Tinh giảm biên chế: Tinh thần giáo viên đang xuống rất thấp
Tinh thần giáo viên xuống thấp
Thảo luận tại tổ sáng nay có 8 ĐBQH nêu các vấn đề liên quan đến lĩnh vực GD-ĐT, trong đó có nhiều ĐB quan tâm đến vấn đề cải cách giáo dục, việc thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện về GD-ĐT và chủ trương chuyển đổi từ công chức, viên chức sang hợp đồng lao động.
ĐB Nguyễn Thị Phúc: Việc thực hiện tinh giảm biên chế chủ yếu là không tuyển mới và chờ đợi những người trong độ tuổi về hưu, điều này gây ra nhiều bất cập không có người kế nghiệm trong vị trí công việc, ngành giáo dục có những địa phương dừng tuyển dụng rất lâu 2008. Nay vướng mắc vào chủ trương tinh giảm biên chế, tinh thần giáo viên xuống thấp. |
ĐB Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) cho biết, nhiều cơ sở giáo dục còn khó khăn về cơ sở vật chất, hơn nữa con người hành chính phụ thuộc không thể tự chủ, để kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm phụ thuộc vào mối quan hệ người đứng đầu cơ sở giáo dục đó và cũng như điều kiện kinh tế của địa phương. Nếu kêu gọi sự ủng hộ của phụ huynh quá nhiều thì sẽ bị phản ánh là lạm thu.
Biện pháp để tăng cường cơ sở vật chất ngoài ngân sách nhà nước và kể cả thu ngân sách nhà nước thì cần thiết phải xã hội hóa. Tuy nhiên để đạt hiệu quả thì các cơ sở giáo dục phải đổi mới tự chủ về tài chính, con người, giám sát của các cơ quan nhà nước. Các nguồn lợi xã hội hóa được phép huy động phải công khai chất lượng, minh bạch đội ngũ, tài chính, nghiêm túc thực hiện dân chủ cơ sở.
Mặc khác, theo Nghị định 16/ 2015 của Chính phủ quy định Cơ chế đối với các cơ sở công lập, thay thế cho nghị định 43/20 của Chính phủ. Tuy nhiên đến nay Bộ Giáo dục chưa ban hành Nghị định chưa ban hành nghị định cơ chế tự chủ.
Trước thực trạng này, ĐB này kiến nghị: Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thành nghị định cơ chế tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp công lập trong giáo dục và đào tạo. Thứ 2: Đề nghị Chính phủ chỉ đạo ưu tiên chủ trương thu hút nước ngoài tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là các tổ chức giáo dục trong khu vực và thế giới.
Vẫn theo ĐB này việc thực hiện tinh giảm biên chế chủ yếu là không tuyển mới và chờ đợi những người trong độ tuổi về hưu, điều này gây ra nhiều bất cập không có người kế nghiệm trong vị trí công việc, ngành giáo dục có những địa phương dừng tuyển dụng rất lâu 2008. Nay vướng mắc vào chủ trương tinh giảm biên chế, tinh thần giáo viên xuống thấp.
Nhiệm vụ khó khăn nhưng không thể không làm
Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã có phát biểu, giải trình làm rõ những vấn đề mà ĐB quan tâm. "Muốn nâng cao chất lượng giáo dục phải có nguồn lực và động lực. Trong đó, động lực đối với giáo viên và quản lý nhà giáo hết sức quan trọng.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Đây là nhiệm vụ rất khó khăn nhưng nhưng không thể không làm. Điều quan trọng là nghiên cứu thật kỹ, có lộ trình, bước đi cụ thể, phù hợp với điều kiện tại các cơ sở và ổn định tâm lý của giáo viên |
Thực tế, với chế độ công chức, viên chức hiện nay bộc lộ nhiều bất cập. Bất cập rất rõ là trong tuyển dụng, đặc biệt là phổ thông, hiện chưa phù hợp với nhu cầu về môn học, đặc biệt chuyên môn, dẫn đến hiện tượng thừa thiếu cục bộ rất nhiều.
Thứ hai, về động lực, phần nhiều giáo viên có tâm lý là vào biên chế nên ổn định, rất khó khăn trong nâng cao kiến thức, đặc biệt là phẩm chất năng lực để đáp ứng nhu cầu đổi mới, dạy theo chương trình mới, dẫn đến chất lượng giáo dục chưa nâng cao" - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phân tích.
Trên cơ sở đó, Bộ đặt vấn đề nghiên cứu đề xuất thí điểm chuyển dần từ công chức viên chức sang hợp đồng lao động. Trước hết là thí điểm từ khu vực đại học và một số trường phổ thông có điều kiện, sau đó từng bước rút kinh nghiện nhân rộng.
"Chúng tôi cho rằng đối với khu vực giáo viên và quản lý nhà giáo phải được đặc biệt đổi mới vì đây là yếu tố quyết định nâng cao chất lượng giáo dục và phải có lộ trình từng bước thực hiện. Bộ GD-ĐT đang nghiên cứu đề xuất làm từng bước, nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ và quản lý nhà giáo, qua đó thực hiện đổi mới Nghị quyết 29 đưa ra" - Bộ trưởng bày tỏ quan điểm.
Gần đây, Bộ GD-ĐT đã tổ chức trao đổi với một số đơn vị, các sở về chủ trương này và nhận được sự nhất trí. Dư luận xã hội cũng rất quan tâm và đồng hành.
"Đây là nhiệm vụ rất khó khăn nhưng nhưng không thể không làm. Điều quan trọng là nghiên cứu thật kỹ, có lộ trình, bước đi cụ thể, phù hợp với điều kiện tại các cơ sở và ổn định tâm lý của giáo viên" - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định.
Trẻ em hỏng là do người lớn hư
Thảo luận tại hội trường sáng nay, Thượng tọa Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) cho rằng, nhiều cử tri băn khoăn khi nghe QH bàn luật hình sự sửa đổi 2015 liên quan đến nội dung trẻ em phạm tội. Cử tri mong muốn, chúng ta hãy dùng biện pháp giáo dục là chính, trừ tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng nhằm mục đích cứu vớt, cứu rỗi, cứu tâm hồn của trẻ lạc.
“Nếu sớm đưa vào vòng tố tụng, tù tội để răn đe giáo dục thì trẻ em ít có cơ hội làm lại cuộc đời vì có khi còn xấu đi. Không nên đặt trẻ em vào đường cùng, đức Phật dạy rằng- tận cùng bất biến tức là đẩy đến cùng cực thì sẽ phản tác dụng theo chiều hướng ngược trở lại. Trẻ em đang chịu nhiều tác động đa chiều từ gia đình đến xã hội nên nhiều khi trẻ em hỏng là do người lớn hư".