Tội phạm mạng có thể biến người dân thành đồng phạm!
Chính phủ điện tử không phải chỉ giảm biên chế, thời gian
Thứ nhất, về xây dựng Chính phủ điện tử, Phó Thủ tướng khẳng định chúng ta dù rất tích cực, cố gắng nhưng chỉ đứng thứ 89 trên thế giới dựa vào 3 tiêu chí: hạ tầng, nguồn nhân lực, dịch vụ công trực tuyến. Cả 3 mặt còn nhiều hạn chế và cần làm tốt hơn. Tính đến tháng 7/2017 chúng ta chỉ đạt trung bình 1% số dịch vụ công được cung cấp ở mức độ 4, là mức cao nhất cho phép thanh toán điện tử và cung cấp hóa đơn điện tử; 5% cấp độ 3.
Ở các Bộ thì số ít hơn, Bộ Tài chính có 943 dịch vụ thì 26% dịch vụ ở cấp 4, là Bộ có tỷ lệ cao nhất. Bộ KH&ĐT thì 2%. Chúng ta phải nhìn vào thực tế như vậy. CP và Thủ tướng giao chỉ tiêu từng bộ phải cung cấp ở cấp độ 4 là bao nhiêu.
“CNTT chỉ là công cụ để cải cách thủ tục hành chính. Xây dựng Chính phủ điện tử không chỉ là vấn đề giảm biên chế, giảm thời gian, quan trọng hơn là công khai minh bạch, chống tham nhũng, tiêu cực. Môi trường cạnh tranh của Việt Nam vừa qua tăng 14 bậc trong đó có 2 chỉ số có tính quyết định là Thuế và Bảo hiểm. Trong đó BHXH 3 năm qua đã làm hệ thống CNTT quản lý”, Phó Thủ tướng nói.
Theo Phó Thủ tướng, ở góc độ nào đó nguồn lực tài chính là chưa đủ, nhưng quan trọng là phải vượt qua tâm lý ngại, ngại mất quyền kiểm soát, ngại công khai minh bạch vì mình bị giám sát. Hai hội chứng cần khắc phục là cục bộ, dữ liệu có nhiều nhưng mỗi nơi một tí, muốn tự mình làm hết, muốn mua máy tính và phần mềm. Cho nên Chính phủ từ 2 năm nay đã rất quyết liệt chỉ đạo bắt buộc thuê dịch vụ công trực tuyến, những người chuyên nghiệp sẽ làm, từ đó sẽ có cơ sở dữ liệu. Chỉ cần chúng ta thuê ngân hàng hoặc bưu điện thì họ sẽ đứng ra làm cơ sở dữ liệu từng người. Thủ tướng rất quyết liệt trong việc này, và chúng ta phải quyết liệt hơn nữa.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. |
Thị phần internet bị doanh nghiệp ngoại thâu tóm
Thứ hai, về quản lý báo chí và MXH, Phó Thủ tướng khẳng định tinh thần chung của chúng ta là phát triển mạnh nhưng đi đôi với quản lý tốt, đúng pháp luật và xu thế thế giới, không vi phạm cạm kết quốc tế. Hiện nay trên thế giới có 7,5 tỷ người thì có 52% dùng mạng internet, 42% dùng MXH. Tại Việt Nam, có 67% số người dùng internet, 60% dùng MXH. Nhưng thị phần internet gần như của các công ty nước ngoài, chiếm đến 95%. Công ty nước ngoài chiếm 98% thị trường công cụ tìm kiếm ở Việt Nam, 98% thị phần thư điện tử, 80% thị phần thương mại điện tử. Cái mà chúng ta có tỷ lệ tốt nhất là trò chơi trực tuyến, chiếm 60% thị phần. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết:
“Chúng ta cần có thái độ quyết liệt hơn với các nhà cung cấp nước ngoài, các nước khác họ đều làm cả. Một số nước quản lý tốt như Nga thì MXH facebook chỉ đứng thứ 5, tại Nhật Bản thì facebook đứng thứ 6 và tại Hàn Quốc là thứ 7. Các quốc gia này cố tạo ra các nhà cung cấp khác, tránh độc quyền, dùng các biện pháp kỹ thuật chặn, lọc khi cần thiết. Một mặt người ta dùng pháp luật khi các công ty nước ngoài hay lấy thông tin cá nhân từng người dân, gây phân biệt đối xử, gây thù địch. Liên minh Châu Âu cũng đã bắt tất cả các công ty cam kết không vi phạm những điều đó. Tại nước Đức, chỉ 30% người dân đức dùng MXH vì họ ý thức được việc dùng MXH có thể mất thông tin cá nhân”.
Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ đã yêu cầu Bộ TT&TT và các Bộ ngành cần có biện pháp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhưng phải đảm bảo phát triển kinh tế, đảm bảo phát triển xã hội, phát triển văn hóa, không xuyên tạc, không nói xấu và không đi ngược lại truyền thống văn hóa của Việt Nam.
Người dùng internet Việt Nam “dễ dãi”
Thứ ba, về vấn đề an toàn an ninh thông tin, Phó Thủ tướng cho rằng chúng ta không thể không ứng dụng CNTT nhưng nếu không đảm bảo an toàn thông tin thì nguy hại vô cùng. Về an toàn thông tin, chúng ta đứng vị trí trên 100 trên thế giới, ý thức của người dân trong an toàn thông tin thuộc nhóm yếu nhất thế giới. Trên thế giới hiện cứ 1 giây có 3 cuộc tấn công mạng có chủ đích, 4 mã độc được phát tán ra, Việt Nam chúng ta đứng trên 100 nhưng có một vài chỉ số đứng cuối cùng của thế giới, đó là chỉ số phát tán thư rác, cứ 1 giờ có 2 trăm tỷ thư trên thế giới được phát đi, 53% là thư rác, cứ 100 thư rác trên thế giới thì Việt Nam có 11,7%, đứng số 1 thế giới.
“Ngày xưa khi nói về an toàn an ninh thông tin thì chỉ nói đến máy tính và người làm CNTT, nhưng bây giờ là thời đại vạn vật kết nối, nhiều thiết bị có thể lây nhiễm, trong khi chỉ có 11% người dân Việt Nam nhận ra nguy cơ bị lây nhiễm. Theo kết quả điều tra của nước ngoài, 61% máy tính của người dân Việt Nam bị nhiễm mã độc, trong khi tỷ lệ này trên thế giới là 11%”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Giải thích lý do tại sao an toàn – an ninh thông tin ở Việt Nam thấp như vậy, Phó Thủ tướng cho biết vì chúng ta chưa nhận thức rõ nguy cơ mất an toàn – an ninh thông tin. Ở tất cả các nước, Chính phủ, doanh nghiệp và cá nhân, cứ đầu tư 100 đồng cho CNTT thì có 15-21 đồng cho an toàn – an ninh thông tin, còn ở Việt Nam chỉ có 5%. Lực lượng được đào tạo chuyên biệt thì rất ít, chỉ có 500 cán bộ chuyên trách chính thức về an toàn – an ninh thông tin trong các cơ quan nhà nước, trong khi ở Trung Quốc là 40.000 người.
“Tôi hỏi chuyên gia quốc tế rằng nên dùng từ nào để đánh giá về người dùng Việt Nam, họ nói từ chính xác nhất là “dễ dãi”. Bất cứ một tin nhắn nào đó chúng ta đều bấm vào OK ngay. Khi đó chúng ta không biết là tất cả các thông tin cá nhân đều đã được các công ty thu thập về phục vụ mục đích kinh doanh, và sau này có thể là lừa đảo, tống tiền có hại cho bản thân mình. Chúng ta cứ thấy thư điện tử có chữ “khuyến mại” là bấm vào, có cái USB là cắm luôn vào máy tính, cứ như vậy là lây nhiễm hết cả, đây là vấn đề báo động nhất về an toàn – an ninh thông tin.”
Phó Thủ tướng khẳng định chúng ta phải có chủ quyền quốc gia về an toàn - an ninh thông tin, quan điểm của Chính phủ là có chủ quyền không gian mạng. Theo Phó Thủ tướng, một khi các thiết bị bị nhiễm độc, các tổ chức tội phạm có thể điều hành nhà máy điện, nước, thậm chí cả nhà máy điện nguyên tử, chúng có thể biến người dân thành đồng phạm mà người dân không hề hay biết.
“Họ đang ém quân chờ thời trong máy tính của chúng ta. Đến một thời điểm nhất định họ có thể tập hợp đội quân ấy và thực hiện hành vi xấu. Nếu không ý thức ngay từ bây giờ sẽ rất nguy hiểm. Chúng ta phải xây dựng hệ thống luật, khi có sự cố xảy ra phải có khả năng ứng phó, khôi phục trạng thái ban đầu. Nhận thức là quan trọng, quan trọng nữa là năng lực ứng phó. Khi có chuyện xảy ra thì không thể họp ban chỉ đạo, thậm chí gọi điện xin ý kiến cũng không kịp”, Phó Thủ tướng cảnh báo.
Phó Thủ tướng cũng khẳng định, nếu mất an toàn an ninh, điều đầu tiên người dân mất là mất tiền, chưa nói cái mất to lớn hơn là chính trị. Phó Thủ tướng cũng nhắn nhủ đến các ĐBQH là lãnh đạo các tỉnh thành, hãy quyết tâm xây dựng Chính phủ điện tử, và hãy đi thuê về làm, không nên tự làm hay tự mua. Nếu làm tốt hệ thống dữ liệu thông tin quốc gia, cuộc tổng điều tra dân số năm 2019 tới đây sẽ gần như là lần điều tra cuối cùng, vì sau đó chúng ta sẽ cập nhật từng tháng dựa vào số liệu sống.