Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng làm việc với Ban Dân vận Trung ương
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng làm việc với Ban Dân vận Trung ương
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với cán bộ, nhân viên Ban Dân vận Trung ương Ảnh: Trí Dũng |
Báo cáo với Tổng bí thư và Thường trực Ban bí thư, Trưởng ban Dân vận Trung ương Hà Thị Khiết cho biết, từ sau Đại hội X của Đảng đến nay, lãnh đạo và cán bộ Ban Dân vận Trung ương đã đề cao trách nhiệm, đoàn kết nhất trí, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của Đảng, góp phần quan trọng ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận tăng cường mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước. Ban Dân vận đã phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, tham mưu, đề xuất cho Bộ Chính trị, Ban bí thư ban hành nhiều nghị quyết, quyết định, chỉ thị quan trọng về công tác dân vận; triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng về công tác dân vận; triển khai có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ chính trị của công tác dân vận.
Phản ánh tình hình, tâm trạng nhân dân, Ban Dân vận Trung ương nêu rõ, hiện nay đời sống và sản xuất của nhân dân ở nhiều nơi, nhất là miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai, bão lũ, dịch bệnh vùng bị thu hồi đất cho các dự án... còn khó khăn. Lạm phát, giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng cao, gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống, nhất là người thu nhập thấp, người làm công ăn lương. Tình trạng mất dân chủ, quan liêu, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng của một bộ phận cán bộ, công chức có chiều hướng tăng. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí hiệu quả thấp.
Liên quan đến khó khăn của ngành dân vận, Ban Dân vận Trung ương nêu thực trạng một số cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, vị trí, tầm quan trọng và trách nhiệm đối với công tác dân vận. Có biểu hiện khoán trắng cho dân vận, Mặt trận, đoàn thể và ít kiểm tra, đôn đốc. Việc bố trí cán bộ và chính sách cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Các ngành, các cơ quan của hệ thống chính quyền chưa có bộ phận và cán bộ theo dõi công tác dân vận. Một số chủ trương, chính sách đề ra chưa phù hợp với thực tế, trong thực hiện, điều hành còn nặng về hành chính, coi nhẹ vận động, thuyết phục.
Ban Dân vận kiến nghị, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác dân vận; sớm chỉ đạo, nghiên cứu ban hành Quy chế giám sát, phản biện xã hội của MTTQ, các đoàn thể chính trị – xã hội. Có quy định về thành lập tổ chức Đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Tại cuộc làm việc, Tổng bí thư yêu cầu các đơn vị của Ban Dân vận Trung ương và các Ban Đảng góp ý kiến, trao đổi, thảo luận nhằm làm rõ hơn vị trí, vai trò của công tác dân vận trong tình hình mới. Là cơ quan tham mưu của Ban chấp hành Trung ương, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban bí thư về chủ trương, chính sách, giải pháp lớn về công tác dân vận thì trong tình hình Đảng cầm quyền, phát triển nền kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập hiện nay thì công tác dân vận của Đảng có điểm gì đáng lưu ý? Nội dung dân vận có gì thay đổi? Có hay không hiện tượng hành chính hóa, xơ cứng hóa trong công tác dân vận? Mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ như thế nào? Lòng tin của nhân dân đối với Đảng ra sao?... Các đại biểu tham dự cuộc làm việc chia sẻ với những khó khăn, vất vả của cán bộ dân vận; nhất trí cho rằng, đã làm công tác dân vận thì phải bám dân, nắm thật chắc tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của dân; kịp thời tham mưu, đề xuất với Trung ương, Bộ Chính trị và Ban bí thư về đường lối, chính sách, giải pháp về dân vận của Đảng.
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Tổng bí thư hoan nghênh và đánh giá cao những đóng góp quan trọng của công tác dân vận trong việc huy động, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, MTTQ, các đoàn thể nhân dân, tạo ra sự đồng thuận cao trong xã hội, tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa Đảng và nhân dân. Tổng bí thư nhấn mạnh, trong bất kỳ thời kỳ nào của cách mạng, Đảng ta luôn đề cao vị trí, vai trò quan trọng của công tác dân vận, coi đây là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng nước ta. Từ khi có Đảng lãnh đạo thì quần chúng nhân dân được tổ chức thành sức mạnh mạnh mẽ hơn. Sức mạnh của Đảng là mối liên hệ mật thiết với quần chúng nhân dân. Và sức mạnh nhân dân chỉ được tổ chức lại dưới sự lãnh đạo của Đảng. Sức mạnh của nhân dân kết hợp với sự lãnh đạo của Đảng tạo thành sức mạnh vô địch. Khi trở thành Đảng cầm quyền, Đảng ta đã tổng kết, đúc rút thành: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ và ban hành cơ chế để phát huy được vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và vai trò làm chủ của nhân dân.
Nhấn mạnh tới sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, nếu chúng ta xa rời mục tiêu này thì khó có thể thành công. Đảng xa dân thì dần dần dễ quan liêu, thoái hóa biến chất. Ở đây có vai trò quan trọng của công tác dân vận. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công. Điểm lại lịch sử ra đời và phát triển công tác dân vận của Đảng, Tổng bí thư đúc kết, dân vận phải có sức hút đại đoàn kết toàn dân. Trong điều kiện hiện nay, Đảng ta là Đảng cầm quyền thì càng phải có sức hút. Một trong những vấn đề nổi lên trong công tác dân vận hiện nay là các cơ quan chính quyền chưa quan tâm đầy đủ đến công tác dân vận và coi đây là công việc của cấp ủy Đảng. Đây là hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới; đồng thời quán triệt thật sâu sắc tư tưởng dân vạn đại.
Tổng bí thư đề nghị Ban Dân vận Trung ương và cơ quan dân vận các cấp sớm đẩy nhanh việc thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng; thực hiện các đề án, chủ động tham mưu, đề xuất với Trung ương Đảng, Bộ Chính trị ban hành quy chế, chỉ thị, nghị quyết nhằm tăng cường công tác dân vận. Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, tuyên truyền để các cấp, các ngành nhận thức sâu sắc hơn về công tác dân vận. Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao trình độ cán bộ dân vận. Có cơ chế phối hợp với các Ban Đảng, chính quyền các cấp để nắm thật chắc tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Kịp thời tham mưu, đề xuất và theo đến cùng việc thực hiện các chủ trương, chính sách, biện pháp để tháo gỡ tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chủ trương, chính sách, biện pháp đã ban hành của Trung ương, Bộ Chính trị và Ban bí thư.
Tổng bí thư ghi nhận các ý kiến, đề xuất xác đáng và thiết thực của Ban Dân vận Trung ương; đề nghị Văn phòng Trung ương Đảng tổng hợp, phân loại, đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền trong việc giải quyết các kiến nghị của Ban Dân vận Trung ương, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu về dân vận cho Trung ương.
Theo Đại biểu nhân dân