Tổng Bí thư: “Dù làm ĐBQH hay không, cũng phải là công dân tốt”
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói như vậy tại cuộc tiếp xúc cử tri với những người ứng cử ĐBQH khoá XIV được đơn vị bầu cử số 1 – TP. Hà Nội tổ chức sáng ngày 6/5/2016.
Trình bày chương trình hành động của mình nếu được bầu làm ĐBQH khóa XIV,Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trước hết gửi lời cảm ơn tới các cử tri tại đơn vị bầu cử số 1 và cho biết, ông đã chuẩn bị chương trình hành động và qua các ý kiến đóng góp của cử tri, ông sẽ hoàn thiện thêm chương trình của mình.
Tổng Bí thư cũng cho rằng mình là người may mắn, vinh dự khi nhiều năm được giới thiệu ứng cử bầu làm ĐBQH, được nhiều lần tiếp xúc, lắng nghe ý kiến của cử tri, của nhân dân. |
Tổng Bí thư cũng giãi bày: "Thực ra năm nay tôi cũng đã cao tuổi rồi. Năm nay 72 tuổi, trải qua 6 khóa Ủy viên T.Ư, 5 khóa Uỷ viên Bộ Chính trị, 2 khóa Tổng bí thư, 3 khóa Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng lý luận T.Ư, Phó Chủ tịch HĐ Lý luận T.Ư… Kỳ vừa rồi, tôi đã xin nghỉ bằng văn bản nhưng do tình hình cụ thể của đất nước, của Đảng nên T.Ư và Đại hội vẫn yêu cầu tôi tiếp tục công tác. Là đảng viên, tôi phải chấp hành. Ngay sau Đại hội, báo chí có phỏng vấn cảm tưởng gì thì tôi cũng đã nói công khai rồi, rằng không biết trước thế nào nhưng luôn luôn phải cố gắng hoàn thành nhiệm vụ”.
“Lần này nếu như được các cử tri Ba Đình, Hà Nội tín nhiệm giới thiệu tôi làm ĐBQH tiếp, tôi sẽ có điều kiện được học nhân dân nhiều hơn, tiếp xúc nhiều hơn, lắng nghe nhiều hơn. Đây là việc rất quan trọng. Thứ hai là cũng có điều kiện phối hợp công tác tốt hơn giữa bên Đảng, Quốc hội, Chính phủ, quân đội” – Tổng Bí thư nói và cho biết, vừa qua, sau Đại hội Đảng, mọi việc tương đối suôn sẻ, nhất là phân công các cán bộ giữ các chức vụ mới. Dù còn ý kiến này, ý kiến khác nhưng cơ bản là đã thấy được khí thế mới trong tất cả các cơ quan ở Quốc hội, Chính phủ, các Bộ trưởng, trưởng ngành... Đặc biệt, cả hai đồng chí Bí thư Hà Nội và Bí thư TP.HCM đều đang làm hết sức mình. Hy vọng là sẽ có bước phát triển mới, sinh lực mới.
“Nếu như được bầu làm ĐBQH hay không thì tôi vẫn luôn luôn tâm niệm một điều trước hết phải là người công dân tốt, cán bộ, đảng viên tốt, kiểu gì cũng phải cố gắng, trên cương vị nào cũng phải hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nếu được trúng cử ĐBQH thì càng phải cố gắng, bởi đó là dân gửi gắm niềm tin” – Tổng Bí thư chia sẻ.
Tổng Bí thư cũng đề cập đến 3 vấn đề mà tới đây cần làm quyết liệt vì nhân dân đang rất mong đợi. Đó là: Kinh tế phải tiếp tục phát triển, khắc phục cho được những hạn chế, yếu kém trong thời gian vừa qua, nhất là nợ công, nợ xấu, phát triển chưa bền vững, năng suất, chất lượng chưa hiệu quả. Phải mạnh hơn nữa về kinh tế, vì “có thực mới vực được đạo”. Kinh tế phải là nhiệm vụ trung tâm.
Vấn đề thứ hai phải xây dựng Đảng cho tốt, hệ thống chính trị cho tốt, tổ chức, bộ máy con người phải trong sạch, vững mạnh, gần dân, lắng nghe dân, chống cho được tham nhũng, tiêu cực.
Lần này, các cơ quan đang rất hăng hái thực hiện nhiệm vụ này, tuy nhiên còn khó khăn, phức tạp, cần phải dựa vào dân để chống tham nhũng, tiêu cực chứ đi đâu dân cũng chưa hài lòng, tham nhũng vặt cũng có, tham nhũng lớn, ở cấp nào cũng có thì không được. Cuối cùng là giữ cho được độc lập chủ quyền của quốc gia đồng thời giữ cho môi trường hòa bình, ổn định để phát triển.
“Có nhiều việc phải làm nhưng ba việc đó cần phải tập trung. Muốn làm được phải tiếp tục lắng nghe dân. Điều này quan trọng lắm” – Tổng Bí thư nhấn mạnh.
5 người ứng cử ĐBQH khóa XIV được phân công ứng cử tại đơn vị bầu cử số 1 TP. Hà Nội (các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ) gồm: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Thiếu tướng Nguyễn Doãn Anh, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô; Ông Phạm Xuân Anh, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng Hà Nội; Ông Phan Thanh Chung, Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội; Bà Trần Thị Phương Hoa, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ TP. Hà Nội.
Trình bày Chương trình hành động của mình nếu được trúng cử làm ĐBQH khóa XIV, cả 5 người ứng cử đều đưa ra những nhiệm vụ chung, lớn là sẽ thường xuyên tiếp xúc và lắng nghe ý kiến của cử tri, dành nhiều thời gian đi thực tế nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân để có cơ sở thực tiễn tham gia xây dựng pháp luật đảm bảo tính khả thi, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nhân dân.