“Tôi đã chứng kiến từ tử hình xuống chung thân... tù 15 năm là về"
Chiều nay (26/5), Quốc hội thảo luận tại tổ về Bộ luật hình sự (sửa đổi), Dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) lần này đã thu hút nhiều ý kiến tham gia. Tại Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung (Giám đốc CA Hà Nội) đã đề xuất đến 17 ý kiến xung quanh dự thảo lần này.
ĐBQH Nguyễn Đức Chung tại phiên họp tổ Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, ngày 26/5 |
ĐBQH Nguyễn Đức Chung cho rằng, sau 15 năm thi hành Bộ luật Hình sự năm 1999, thực tiễn tại các đơn vị cũng như CATP Hà Nội đã gặp nhiều khó khăn, bất cập. Bộ luật Hình sự năm 1999 chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới, việc sửa đổi là một tất yếu khách quan.
Về quy định trách nhiệm hình sự với pháp nhân, Đại biểu Quốc hội, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung cho biết: “Dự thảo bổ sung các quy định về trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân và thiết kế thành một chương riêng. Theo ông Chung việc quy định trách nhiệm về hình sự đối với pháp nhân cần nghiên cứu lại, trước mắt không đưa các quy định về pháp nhân và Dự thảo Bộ luật Hình sự. Hiện nay, hình phạt đối với pháp nhân quy định trong Dự thảo chủ yếu là hình thức phạt tiền, tước quyền sử dụng giấy phép… mà không thể áp dụng hình phạt tù với pháp nhân. Các quy định hình phạt đối với pháp nhân đều đã được quy định trong pháp luật về hành chính, luật doanh nghiệp…
Về tuổi chịu trách nhiệm trách nhiệm hình sự, ông Nguyễn Đức Chung nhất trí phương án 1: “Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thuộc nhóm các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người; các tội về xâm phạm về sở hữu; các tội phạm về ma túy và các tội phạm về xâm phạm trật tự, an toàn công cộng”. Vì phương án này phù hợp với thực tiễn đấu tranh, phòng chống tội phạm.
Ông cũng đề nghị giữ nguyên khái niệm “chuẩn bị phạm tội” như điều 17 Bộ luật Hình sự năm 1999 vì trong dự thảo không có điều này.
ĐBQH Nguyễn Đức Chung cũng đề nghị bỏ nội dung “người chưa thành niên phạm tội chưa đạt thì không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội chưa đạt”. Ông giải thích, nếu quy định như trên sẽ dẫn tới xử lý không ngiêm. Ví dụ giết người chưa đạt tức người bị hại chưa chết thì không phải chịu trách nhiệm hình sự là không thực tế…
Ngoài ra, Đại biểu Nguyễn Đức Chung cũng đề nghị loại bỏ trách nhiệm hình sự với quân nhân thi hành mệnh lệnh cấp trên nếu đã báo cáo đầy đủ nhưng cấp trên vẫn ra lệnh. Đối với vấn đề thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, đại biểu Chung đề nghị không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội giết nhiều người và khủng bố làm chết nhiều người. Với bản góp ý 17 vấn đề, đại biểu Chung kiến nghị thay đổi nhiều nội dung tại dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi.
Đáng chú ý, Đại biểu Nguyễn Đức Chung không đồng tình với việc quy định “không thi hành án tử hình” với những tội danh về tham nhũng mà khắc phục cơ bản thiệt hại (khoản 3 điều 39 Dự thảo sửa đổi Bộ luật Hình sự). Ông cho biết: “Thực tế, tôi đã chứng kiến có trường hợp từ tử hình xuống chung thân rồi xuống 20 năm, tù 15 năm lại về... là có thật”. Không nên bỏ thi hành án tử hình với tội tham nhũng để có tính răn đe và không đảm bảo công bằng trong xã hội. Đại biểu Nguyễn Đức Chung đề nghị giữ nguyên án tử hình với tội tham nhũng.