khi chỉ định nhà sản xuất cung cấp vật liệu.
Ông Tiến khẳng định bản vẽ kỹ thuật không hề đề cập đến thép có xuất xứ G7, mà chỉ đặt ra những yêu cầu chi tiết đối với vật liệu chế tạo cửa van (vật liệu miễn đáp ứng được các chỉ tiêu này, không liên quan đến xuất xứ), đây là tài liệu quan trọng nhất và Trung Nam đã thi công đúng theo bản vẽ này.
Chủ đầu tư khẳng định nhà thầu mua thép xuất xứ từ nước nào thì khai báo giá vật tư đầu vào là thép của nước ấy chứ không phải mua thép nước này để khai báo giá thép của nước khác. Ngoài thép đen Trung Quốc, dự án có những hạng mục nhập thép của Nhật như là thép INOX SUS323L làm cửa van cống Bến Nghé, thép cọc ống móng của Mương Chuối là thép của Nippon Steel.
Ông Tiến cho biết sẵn sàng bảo hành 10 năm đối với công trình này.
Một hạng mục thi công trong dự án. |
Thiệt hại gần 20 tỷ đồng/tháng
Về thiệt hại của dự án, ông Tiến cho biết dự án tạm dừng khi đạt 72%, tương đương với giá trị hoàn thành 5.690 tỷ, trong khi đó đơn vị Tư vấn giám sát hợp đồng (TVGSHĐ) chỉ xác nhận khối lượng tương đương 3.503 tỷ. Cộng với 803 tỷ chủ đầu tư đã bỏ ra thì hiện nay số vốn chưa được giải ngân là 1.384 tỷ đồng.
Ông nhận định việc dừng giải ngân là do TVGSHĐ, trong nhiều văn bản dù ký xác nhận giá trị hoàn thành nhưng lại kèm theo các khuyến cáo “tuy nhiên…”, do vậy sau nhiều lần thanh toán thành công, ngày 14/5 Sở Tài chính quyết định không ký xác nhận tiếp.
Ông Tiến tỏ ra bức xúc về việc này và cho biết đã đề nghị TVGSHĐ nếu muốn góp ý cần có một bản kiến nghị riêng, nói rõ những vấn đề chưa đúng, chưa hài lòng với Trung Nam chứ không được ký vào các văn bản xác nhận như đã làm.
Ông Tiến cũng thông tin rằng, trước buổi làm việc đã gửi thư mời đơn vị TVGSHĐ đến để làm rõ những thông tin đã nêu. Tuy nhiên trong buổi họp ông Tiến mời không có ai đứng lên trả lời, hay nhận mình thuộc đơn vị TVGSHĐ.
Theo phía chủ đầu tư, việc phải dừng dự án sẽ dẫn đến những thiệt hại lớn về máy móc, con người… với giá trị khoảng gần 20 tỷ đồng/tháng. Đặc biệt nếu quá tháng 6/2019 mà dự án chưa hoàn thành (như hợp đồng) thì có thể Ngân hàng Nhà nước sẽ khóa tài khoản cho vay lại, khi đó khoản vay sẽ chuyển thành vay thương mại chứ không còn được ưu đãi như hiện nay.
Trả lời câu hỏi của PV Infonet về việc có yêu cầu bồi thường thiệt hại không, ông Tiến nói: “Chúng tôi muốn chia sẻ với Ủy ban, muốn đầu tư làm ăn với những công trình của thành phố. Nhưng chúng tôi cũng phải xem có chịu nổi hay không, bởi nếu vài ba tháng thì không nói, nhưng nếu vài ba năm thì chắc cũng phải tranh tụng theo hợp đồng, vì sức người có hạn”.
Theo mục tiêu đề ra, dự án sẽ kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho 570 km² với khoảng 6,5 triệu dân khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP.HCM. Dự án được triển khai từ tháng 6/2016 và dự kiến kết thúc vào tháng 6/2019. Tuy nhiên từ tháng 5/2018 đến nay dự án đã ngừng thi công.