Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019: Sở cứ cho các quy hoạch
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 là cuộc tổng điều tra định kì 10 năm một lần, nhằm thu thập thông tin cơ bản, phục vụ xây dựng chiến lược và các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, làm cơ sở chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13. Cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019
Đáng chú ý, tổng điều tra dân số và nhà ở lần này có nhiều điểm mới, đó là sử dụng CNTT ở tất cả các công đoạn. Theo đó, cuộc điều tra năm 2019 sẽ hạn chế tối đa viêc thu thập thông tin bằng phiếu giấy, thay vào đó là phiếu điện tử được điều tra viên thực hiện trên thiết bị cầm tay và phiếu điều tra trực tuyến trên mạng Internet. Do đó, với mật khẩu cho mỗi cá nhân, người dân có thể trả lời thông tin khi tham gia điều tra trực tuyến online vào bất cứ thời điểm nào. Đây cũng là hình thức được nhiều nước trên thế giới áp dụng.
Tổng điều tra dân số giúp quy hoạch nhân lực cho các ngành nghề bám sát nhu cầu thực tế, giảm được tình trạng thất nghiệp… Ảnh: Hanoimoi.com.vn |
Cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 với tổng kinh phí dự toán 1.514 tỷ đồng, được thực hiện với các nội dung: thông tin chung về dân số; tình trạng di cư; trình độ học vấn, chuyên môn kỹ thuật; tình trạng khuyết tật, hôn nhân; mức độ sinh, tử và phát triển dân số; tình hình đăng ký khai sinh của trẻ em; tình hình lao động việc làm; thực trạng về nhà ở; điều kiện sinh hoạt cơ bản của hộ dân cư.
Về bản chất, tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 là hoạt động có ý nghĩa quan trọng và ảnh hưởng sát sườn tới đời sống của từng người dân, từng gia đình trong thời gian tới. Bởi, tình hình biến động dân số và nhà ở toàn quốc trong 10 năm qua là rất lớn. Theo ông Nguyễn Văn Tân - nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình: So với Tổng điều tra dân số năm 2009, 10 năm trôi qua với sự phát triển rất nhanh của kinh tế - xã hội đất nước, dân số nước ta cũng thay đổi rất nhiều cả về số lượng, cơ cấu, cả về phân bổ...
“Chính vì vậy, việc tiến hành điều tra lần này có ý nghĩa rất lớn không chỉ đối công tác dân số nói chung, mà còn tác động tới lợi ích sát sườn của người dân. Việc tổng điều tra dân số và nhà ở vừa là hoạt động mang tính vĩ mô, vừa liên quan đến lợi ích của từng người dân cụ thể. Đúng với thông điệp của Liên Hợp Quốc là “Tất cả mọi người đều được tính đến”, do đó đây chính là cơ hội để người dân hưởng ứng tự cung cấp thông tin thông điều tra (trực tuyến trên Internet), nâng cao trách nhiệm công dân, góp phần làm giảm gánh nặng ngân sách thực hiện Tổng điều tra. Với Nhà nước, cơ sở dữ liệu chuẩn sẽ giúp hoạch định chính sách tốt hơn.
Thực tế, việc tổng điều tra dân số và nhà ở là công việc thường kì và mang tính đa mục tiêu. Ví dụ, điều tra dân số để biết cơ cấu dịch chuyển dân số từ nông thôn ra thành thị ra sao, đánh giá được tiến trình đô thị hóa; qua đó các quy hoạch về đô thị sẽ chuẩn hơn, các chiến lực xây dựng nông thôn mới sẽ bám sát thực tế hơn. Hoặc, có thể biết cơ cấu dân số Việt Nam qua thời kì “vàng” hay chưa, qua đó có thể quy hoạch nhân lực cho các ngành nghề, có các chiến lược đào tạo nguồn nhân lực theo ngành bám sát nhu cầu thực tế, giảm được tình trạng thất nghiệp…
Theo ước tính ban đầu, dân số Việt Nam đến thời điểm hiện tại đã cán mốc 100 triệu người. |
Được biết, trước 1975 tại miền Bắc Việt Nam đã thực hiện 2 đợt điều tra dân số, tiến hành vào thời điểm 1/3/1960 và 4/1974. Sau khi thống nhất đất nước vào năm 1975, Việt Nam đã thực hiện 4 đợt tổng điều tra dân số, 10 năm một lần vào tháng 4, từ năm 1979 (1979, 1989, 1999 và 2009). Do việc điều tra cũng khá tốn kém nên, số liệu tổng điều tra cũng được sử dụng để ước lượng dân số tại các thời điểm khác trong chu kì 10 năm, phục vụ xây dựng chính sách và tổ chức bầu cử.
Theo Tổng Cục thống kê, cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 có quy mô lớn nhất từ trước tới nay, diễn ra trên phạm vi cả nước, nội dung phức tạp liên quan đến khoảng 26,2 triệu hộ dân cư và hơn 94 triệu người sẽ được điều tra, được tổ chức thành khoảng 217,6 nghìn địa bàn điều tra. Con số này không bao gồm những người đang làm việc trong ngành quân đội, công an, người làm việc tại các cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài và thân nhân đi cùng. Những người này sẽ được điều tra theo kế hoạch riêng của ba Bộ: Quốc phòng, Công an và Ngoại giao.
Theo phương án, thời gian thu thập thông tin tại địa bàn kéo dài trong 25 ngày, bắt đầu từ 7 giờ sáng 1/4/2019, kết thúc chậm nhất vào ngày 25/4/2019. Kết quả sơ bộ của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 sẽ được công bố vào tháng 7/2019; kết quả điều tra mẫu vào quý IV/2019; kết quả điều tra toàn bộ vào quý II/2020; các báo cáo phân tích chuyên đề vào quý IV/2020. Theo ước tính ban đầu, dân số Việt Nam đến thời điểm hiện tại đã cán mốc 100 triệu người.