Tỉnh An Giang chuẩn bị nguồn nhân lực cho mục tiêu phát triển kinh tế
Chú trọng lĩnh vực nông nghiệp và du lịch
Mới đây, nhằm hiện thực hoá những mục tiêu quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh An Giang đã ban hành Chương trình hành động số 09-CTr/TU về phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025.
Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh An Giang xác định phát triển nguồn nhân lực phải gắn với quá trình đổi mới chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Lấy năng suất, chất lượng, hiệu quả lao động làm căn cứ đánh giá kết quả, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Trong đó chú trọng đến hai lĩnh vực là nông nghiệp và du lịch.
Tỉnh An Giang đề ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm chuẩn bị nguồn nhân lực phục vụ cho việc phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn. |
Chương trình hành động đề ra 5 nhiệm vụ, đó là: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp về phát triển nguồn nhân lực, coi đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, cấp bách và lâu dài để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đặt quy hoạch phát triển nguồn nhân lực trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và từng địa phương; tăng cường công tác dự báo về diễn biến nguồn nhân lực và nhu cầu nhân lực; có chính sách điều tiết quy mô và cơ cấu đào tạo phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, khắc phục tình trạng mất cân đối và lãng phí trong đào tạo.
Về đào tạo, bồi dưỡng; đào tạo nâng cao đối với lực lượng cán bộ, công chức trẻ nòng cốt trong quản lý, nghiên cứu khoa học ở những ngành chủ lực, lĩnh vực có lợi thế, tiềm năng; đào tạo chuyên gia đầu ngành trình độ tiến sỹ theo ngành hàng thuộc tám quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; nâng cao chất lượng đào tạo chuyên môn, giáo dục nghề nghiệp các chuyên ngành về du lịch của Trường Đại học An Giang và Trường Cao đẳng nghề An Giang và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; nghiên cứu đổi mới công tác giáo dục hướng nghiệp trong học sinh; nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, đặc biệt là các môn ngoại ngữ, tin học.
Tăng cường đầu tư ngân sách và đổi mới cơ chế chính sách cho phát triển nguồn nhân lực; rà soát, bổ sung cơ chế chính sách tôn vinh đãi ngộ và thu hút đối với cán bộ khoa học, cán bộ quản lý, người có trình độ thạc sỹ, tiến sỹ, có nhiều sáng kiến, sáng tạo trong khoa học - kỹ thuật; đầu tư lựa chọn những học sinh, sinh viên giỏi có năng lực, có triển vọng phát triển tốt ở các trường; thực hiện cơ chế đặt hàng trực tiếp các nhà khoa học của tỉnh bên cạnh cơ chế tuyển chọn cạnh tranh để giao nghiên cứu các đề tài khoa học cấp tỉnh; xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025”.
Phát huy tiềm lực của đội ngũ doanh nhân, tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực quản trị cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp; vận động đội ngũ doanh nhân thành đạt trong, ngoài tỉnh và ở nước ngoài tham gia đào tạo, bồi dượng đội ngũ doanh nhân trẻ, doanh nhân vừa khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, huy động tối đa sự tham gia của các chủ thể xã hội khác ngoài nhà nước, các tổ chức xã hội, khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp, cộng đồng trong phát triển nguồn nhân lực; tăng cường huy động nguồn vốn của doanh nghiệp cho phát triển nguồn nhân lực; thực hiện các cơ chế, chính sách ưu đãi như: về đất đai, thuế và các nguồn lực khác để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh, xây dựng các cơ sở đào tạo, đầu tư thực hiện đào tạo nhân lực cho bản thân doanh nghiệp và xã hội, thu hút nhân tài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Những mục tiêu hướng đến
Đối với khu vực công, Tỉnh uỷ An Giang đề ra phương hướng tập trung phát triển đội ngũ nghiên cứu để tư vấn chính sách phát triển và chuyển giao công nghệ, đảm bảo đồng bộ giữa khoa học-kỹ thuật, khoa học xã hội và nhân văn đối với đội ngũ xúc tiến thương mại, đầu tư. Đối với nhân lực ngoài xã hội, tập trung phát triển đội ngũ doanh nhân, chủ cơ sở kinh tế cá thể và đội ngũ lao động trực tiếp chuyên nghiệp.
Từ đó, hướng đến mục tiêu xây dựng nguồn lực phải đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc; trong đó, tập trung nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp và du lịch trở thành những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2020, nguồn nhân lực tỉnh An Giang phát triển cả về số lượng và chất lượng. Nâng cao trình độ, năng lực cạnh tranh của nhân lực trong hội nhập, phát triển bền vững, ổn định xã hội. Phát huy nội lực, tranh thủ tối đa ngoại lực cho đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ. Nhân lực của tỉnh giữ vai trò chủ đạo, là nguồn lực chính trong tham mưu công tác lãnh đạo, quản lý của các cấp ủy đảng, chính quyền, trong phát triển nông nghiệp theo chiều sâu và phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đồng thời, có cơ chế chính sách phù hợp để huy động nhân lực ngoài tỉnh, nhân lực nước ngoài đóng góp cho quá trình phát triển của tỉnh.
Đến năm 2020, tỉnh phải xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nghiên cứu, tư vấn chính sách phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn khoảng 20 người; các ngành hàng phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp khoảng 50 người; phục vụ phát triển nông nghiệp theo chiều sâu thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ khoảng 30 người; xúc tiến đầu tư và thương mại nông sản hàng hóa thuộc ngành Nông nghiệp và các ngành liên quan khoảng 150 người. Khoảng 1.200 lượt cán bộ, công chức, viên chức từ cấp tỉnh tới xã được nâng cao nhận thức, trang bị, cập nhật kiến thức và kỹ năng về quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch, phát triển kinh tế du lịch.
Cập nhật kiến thức, kỹ năng ứng dụng tiến bộ công nghệ trong sản xuất nông nghiệp cho khoảng 200.000 lượt nông dân; 80% đội ngũ nhân lực trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực du lịch thuộc các khách sạn đạt tiêu chuẩn, các khu du lịch trọng điểm, các đơn vị lữ hành và các doanh nghiệp du lịch có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp.
Đảm bảo 80% học sinh tiểu học đủ điều kiện tham gia chương trình tiếng Anh 10 năm, sau khi hoàn thành chương trình tiểu học trình độ tương đương bậc 1/6; 70% học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông đủ điều kiện tham gia chương trình tiếng Anh 10 năm, sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở đạt trình độ tương đương bậc 2/6; sau sau khi tốt nghiệp phổ thông đạt trình độ tương đương bậc 3/6 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (tương thích với 6 bậc khung tham chiếu chung Châu Âu). Ít nhất 50% học sinh, sinh viên được trang bị kiến thức kỹ năng khởi nghiệp.
Đến năm 2025 tăng gấp đôi số cần đạt được so với năm 2020 đối với chỉ tiêu: xây dựng đôi ngũ nghiên cứu tư vấn chính sách; nghiên cứu, tư vấn chuyển giao ứng dụng tiến bộ công nghệ; xúc tiến đầu tư và thương mại trong ngành Nông nghiệp và các ngành liên quan.