Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề ra 8 yêu cầu lớn với ngành ngoại giao
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Hội nghị Ngoại giao 30. Nguồn: VGP |
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định công tác đối ngoại trong gần 3 năm qua, đặc biệt là năm 2017, đạt nhiều kết quả quan trọng, là điểm sáng trong toàn bộ thành tựu chung của đất nước. Theo đó, công tác đối ngoại đã giúp duy trì củng cố môi trường hòa bình, ổn định; phục vụ phát triển kinh tế; xử lý các vấn đề biên giới - lãnh thổ; đưa các mối quan hệ quốc tế của Việt Nam đi vào chiều sâu, hiệu quả; thúc đẩy công tác thông tin đối ngoại, ngoại giao văn hóa...
Tổng Bí thư đặc biệt đánh giá cao những đóng góp quan trọng của lực lượng cán bộ đối ngoại nói chung, Bộ Ngoại giao nói riêng. Tổng Bí thư cho rằng, môi trường đối ngoại sẽ ngày càng phức tạp, tạo ra nhiều thách thức mới, vì vậy, ngành đối ngoại nói chung và ngoại giao nói riêng cần phải thực hiện tốt hơn nữa, đi sâu vào nghiên cứu, làm việc để tránh bỏ phí giai đoạn, những hiệp ước đã ký kết với quốc tế; các phát sinh cần được xử lý hiệu quả; công tác nghiên cứu kỹ càng để có thể dự báo được tình hình địa chiến lược toàn cầu; công tác sử dụng cán bộ cần hợp lý...
“Với sự phát triển kinh tế nổi bật, lòng yêu chuộng hòa bình, tinh thần hòa hiếu trên trường quốc tế, Việt Nam đang ngày càng nhận được sự tin tưởng và tôn trọng của các quốc gia và tổ chức trên thế giới”, Tổng Bí thư nhận định.
Tổng Bí thư cũng đề nghị Bộ Ngoại giao cần bám sát nghị quyết Đại hội XII và của Trung ương để tiếp tục triển khai công tác đối ngoại, là căn cứ và định hướng quan trọng để đẩy mạnh công tác đối ngoại trong thời gian tới.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Mạnh dạn đột phá, dám nghĩ dám làm, để có hành động và suy nghĩ đạt tầm quốc tế. Xây dựng tâm thế mới của Việt Nam trong hoạt động đối ngoại song phương và đa phương, song cần kiên định mục tiêu, chân thành khiêm tốn”.
Tổng Bí thư yêu cầu Bộ Ngoại giao tiếp tục quán triệt đường lối đối ngoại độc lập, hoà bình phát triển, đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ. Ngăn ngừa xung đột, tránh đối đầu, tránh bị cô lập, phụ thuộc. Mục tiêu bao trùm là giữ vững môi trường hoà bình, kiên quyết bảo vệ vững chắc chủ quyền, các lợi ích quốc gia chính đáng. “Đây là nhiệm vụ quan trọng của toàn hệ thống chính trị, song ngành ngoại giao là những người đi đầu”, Tổng bí thư nêu rõ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Ảnh: Xuân Phú |
Kết thúc phiên khai mạc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề ra 8 yêu cầu lớn đối với ngành Ngoại giao trong thời gian tới, cụ thể: Đổi mới tư duy đối ngoại, xây dựng vị thế và tâm thế mới của Việt Nam; Tiếp tục quán triệt đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ; Phát huy tối đa mọi yếu tố thuận lợi của đất nước để định hình các cơ chế đa phương; Nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại, nhất là kinh tế đối ngoại và an ninh - quốc phòng, đưa quan hệ các nước láng giềng và nước lớn đi vào chiều sâu, hiệu quả; Tiếp tục triển khai có hiệu quả hội nhập quốc tế; Coi trọng công tác nghiên cứu và dự báo chiến lược; Nâng cao hiệu quả phối giữa Bộ, ban, ngành, địa phương; nhất là Bộ Ngoại giao và quốc phòng, an ninh trong công tác đối ngoại; Đặc biệt chú trọng công tác xây dựng ngành, bao gồm sắp xếp tổ chức bộ máy, đào tạo bồi dưỡng cán bộ.
Sau phiên khai mạc sáng ngày 13/8, các đại biểu sẽ tiếp tục thảo luận trong hai phiên toàn thể tiếp theo. Phiên I “Đẩy mạnh ngoại giao phục vụ phát triển trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng” diễn ra vào ngày 15/8. Sau đó một ngày, Phiên II với chủ đề “Đối ngoại quốc hội trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng” sẽ được tổ chức với sự tham dự của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Hội nghị Ngoại giao lần này tập trung vào 4 trọng điểm gồm đánh giá việc thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XII về đối ngoại trong hai năm qua và tìm biện pháp tiếp tục triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết trong những năm tới; đánh giá tình hình thế giới, cơ hội và thách thức để triển khai chủ động và sáng tạo đường lối đối ngoại của Đảng; đánh giá các biện pháp triển khai hiệu quả hội nhập và nâng tầm ngoại giao đa phương; thảo luận tiếp tục triển khai Nghị quyết Trung ương 6 về kiện toàn hệ thống bộ máy nhà nước và Nghị quyết Trung ương 7 về xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, hiện đại.