Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm và tặng quà người có công
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tặng quà người có công tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội |
Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội tiền thân là Khu Điều dưỡng thương binh nặng Hà Sơn Bình, được thành lập từ năm 1978 với nhiệm vụ điều dưỡng 650 thương, bệnh binh. Năm 1994, sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên, Trung tâm tiếp tục được giao nhiệm vụ nuôi dưỡng và điều dưỡng cho người có công với cách mạng.
Giám đốc Trung tâm Nguyễn Văn Nhiêu cho biết, hiện nay, Trung tâm có 54 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; làm nhiệm vụ chăm sóc thường xuyên 55 đối tượng chính sách và làm nhiệm vụ điều dưỡng luân phiên người có công. Từ năm 1999 đến nay, Trung tâm thực hiện điều dưỡng luân phiên được gần 38.000 lượt người có công. Riêng năm 2017, Trung tâm được giao nhiệm vụ điều dưỡng luân phiên 2.112 lượt người có công.
Báo cáo với Tổng Bí thư, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Khuất Văn Thành cho biết, Hà Nội là địa phương có số lượng người có công lớn nhất cả nước với hơn 800.000 người, chiếm 10% dân số thành phố; trong đó có 92.000 người hưởng trợ cấp hằng tháng. Những năm qua, ngoài chính sách theo quy định của trung ương, thành phố đã thực hiện nhiều chính sách đặc thù, huy động được đông đảo các tổ chức, cá nhân và toàn xã hội tham gia phong trào đền ơn đáp nghĩa. Đặc biệt, trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, liệt sỹ, thành phố đã hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa 8.211 nhà ở của hộ gia đình người có công với cách mạng với tổng kinh phí trên 958 tỷ đồng.
Sau khi lắng nghe các ý kiến phát biểu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ xúc động khi được đến thăm các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thân nhân liệt sỹ, các thương binh, bệnh binh và người có công. Tổng Bí thư gửi lời thăm hỏi ân cần và lời cảm ơn sâu sắc đến các mẹ, các bác, các đồng chí thương binh, bệnh binh đã hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Tổng Bí thư cũng biểu dương cố gắng, nỗ lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội đã thay mặt Đảng, Nhà nước chăm sóc tận tình, chu đáo các cụ, các mẹ, các bác, các anh chị có công với cách mạng.
Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đất nước có được cơ ngơi như ngày hôm nay là nhờ công đóng góp, hy sinh của hàng triệu người có công với cách mạng. Tính đến nay, cả nước đã xác nhận trên 9 triệu lượt người có công, trong đó có 1,2 triệu liệt sỹ; gần 500.000 thân nhân liệt sỹ; trên 127.000 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; gần 600.000 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh…
Tổng Bí thư nhấn mạnh, mỗi người có công và gia đình người có công có quyền tự hào về những đóng góp, cống hiến của mình, gia đình mình cho thành tựu vĩ đại của Tổ quốc. Lịch sử không bao giờ quên công lao của những người có công với nước. 70 năm qua, kế thừa truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, cả nước đã thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, coi đây như những người ruột thịt của mình.
Tổng Bí thư hoan nghênh, biểu dương Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã có nhiều hoạt động đa dạng, xuống đến tận thôn, làng, tổ dân phố để chăm sóc người có công, đưa công tác chăm sóc người có công trở thành phong trào sâu rộng trong quần chúng nhân dân.
Tuy nhiên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, những nỗ lực như thế cũng chưa đủ so với mất mát, hy sinh của người có công với nước. Vì vậy, các cấp, các ngành cần phải cố gắng, nỗ lực hơn nữa. Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, liệt sỹ còn là dịp để các cấp, các ngành tổ chức rút kinh nghiệm, làm tốt hơn nữa công việc thiêng liêng, cao quý là chăm sóc người có công, chăm lo cho người có công như những người ruột thịt trong gia đình mình đúng như lời dạy của Bác Hồ, coi đây là tình cảm, là bổn phận của người đi sau đối với người đi trước.
Nhân dịp này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trồng cây lưu niệm tại Trung tâm, sau đó tiếp tục tặng quà cho mẹ Việt Nam Anh hùng Hoàng Thị Mai (sinh năm 1921, có 2 con trai là liệt sỹ) ở tại thị trấn Vân Đình và ông Đặng Đình Ấp, thương binh ¼, ở xã Liên Bạt huyện Ứng Hòa.