Tổng thống Nixon từng hạ lệnh quân đội không làm hại Bảo tàng Chăm Đà Nẵng
Tại buổi tọa đàm với chủ đề “Khảo cổ học về Champa sau 1975 và hoạt động bảo tồn, bảo tàng” tổ chức sáng 25/7 nhân kỷ niệm 100 năm thành lập Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng (1915 – 2015), Thạc sĩ Võ Văn Thắng cho hay, 100 năm Bảo tàng Chăm Đà Nẵng gắn liền với những biến cố của đất nước và sự ra đời, phát triển của bảo tàng luôn là kết quả của những nỗ lực, tâm huyết.
Tọa đàmvới chủ đề “Khảo cổ học về Champa sau 1975 và hoạt động bảo tồn, bảo tàng” tổ chức sáng 25/7 nhân kỷ niệm 100 năm thành lập Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng (1915 – 2015) - Ảnh: HC |
Từ thưở ban đầu, ý tưởng và dự án xây dựng bảo tàng đã được thai nghén và trải qua một lộ trình xét duyệt lâu dài. Khi những gian trưng bày đầu tiên của bảo tàng hoàn thành vào năm 1919, Henri Parmentier đã viết một câu trong tập catalogue đầu tiên của bảo tàng, nghe như một lời thở phào nhẹ nhõm: “Kết quả cuối cùng cũng được đạt tới, nhưng người ta đã phải tốn vào đó 17 năm cố gắng kiên trì”.
Giám đốc Bảo tàng Chăm Đà Nẵng Võ Văn Thắng nêu rõ, bảo tàng này được xây dựng và duy trì, phát triển trong 100 năm qua không chỉ nhờ ở tâm huyết của những người hoạt động văn hóa mà còn có sự quan tâm, ủng hộ của các cơ quan quản lý nhà nước, kể cả của các vị ở tầm nguyên thủ quốc gia. Năm 1936, Bảo tàng Chăm Đà Nẵng được xây thêm 3 gian trưng bày. Đến dự lễ khánh thành phần mở rộng này có vua Bảo Đại và Toàn quyền Pháp ở Đông Dương lúc bấy giờ.
“Một tài liệu do Sở Thông tin Hoa Kỳ phát hành tháng 9/1972 cho biết, trước cảnh báo của học giả Philippe Stern về nguy cơ của bom đạn đối với Bảo tàng Chăm Đà Nẵng, Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon đã gửi công lệnh đến chỉ huy quân đội Hoa Kỳ nêu rõ: “Nhà Trắng (Văn phòng Tổng thống) mong muốn rằng, bằng tất cả giải pháp có thể, cần đảm bảo cho di tích không bị tàn phá bởi hoạt động quân sự”. Công lệnh này được gửi vào tháng Giêng năm 1970.” - ông Võ Văn Thắng cho biết.
Thạc sĩ Võ Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng Chăm Đà Nẵng, phát biểu tại buổi tọa đàm (Ảnh: HC) |
Dẫn theo tập sách “Ngày ấy” của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình An, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh QN-ĐN cũ, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP Đà Nẵng, do NXB Đà Nẵng xuất bản năm 2004, ông Võ Văn Thắng cho biết thêm: “Cũng trong thời gian chiến tranh ấy, ở Đặc khu ủy Quảng Đà, Bí thư Hồ Nghinh cũng nhắc nhở cán bộ “khi tiếp quản Đà Nẵng phải có kế hoạch bảo vệ Musée Chàm”!
Sau khi hòa bình lập lại, Bảo tàng Chăm Đà Nẵng được ngành văn hóa – thông tin tỉnh QN-ĐN quản lý và đầu tư phát triển. Năm 2005, với sự ủng hộ của Chủ tịch Nước Trần Đức Lương và Tổng thống Pháp Jacques Chirac, 40 hiện vật của bảo tàng này đã được gửi đi tham dự cuộc trưng bày lớn ở Paris với chủ đề “Kho báu nghệ thuật Việt Nam: Điêu khắc Champa thế kỷ V – XV”.
Sau đó các hiện vật của Bảo tàng Chăm Đà Nẵng tiếp tục được gửi đi triển lãm tại các bảo tàng lớn ở Hoa Kỳ trong các năm 2009, 2010 và 2014. Trong chuyến thăm Bảo tàng Chăm Đà Nẵng ngày 27/2/2008, Tổng thống Singapore S.R. Nathan ghi vào sổ lưu niệm của bảo tàng dòng chữ: “A very impressive collection” (Một bộ sưu tập rất ấn tượng).
Du khách nước ngoài tham quan Bảo tàng Chăm Đà Nẵng (Ảnh: HC) |
Được biết, năm 2011, Bảo tàng Chăm Đà Nẵng đã được Bộ VH-TT-DL xếp hạng là 1 trong 11 bảo tàng loại 1 của Việt Nam. Đối với công chúng trong và ngoài nước, hình ảnh Bảo tàng Chăm Đà Nẵng luôn được yêu mến và đặt nhiều kỳ vọng. Bà Annethe Stiekele, nhà báo người Đức nhận xét: “Bảo tàng điêu khắc Chăm là kỳ quan đặc biệt của nhân loại về mặt tinh thần”.
Ông Nathan Lauer, một người Mỹ gắn bó với văn hóa châu Á đã phát biểu tại hội thảo “Các ý tưởng xây dựng TP Đà Nẵng” (năm 2013: “Bảo tàng Chăm thực sự là một kho báu của Việt Nam nói riêng và của cả nhân loại nói chung. Bảo tàng là thành tựu to lớn của nhân dân Việt Nam, của những người đi đầu, đã trực tiếp tham gia trong việc bảo tồn và gìn giữ các giá trị văn hóa qua nhiều thập kỷ…”.
Cũng theo ông Nathan Lauer, Bảo tàng Chăm Đà Nẵng hoàn toàn có thể trở thành một trong những bảo tàng độc đáo, nổi bật nhất trong số các bảo tàng tương tự ở khu vực Đông Nam Á, trở thành một địa điểm du lịch văn hóa thu hút lượng khách du lịch ngày càng tăng!