Tọa đàm Thanh niên về dự thảo sửa đổi Luật Thanh niên
Tọa đàm Thanh niên về dự thảosửa đổi Luật Thanh niên |
Đây là một hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện chào mừng Ngày Quốc tế thanh niên năm 2018 của LHQ tại Việt Nam.
Luật Thanh niên được QH Khóa XI thông qua ngày 29.11.2005 và có hiệu lực thi hành ngày 1.7.2006. Tuy nhiên, qua 12 năm triển khai thực hiện Luật Thanh niên chưa thực sự đồng bộ và rộng rãi, còn bó hẹp trong phạm vi thanh niên và Đoàn Thanh niên, nhiều cấp ủy chính quyền chưa thực sự vào cuộc và đầu tư cho phát triển thanh niên.
Ngoài ra, một số nội dung của Luật chưa quy định cụ thể bộ, ngành nào làm đầu mối giúp Chính phủ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên nên khó khăn, lúng túng trong việc hướng dẫn, đôn đốc, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Luật Thanh niên; không quy định chế tài bảo đảm thực hiện Luật nên các bộ, ngành và các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ của mình không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình được quy định trong Luật Thanh niên.
Các quy định về quyền và nghĩa vụ của thanh niên trong các điều, khoản của Luật Thanh niên chưa được quy định rõ ràng, thiếu cụ thể, chưa phân định rõ đâu là quyền của thanh niên, dẫn đến khó khăn trong áp dụng và hướng dẫn thực hiện. Thiếu cơ chế cụ thể để khuyến khích và bảo đảm sự tham gia của thanh niên trong quá trình thi hành Luật, cũng như việc xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật nhằm cụ thể hóa Luật Thanh niên, do đó chưa tạo được sự mạnh mẽ trong việc tạo điều kiện cho thanh niên phát huy và thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình.
Bên cạnh đó, các quy định về trách nhiệm của nhà nước, gia đình và xã hội trong việc thực thi quyền và lợi ích hợp pháp của thanh niên mới dừng ở việc kêu gọi, khuyến khích thực hiện. Các hành vi bị nghiêm cấm được quy định trong Luật Thanh niên quá cụ thể và chi tiết, không bao quát hết những quy định ở các văn bản pháp luật thuộc các lĩnh vực khác nhau trong đó có thanh niên là đối tượng áp dụng.
Tham dự tọa đàm, các ý kiến đều cho rằng, việc sửa đổi Luật Thanh niên là cần thiết, nhằm sửa đổi, bổ sung các quy định để tiếp tục thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa….
Đại diện nhóm sinh viên tham chính Vũ Văn An, sinh viên trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh tham gia buổi tọa đàm cho hay: Theo báo cáo của Khối thịnh vượng chung về chỉ số phát triển thanh niên 2016 cho thấy, Việt Nam xếp từ 152/183 quốc gia về sự tham gia của thanh niên vào chính trị và đời sống. Trong đó, chỉ số về tỷ lệ thanh niên sẵn sàng bày tỏ quan điểm chính trị là 0,356/1 điểm.
Một khảo sát khác do nhóm “Sinh viên nói vì sinh viên” thực hiện đối với 200 thanh niên trên cả nước trong đó tập trung ở 2 thành phố lớn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cũng cho thấy 48,6% thanh niên từ chối phát biểu về chính trị; 28,2% bị người lớn yêu cầu không phát biểu; 19,8% bị nhà trường yêu cầu không phát biểu.
Trước thực tế này, Vũ Văn An kiến nghị đưa vào điều 28 của Luật Thanh niên, nhà nước có trách nhiệm đảm bảo không gian an toàn và cở mở cho thanh niên thảo luận về chính sách, pháp luật và các vấn đề khác.
“Đoàn ĐBQH và MTTQ VN cần đảm bảo thanh niên ở mọi tầng lớp tham gia tiếp xúc với đại biểu QH và HĐND. Các bộ, ban ngành có trách nhiệm tiếp thu và trao đổi ý kiến với thanh niên về các vấn đề chính sách, quản lý nhà nước và xã hội”, An nói.
Tại điều 7, An cho biết nhóm rất trăn trở và đưa vào nhiều kiến nghị: Đối thoại với thanh niên cần được tổ chức định kỳ hàng năm ở cấp quốc gia và cấp tỉnh. Đối thoại với thanh niên phải đảm bảo thực chất, có ý nghĩa và có sự tham gia bình đẳng của mọi tầng lớp thanh niên khác nhau.
Cơ quan chủ trì đối thoại có trách nhiệm công khai thông tin về buổi đối thoại ít nhất 30 ngày trước khi tổ chức đối thoại. Đối thoại được tổ chức công khai. Biên bản đối thoại được công khai trên trang cổng thông tin của cơ quan chủ trì đối thoại 48h sau khi kết thúc đối thoại.
“Các bộ ban ngành tham gia đối thoại với thanh niên có trách nhiệm giải trình và báo cáo với thanh niên về các vấn đề đã thực thi dựa trên biên bản đối thoại kỳ trước”, sinh viên Vũ Văn An kiến nghị.
Ngoài ra, đại diện nhóm sinh viên tham chính này cũng kiến nghị kiến nghị bổ sung tại Điều 21 nhà nước cần có trách nhiệm đảm bảo thanh niên được giáo dục về bầu cử và tham chính trong trường học.
Theo Chương trình xây dựng Luật và Pháp lệnh năm 2019, Dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 diễn ra vào tháng 10 năm 2019.